Ảnh minh họa |
Vì sao mắt dễ dị ứng?
Dị ứng là phản ứng của cơ thể đối với các “chất” xúc tác như môi trường ngoài, các thành phần thuốc, mỹ phẩm khi chúng tác động lên cơ thể. Mắt là cơ quan tiếp xúc nhiều với môi trường nên có nguy cơ dị ứng cao.
Phần xung quanh mắt lại luôn ẩm ướt, dễ kết dính các dị nguyên. Phần kết mạc (lòng trắng mắt) tập trung hệ mạch phong phú, nhiều tế bào mẫn cảm nên rất dễ bị dị ứng. Mùa đông khô hanh, bụi bặm và mùa xuân ẩm ướt là lúc rất thuận lợi cho dị ứng mắt phát triển.
Một khảo sát tại Mỹ cho thấy khoảng 22% người sống ở Mỹ bị dị ứng mắt, có tới 25% khó chịu ở mắt là do dị ứng. Nhưng nhiều người vẫn chủ quan và chỉ quan dị ứng mũi, dị ứng họng mà xa lạ với dị ứng mắt.
Dị ứng mắt cũng có nhiều dạng:
Viêm kết mạc dị ứng: Là bệnh thường gặp nhất. Triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, nhiều gỉ mắt. Đặc tính gỉ mắt của người bệnh kết mạc dị ứng là: màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh. Nếu nặng hơn thì mi mắt bị phù nề, co quắp. Người bệnh cảm giác sợ ánh sáng.
Viêm giác mạc: Đây là tình trạng giác mạc dị ứng với vi khuẩn lao - xoắn, giang mai, do dị ứng liên cầu, hoặc do nhiễm virus herpes, thủy đậu, zona… Viêm bên trong nhãn cầu: Mặc dù khó có dị nguyên nào lọt vào được nhãn cầu nhưng chúng ta vẫn có thể gặp các bệnh lý dị ứng. Chất nhân thể thủy tinh với bản chất là một dị nguyên nội sinh có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như: viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, gây bệnh glaucoma do thể thủy tinh.
Những triệu chứng của dị ứng mắt không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh khác của mắt: thương tích vào mắt, nhiễm trùng mắt… Triệu chứng đau mắt và ngứa mắt là hai dấu hiệu cơ bản nhất báo động dị ứng.
Nước giúp lấy dị nguyên ra khỏi mắt
Điều trị dị ứng mắt cơ bản nhất là lấy dị nguyên ra khỏi mắt. Do vậy, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân “rửa” mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lí, chườm lạnh… Bệnh nhân nên tránh xa bụi bẩn, tránh lấy tay dụi mắt. Khi dùng các loại mỹ phẩm, bạn nên chú ý tránh để các thành phần kích ứng vào mắt gây phản ứng.
Nhưng nhóm nghiên cứu Allergy Reseach Group (Mỹ) mới phát hiện một “trợ thủ” đắc lực phòng chống dị ứng cho mắt đó là nước tinh khiết. Họ đã tiến hành nghiên cứu nhóm bị dị ứng mắt từ nặng đến rất nặng đã điều trị bằng nhiều loại thuốc.
Nhóm bệnh nhân này được uống 10-14 cốc nước (200ml/cốc) mỗi ngày, giữ nguyên hoạt động thể lực và dinh dưỡng. Sau 28 ngày các triệu chứng dị ứng ở họ đã giảm 70%, lượng thuốc phải dùng giảm 80%. Nước uống vào cơ thể đã tăng cường tuyến lệ, giảm hiện tượng khô mắt, rửa trôi những dị nguyên “thâm nhập” mắt.
Do vậy, để bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” để chúng làm “giàu” cuộc sống của bạn, chuyên gia Allergy Reseach Group khuyên bạn nên uống nhiều nước tinh khiết mỗi ngày.
Như Bình
Chủ đề liên quan: