Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chớ để ốm, viêm phổi... vì máy lạnh

Nóng, nóng quá! Nhưng hãy hạn chế với quạt, máy lạnh hoặc phải thông minh khi dùng chúng nếu bạn không muốn đổ bệnh.

Thời tiết nóng nực văn phòng nào cũng bật điều hòa, nhà nhà mở máy lạnh. Chị Minh Phương (Phường 5, Quận 9, Tp.HCM) có thân hình “mũm mĩm” hơn so với người khác nên càng khó chịu với cái nắng ngột ngạt. Vừa tới cơ quan là chị bật máy lạnh, về tới nhà, chị cũng bật máy lạnh.

Chị luôn để máy lạnh về mức 18-20 độ C, trong khi ngoài trời nhiệt độ lên đến 35-37 độ C. Và cũng chính vì thế mà mỗi khi ra ngoài chị luôn có cảm giác bị say nắng, say nóng, chếnh choáng. Có hôm vừa bước ra khỏi phòng chị lảo đảo rồi ngồi thụp ngay xuống đất không thể đi nổi.

Tình trạng này sau đó diễn ra thường xuyên khiến chị cảm thấy vô cùng sợ hãi, thậm chí nhiều hôm chị còn bị viêm họng, ngạt mũi, khó thở. Biết là do việc ngồi điều hòa quá nhiều nhưng nếu không sử dụng chị không thể chịu nổi cái nóng nực của mùa hè.

Ảnh minh họa

Nhiều chứng bệnh nguy hiểm khi ngồi máy lạnh

Trao đổi với phóng viên Sức khỏe gia đình, Ths.BS Nguyễn Thị Hương Giang, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, nguyên nhân gia tăng tình trạng bị ốm, cảm cúm vì sử dụng quạt máy, điều hòa là do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất là phòng điều hòa thường đóng kín, nồng độ CO2 thường cao hơn (nhất là khi mật độ người trong phòng đông) sẽ dẫn đến cảm giác ngột ngạt, khó thở. Hệ hô hấp phải tăng tần số thở để lấy thêm ôxy và thải CO2 làm cho cơ thể dễ mệt mỏi.

Hơn nữa, không khí trong phòng điều hòa kém lưu thông, thiết bị điều hòa dùng 1 thời gian sẽ bị bẩn và khí từ máy điều hòa thổi ra có thể giải phóng mầm bệnh, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Từ đó, khả năng lây nhiễm bệnh đường hô hấp (cúm, SARS, …) giữa các cá thể trong cùng phòng điều hòa (không có lưu thông không khí) đặc biệt rất cao.

Thứ hai là do sự chênh lệch nhiệt độ: Sự chênh lệch nhiệt độ ở phòng điều hòa và bên ngoài thường khoảng 5-10 độ C. Di chuyển đột ngột giữa phòng điều hòa và bên ngoài khiến niêm mạc đường hô hấp không thích nghi kịp với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến các chứng bệnh như phù nề, xung huyết, chảy mũi, ngạt mũi, viêm họng, khàn tiếng…

Do không hiểu được nguyên lý hoạt động của điều hòa cũng như không biết cách dùng điều hòa nhiều người đã vô tình để điều hòa làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, trong đó tình trạng phô biến là lạnh, cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, viêm họng. Và từ lâu, người ta đã biết đến căn bệnh được gọi là “Hội chứng nhà cao tầng” (sick building syndrome) với thủ phạm chính là máy điều hòa không khí.

Việc sử dụng nhiều quạt máy, đặc biệt là máy lạnh sẽ làm cho mọi người có cảm giác dễ chịu hơn trước thời tiết noi nồng nhưng sau đó lại là những nguy cơ lớn về sức khỏe mà không phải ai cũng biết.

Bác sĩ Giang cho biết: “Khoa truyền nhiễm của bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân sau khi nằm điều hòa đã bị viêm phổi nặng. Thậm chí, có nhiều trường hợp tai biến mạch não xảy ra khi đi từ phòng điều hòa ra môi trường bên ngoài (chênh lệch nhiệt độ quá lớn)…”.

Ảnh minh họa

Những chứng bệnh có thể mắc phải khi lạm dụng quạt máy, điều hòa bao gồm:

  • Bệnh lý đường hô hấp: Gồm chứng đau họng, khô họng, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm Amidan, viêm phế quản phổi… Theo Viện An toàn Lao động và Sức khỏe quốc gia Mỹ, bệnh đường hô hấp cao hơn 2,5 lần ở nhóm người làm việc văn phòng.

  • Bệnh lý thần kinh: Gồm chứng nhức đầu, rối loạn giấc ngủ. Từ đó có thể gián tiếp ảnh hưởng đến tình trạng huyết áp, bệnh mạch vành, loét dạ dày - tá tràng…

  • Bệnh lý da: Gồm dấu hiệu khô da, nổi mụn, sức đề kháng giảm, dễ bị các bệnh dị ứng, viêm da… do các chất độc không được đào thải qua mồ hôi để ra ngoài.

Đừng để máy lạnh phản chủ

Để hạn chế những tác hại do máy lạnh không khí gây ra, bác sĩ Hương Giang khuyên:

1. Không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp. Theo tôi, nhiệt độ phòng nên để 25-27 độ C để niêm mạc đường hô hấp không bị kích ứng quá. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, bạn nên để nhiệt độ phòng cao hơn để chênh lệch giữa nhiệt độ phòng và ngoài trời không nên để quá 5 độ C.

Nên có phòng đệm cho cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi nhiệt độ, nhất là với những người sức đề kháng yếu: trẻ em, nữ có thai, người cao tuổi, người bệnh đường hô hấp mạn… Không có phòng đệm thì khi di chuyển từ phòng điều hòa ra trời nắng, bạn nên từ từ, đứng ở cửa phòng một lúc rồi hãy ra trời nắng, hoặc có thể tắt điều hòa một lúc rồi hãy ra ngoài.

2. Khi ngủ mà có dùng máy lạnh thì cần lưu ý tăng nhiệt độ phòng hơn so với khi làm việc, hoạt động.

3. Lưu ý độ ẩm trong phòng dùng máy lạnh sẽ giảm sẽ gây khô niêm mạc đường hô hấp. Độ ẩm giảm và nhiệt độ thấp dễ làm cơ thể bị bệnh đường hô hấp. Vì thế nên sắm thêm máy phun sương để cân bằng độ ẩm trong phòng. Nhưng cũng đừng để không khí phòng quá ẩm. Độ ẩm thích hợp là khoảng 60%.

4. Nên có biện pháp thông khí. Khí lưu thông 1 chiều, tránh luồng khí quẩn. Nếu không thể thông khí, cũng nên lựa chọn 1 thời điểm thích hợp mở cửa làm thông thoáng phòng.

5. Thường xuyên vệ sinh quạt, máy lạnh để chúng không phả ra bụi, vi khuẩn.

Phương Lam

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cho-de-om-viem-phoi-vi-may-lanh-17961/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY