(HNMO) - GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, tình trạng thừa cân, béo phì đang trở thành vấn đề đáng lo ngại của y tế Việt Nam. 30 năm trước, nước ta chưa từng nghĩ phải đối phó với tình trạng béo phì, thì hiện tại đang phải đối mặt với bệnh lý mới này.
Ngày 29-10, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí các bệnh lý thừa cân, béo phì.
Trực tiếp khám cho các bệnh nhân thừa cân, béo phì, GS.TS Trần Bình Giang cho biết, bệnh nhân béo phì nào đến khám cũng đi kèm với các rối loạn chuyển hóa rất rõ. Đơn cử như trường hợp của một cô gái cao 1m49 nhưng nặng tới hơn 94kg và bị rối loạn kinh nguyệt, rối loạn đường huyết và đau cột sống; hay trường hợp của một cháu bé 13 tuổi, cao 1m52, nặng 93kg cũng bị vô kinh nguyên phát.
“Chúng ta hay gọi thừa cân, béo phì nhưng thực chất thừa cân và béo phì là hai trạng thái khác nhau. Thừa cân thì chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt, thay đổi ăn uống, tăng cường luyện tập. Thế nhưng, khi chuyển sang tình trạng béo phì thì được coi là bệnh và phải chuyển sang điều trị theo y học. Chữa béo phì cũng là cách để chúng ta giảm các nguy cơ bệnh lý đi kèm, nhất là tim mạch, ung thư, vô sinh…”, GS.TS Trần Bình Giang thông tin.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, có 2 nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam.
Thứ nhất, tỷ lệ béo phì tăng cao là do đời sống của người dân Việt tăng lên so với trước. Mức sống của người Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các nước phát triển. Các thực phẩm giàu năng lượng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn của người Việt. Thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu dần và được thay bằng các loại thức ăn nhanh, nước ngọt... Đây là những thức ăn dễ gây thừa cân, béo phì.
Thứ hai, con người ngày càng ít vận động, tỷ lệ lao động tại văn phòng, ngồi tại chỗ ngày càng tăng lên khiến năng lượng tiêu hao ít hơn năng lượng nạp vào. Năng lượng dư thừa quá nhiều và tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ gây ra thừa cân, béo phì.
Hiện nay, mỗi người có thể tự tính tình trạng thừa cân, béo phì của mình dựa trên chỉ số cân nặng BMI. Chỉ số BMI = Cân nặng cơ thể / (Chiều cao x 2) = kg/m2. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành (trừ người đang mang thai), nếu có BMI trong khoảng 25-29,9 được xem là thừa cân, BMI >= 30 được xem là béo phì.
Từ năm 2005, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức trở thành cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì. Đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật hơn 200 ca béo phì.
Qua theo dõi các trường hợp phẫu thuật béo phì tại bệnh viện cho thấy, cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35kg. Nhiều người sau phẫu thuật giảm béo đã khiến các bệnh phối hợp như đái tháo đường, mỡ máu… gần như biến mất. Thậm chí, một số bệnh nhân nữ có thân hình “quá khổ” lập gia đình nhiều năm không có con nhưng đã được làm mẹ sau 2 năm phẫu thuật điều trị béo phì.