Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chữa viêm đường tiết niệu tại nhà

Viêm đường tiết niệu có nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh khá phức tạp, liên quan chủ yếu do thận hư và bàng quang thấp nhiệt. Khi đó người bệnh thường bị tiểu nhiều lần, tiểu buốt tiểu dắt, bí tiểu hoặc đi tiểu không hết, nước tiểu đục…

Triệu chứng của viêm đường tiết niệu

Đái rắt: thường xuyên buồn đi tiểu nhưng mỗi lần đi lại chỉ có một ít nước tiểu.

Đái buốt: mỗi lần đi tiểu cảm giác đau buốt đến tận sống lưng, càng rặn lại càng đau.

Nước tiểu có lẫn máu, mủ.

Toàn thân mệt mỏi, có thể sốt, sốt rét, nôn, đau ở lưng và vùng bụng dưới.

Hậu quả của viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu không phải là loại bệnh nan y nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc và học tập, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.

Bệnh diễn biến dai dẳng, hay tái phát. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương cho thận hoặc suy chức năng thận, nhiễm trùng thận gây tăng huyết áp.

Nguyên tắc điều trị viêm đường tiết niệu

Dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Giảm đau, giảm co thắt cơ trơn.

Uống nhiều nước, ăn các loại hoa quả và thức ăn lợi tiểu để giúp cho hoạt động của hệ tiết niệu được dễ dàng.

Phòng bệnh viêm đường tiết niệu

Hàng ngày cần uống đủ nước, đảm bảo cung cấp cho các hoạt động của cơ thể, tối thiểu là 1,5 lít nước/ngày. Ngay cả khi không khát cũng nên uống nước.

Khi mót tiểu nên đi tiểu ngay, nhịn tiểu nhiều lần và trong thời gian dài là cơ hội cho các loại vi khuẩn hoạt động gây viêm đường tiết niệu.

Thực hiện chế độ ăn cân đối, giàu vitamin tự nhiên. Các loại hoa quả nên ăn hoặc ép lấy nước uống thường xuyên để phòng viêm đường tiết niệu là nam việt quất, chanh, cam, bưởi, chuối, nho, chanh leo...

Vệ sinh vùng kín đúng cách (rửa bằng nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau quan hệ tình dục, rửa và thấm khô theo thứ tự từ trước ra sau), không nên lạm dụng các loại nước rửa vệ sinh vì có thể cơ địa của bạn sẽ bị phản ứng với các loại nước đó. Dùng quần lót bằng vải sợi bông, vừa vặn, là hoặc sấy khô để diệt vi khuẩn trước khi mặc.

Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh.

Thực hành quan hệ tình dục an toàn.

Nếu phát hiện bệnh, nên đi khám ngay và điều trị theo đúng phác đồ của thầy thuốc.

Điều trị tích cực những bệnh mãn tính , tăng sức đề kháng cho cơ thể có khả năng chống đỡ lại các bệnh cơ hội trong đó có viêm đường tiết niệu.

Lưu ý: Trẻ em cũng có thể bị viêm nhiễm đường tiết niệu.

Thanh Quế

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/chua-viem-duong-tiet-nieu-tai-nha-23524/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY