Tiếp xúc với BPA khi mang thai làm tăng nguy cơ sẩy thai
Ăn nhiều rau má gây vô sinh, sảy thai…
Đợi chờ không hạnh phúc
Kế hoạch hai năm, “thả cửa” đợi chờ 6 tháng, chị Trần Thị Thanh Hoa (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) mới có thai. Nhưng thai chưa được hai tháng tuổi thì chị choáng váng vì bác sỹ kết luận chị bị thai trứng cần nạo hút ngay để tránh biến chứng.
Vì kinh tế khó khăn nên anh chị kế hoạch, nào ngờ khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính để đón đứa con chào đời thì chị lại bị “trời giáng cho một đòn chí mạng”. Sau khi nạo hút thai trứng xong, chị thường xuyên phải đến bệnh viện để tái khám kiểm tra nồng độ HCG (hormone có nhiều trong thai kỳ).
Mỗi lần nhận kết quả kiểm tra thấy nồng độ HCG giảm quá ít so với lần trước thì hai giữa hai vợ chồng lại là một khoảng lặng vô hình. Biết tin chị thai trứng, nhiều người động viên “nạo hút xong là khỏi, 2-3 tháng sau mang thai lại sẽ chẳng sao đâu”, có người còn cho điện thoại của người quen biết đã từng bị thai trứng, đã sinh con khỏe mạnh để chị Hoa trò chuyện thêm tin tưởng.
Nhưng chị Hoa vẫn luôn thấp thỏm lo lắng vì tìm hiểu thông tin trên Internet cho thấy bệnh dễ tái phát, đã thai trứng một lần thì lần sau khó suôn sẻ, có người còn biến chứng thành ung thư. Chị Hoa đã 29 tuổi, còn chồng cũng đã 35 nên chị hoang mang đứng giữa hai luồng suy nghĩ: Mạnh dạn sớm có thai lại xem thế nào thì sợ tái phát; kiêng lâu thì vợ chồng suốt ngày thấp thỏm đợi chờ, tâm lý không ổn định.
BS. CKII Nguyễn Bích Ngọc, Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Thu Cúc (Thụy Khuê, Hà Nội) khẳng định: Tuy chửa trứng là hiện tượng bất thường của quá trình thụ thai nhưng đây là bệnh lành tính. Sau khi nạo hút trứng thì có khoảng 80% người bệnh chửa trứng khỏi tự nhiên không cần điều trị gì. Số còn lại có xu hướng phát triển ác tính cần phải điều trị và theo dõi bằng khám phụ khoa, toàn thân, siêu âm và định lượng beta HCG. Nhưng việc mang thai lại thì cần có thời gian kiêng tốt nhất tùy thuộc vào thể trạng từng người.
Trên thực tế có người mang thai lại sau 3-4 tháng vẫn sinh con khỏe mạnh. Nhưng theo bác sĩ Ngọc thì thông thường việc theo dõi và kiểm tra phải được tiến hành ít nhất là 1 năm và tốt nhất là 2 năm. Nguyên nhân là khi có thai, tình trạng miễn dịch của cơ thể em bị giảm làm cho các nguyên bào nuôi còn lại từ lần chửa trứng trước có thể thành ác tính nếu có thai trong giai đoạn này thì ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và con.
Nguyên nhân chửa trứng không chỉ từ vợ
Đến nay, y khoa vẫn chưa kết luận về nguyên nhân chính gây ra chửa trứng nhưng có một số nguyên nhân được xem là tiềm ẩn, trong đó thiếu vitamin A và dinh dưỡng (protein, axit folic) là yếu tố nguy cơ cao.
Bác sĩ Ngọc giải thích: Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng thuộc bệnh của nguyên bào nuôi do sự phát triển bất thường của các gai nhau trong quá trình thụ thai, trong đó các nguyên bào nuôi phát triển còn tổ chức liên kết và các mạch máu trong gai nhau thoái hóa, trở thành các bọc nước có đường kính đa dạng từ 1mm đến vài chục milimet. Ghi nhận trên các trường hợp thai trứng cho thấy, những người mẹ ở độ tuổi trên 40 hoặc dưới 20, người sinh đẻ nhiều lần hoặc bất thường ở tử cung có nguy cơ cao hơn những trường hợp khác.
Tuy nhiên, bác sĩ Ngọc cũng nhấn mạnh chất lượng tinh dịch của chồng và khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm gia tăng hiện tượng thai trứng. Để phòng ngừa sự tái phát thai trứng, vợ chồng nên giữ vệ sinh cơ quan sinh dục; phụ nữ cần theo dõi định kỳ sau khi nạo hút thai, nếu có dấu hiệu rong huyết phải đi khám ngay; chế độ dinh dưỡng phải bổ sung thêm đặc biệt là vitamin A, protein; khi bác sĩ theo dõi chỉ định lượng HCG an toàn cho mang thai lại thì mới nên thụ thai lại.
Khám thai sớm tránh biến chứng
Những phụ nữ bị chửa trứng ở giai đoạn đầu hoàn toàn có những dấu hiệu thai nghén bình thường: tắt kinh, ốm nghén (thường là biểu hiện nghén dữ dội như buồn nôn, hay nôn cả ngày) hoặc rong kinh thông thường vẫn gặp ở một số thai phụ. Vì thế không ít người chỉ đến lúc sảy thai trứng (mọi thai trứng để lâu đều bị sảy), hoặc siêu âm ở tháng thứ 3 – 4 mới phát hiện bệnh. Hiện tượng sảy thai trứng sẽ gây ra băng huyết, mất nhiều máu có thể dẫn tới tử vong. Còn thai trứng để càng lâu thì nguy cơ biến chứng càng cao: trứng ăn sâu vào cơ tử cung làm thủng lớp gây chảy máu ổ bụng; ung thư tế bào nuôi phần thai và lây sang mẹ gây ung thư mô trung sản ở thai phụ. Lúc này thai phụ phải điều trị bằng hóa chất hoặc phải cắt bỏ tử cung làm mất đi cơ hội làm mẹ.
Để xác định chính xác chửa trứng cần qua siêu âm tử cung và đo nồng độ HCG (lên rất cao). Thai trứng xuất hiện ở trường hợp tử cung to bất thường, to hơn tuổi thai và có lỗ chỗ ở khối nhau. Biểu hiện bên ngoài là bụng thai phụ to nhanh so với tuổi thai bình thường. Xét nghiệm nước tiểu cho thấy nồng độ HCG lên tới trên 30.000 đơn vị. Vì vậy để tránh những biến chứng của thai trứng phụ nữ cần khám thai định kỳ và khám ngay ở giai đoạn đầu.
Bình Minh
Chủ đề liên quan: