Chuối hột rừng được đánh giá có dược tính cao hơn so với các loại chuối thông thường. Nhân dân thường dùng chuối hột để điều trị chứng sỏi thận, tiêu chảy..
Chuối hột rừng được đánh giá có dược tính cao hơn so với các loại chuối thông thường. Do đó, nhân dân thường dùng chuối hột để ngâm rượu, chế biến món ăn hoặc dùng trong các bài thuốc điều trị chứng sỏi thận, sỏi bàng quang, tiêu chảy, đái tháo đường,…
Chuối hột rừng có tác dụng gì?
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm của cây chuối hột rừng
Chuối hột rừng (Musa paracoccinea) – thuộc họ Chuối (Musaceae) là loại thực vật sinh sống chủ yếu ở các vùng đồi núi. Cây có dạng thân giả với chiều cao trung bình từ 3 – 4m, lá tương tự như lá chuối thường nhưng mặt dưới thường xuất hiện các sọc đỏ tía nhỏ. Lá có hình mác dài, tàu lá rộng và có màu xanh lục.
Hoa chuối hột rừng thường có màu đỏ tươi và mọc thẳng thay vì trĩu xuống
Khác với cây chuối thường, chuối hột rừng thường có hoa màu đỏ chói và mọc thẳng thay vì trĩu xuống. Cây cho quả nhỏ hơn quả chuối bình thường, bên trong có rất nhiều hạt nên thường được dùng để ngâm rượu. Quả có kích thước bằng ngón tay cái hoặc lớn hơn một chút.
2. Phân bố
Cây chuối hột rừng thường mọc hoang tại các khu rừng nhiệt đới, đất mềm xốp. Ở nước ta, loại cây này phân bố nhiều ở các tỉnh miền Bắc.
3. Bộ phận sử dụng
Toàn bộ cây chuối hột rừng (bao gồm quả, vỏ quả, củ chuối, thân chuối, lá chuối, hoa chuối,…) đều được sử dụng để làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh.
Toàn bộ cây chuối hột rừng đều có thể sử dụng để làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh
4. Thu hái – sơ chế
Thu hoạch khi có nhu cầu sử dụng. Có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô để dùng dần.
5. Thành phần hóa học
Chuối hột rừng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và một số thành phần hóa học khác như anthocyanin, cyaniding, polyphenol, tannin, saponin,…
6. Bảo quản
Với dược liệu sấy khô, nên bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm và ánh nắng trực tiếp. Hoặc có thể ngâm rượu để bảo quản lâu ngày mà không bị hư hại.
Tác dụng của chuối hột rừng
1. Tính vị – Quy kinh
- Chuối hột rừng có vị ngọt, chát, tình bình
- Quy vào kinh Can, Phế, Vị và Tỳ
2. Tác dụng của chuối hột rừng
Theo y học cổ truyền, chuối hột rừng có tác dụng lương huyết, sát trùng, lợi tiểu, an thai,… Do đó, vị thuốc này thường được dùng để giảm vị tanh của các loại hải sản, phòng ngừa tiêu chảy, giảm đau, tiêu sưng, cầm máu, lợi sữa, điều trị tiểu đường, sỏi bàng quang, sỏi thận và một số chứng bệnh khác.
Y học hiện đại chưa nghiên cứu cụ thể về cây chuối hột rừng nhưng nhận thấy chất tannin trong quả chuối xanh có khả năng cầm tiêu chảy hiệu quả.
3. Liều lượng sử dụng
Chuối hột rừng không chứa độc tính nên không giới hạn liều lượng sử dụng. Tuy nhiên, cần tránh dùng quả chuối còn xanh vì có thể gây táo bón nặng và ngộ độc. Đối với rượu chuối hột, chỉ nên dùng từ 15 – 20ml/ lần, ngày dùng 2 – 3 lần. Tuyệt đối không uống quá nhiều dẫn đến tình trạng say rượu và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Cách ngâm rượu chuối hột rừng
Chuối hột rừng thường được dùng để ngâm rượu. Rượu chuối hột có tác dụng cải thiện sức khỏe phái mạnh, giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về thận, kích thích tiêu hóa,… Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, cần ngâm rượu đúng cách.
Rượu chuối hột rừng có tác dụng cải thiện sức khỏe, giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ điều trị sỏi thận,…
Chuẩn bị:
- Lựa chọn quả chuối hột rừng đã chín. Không dùng chuối còn xanh và non.
- Sử dụng rượu trắng nguyên chất với nồng độ cao hơn 40 độ
- Chuẩn bị bình thủy tinh để ngâm rượu, không dùng bình nhựa hay sành.
Thực hiện:
- Thái mỏng chuối hột, sau đó đem phơi nắng (chú ý không để bụi bẩn và ruồi nhặng đậu vào)
- Phơi cho đến khi khô hoàn toàn rồi bỏ chuối vào bình (chiếm 1/3 bình thủy tinh)
- Sau đó đổ rượu vào đầy 2/3 bình (nên để trống 1/3 phần bình để chuối nở trong quá trình ngâm)
- Đậy kín nắp và ngâm trong 3 tháng 10 ngày là dùng được
- Mỗi lần dùng 10 – 20ml rượu sau bữa ăn để kích thích tiêu hóa và cải thiện sức khỏe
Một số bài thuốc từ cây chuối hột rừng
1. Bài thuốc chữa bệnh từ thân cây chuối hột rừng
- Bài thuốc giúp cầm máu vết thương: Sử dụng lõi thân cây, sau đó đập dập và chườm đắp vào vết thương để cầm máu. Với vết thương chảy máu nhiều, nên dùng vải băng lại để ngăn chảy máu.
- Bài thuốc trị đau nhức chân răng: Chuẩn bị thân chuối hột còn non, sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ và nướng chín. Ép lấy nước, hòa thêm 1 ít muối và dùng ngậm để trị đau nhức và chảy máu chân răng.
- Bài thuốc tiêu khát ở bệnh nhân tiểu đường: Sử dụng lõi thân già, thái nhỏ và giã nát. Sau đó, vắt lấy nước và uống trực tiếp.
- Bài thuốc lợi tiểu, chữa phù thũng: Dùng thân và lá chuối hột rừng sắc uống để lợi tiểu.
- Bài thuốc hỗ trợ kiểm soát đường huyết: Lựa chọn cây chuối hột rừng có bắp đang nhú, sau đó cắt ngang thân cây (cách mặt đất khoảng 25cm). Sau đó dùng dao khoét 1 lỗ rộng to ở thân cây và để qua đêm. Sáng hôm sau, múc nước từ lỗ rỗng của cây uống trực tiếp. Sử dụng bài thuốc này thường xuyên để kiểm soát đường huyết.
2. Bài thuốc chữa bệnh từ lá chuối hột rừng
- Bài thuốc giúp tiêu độc, bổ phổi và làm mát phổi: Dùng lá bắc (lá màu đỏ bao quanh buồng chuối) và hoa của cây chuối hột rửa sạch, cho vào nồi và sắc uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm.
- Bài thuốc trị nôn ra máu, băng huyết: Chuẩn bị tinh tre, mốc cây cau mỗi thứ 20g, lá chuối hột rừng phơi khô 10g. Cho tất cả dược liệu đốt tồn tính, sau đó tán thành bột và hòa với nước uống.
3. Bài thuốc từ hoa của cây chuối hột rừng
- Bài thuốc lợi sữa cho phụ nữ mới sinh: Rửa sạch hoa chuối, thái nhỏ, đem luộc hoặc làm gỏi ăn.
- Bài thuốc trị táo bón: Dùng hoa chuối luộc ăn hằng ngày để điều hòa chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón ở người cao tuổi.
- Bài thuốc lợi tiểu, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các chứng bệnh về thận, bàng quang: Dùng hoa chuối luộc ăn hoặc sắc nước uống.
Hoa chuối hầu như không có sâu nên ít khi phải sử dụng hóa chất để trồng như các loại rau khác. Chính vì vậy, các món ăn và bài thuốc từ hoa chuối được sử dụng rất phổ biến.
3. Bài thuốc từ vỏ quả chuối
Vỏ quả chuối thường được sử dụng để trị kiết lỵ và các chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Một số bài thuốc được dùng phổ biến, bao gồm:
- Bài thuốc trị tiêu chảy, đau bụng: Sử dụng vỏ quả chuối rừng đã chín vàng, đem rửa sạch, để ráo, thái nhỏ và phơi cho khô. Mỗi lần dùng 4 – 8g hãm với nước sôi uống, ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc điều trị chứng kiết lỵ: Chuẩn bị vỏ quả lưu, rễ tầm xuân, rễ gai tầm xọng và vỏ quả chuối hột mỗi thứ 20g cùng với búp ổi 10g. Đem tất cả dược liệu phơi khô và sắc uống cho đến khi khỏi.
- Bài thuốc trị đau bụng kinh niên: Chuẩn bị vỏ quả chuối hột rừng 40g, đem phơi cho khô, sao vàng và tán bột. Sau đó cho cam thảo 2g và quế chi 4g đem tán thành bột mịn. Trộn đều bột thuốc, thêm mật ong vào luyện thành viên. Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần uống với nước ấm.
4. Bài thuốc trị bệnh từ hạt chuối hột
Hạt chuối hột được sử dụng để chữa bệnh là loại thuốc có nhiều hạt, hạt có vỏ đen và bên trong chứa bột trắng. Để đảm bảo dược tính của thuốc, chỉ lấy hạt khi chuối đã chín vàng. Sau đó, đem sao khô và bảo quản dùng dần.
- Bài thuốc điều trị sỏi bàng quang và sỏi thận: Sử dụng hạt chuối hột rang vàng, nghiền mịn và rây cho đến khi mịn hoàn toàn. Mỗi lần sử dụng 2 thìa canh bột chế với nước sôi và dùng uống khi còn ấm. Dùng liên tục trong vòng 30 ngày để loại bỏ sỏi ra khỏi đường tiết niệu.
- Bài thuốc chữa đau lưng, giảm đau, tiêu sưng và chân tay tế mỏi do thấp khớp: Rượu 40 độ và hạt chuối hột giã nát 200g. Đem ngâm dược liệu với rượu trong 10 ngày, nên lắc thường xuyên. Mỗi lần dùng 15ml uống trước bữa ăn và trước khi ngủ, ngày dùng đều đặn 2 lần. Nếu khó uống, có thể hòa thêm 1 ít đường vào.
5. Bài thuốc từ quả chuối hột rừng
Quả chuối hột rừng có kích thước bằng ngón tay cái, bên trong có nhiều hạt. Dược liệu này thường được nhân dân sử dụng để ngâm rượu, chế biến món ăn hoặc dùng trong các bài thuốc chữa bệnh.
- Phòng tiêu chảy: Trái chuối hột rừng còn non thường được thái mỏng và ăn kèm với các loại hải sản (sứa, cá) để giảm vị tanh và ngăn ngừa tiêu chảy.
- Bài thuốc trị chứng táo bón ở trẻ nhỏ: Sử dụng 1 – 2 quả chuối chín đem vùi trong bếp lửa cho đến khi vỏ ngả sang màu đen thì lấy ra. Để nguội, bóc vỏ và cho trẻ ăn phần ruột. Khoảng 10 – 15 phút sau, trẻ có thể đi đại tiện được.
- Bài thuốc trị bệnh gout (chứng thống phong): Chuẩn bị tỳ giải 2g, quả chuối hột rừng 3g, khổ qua (mướp đắng) 1g và củ ráy rừng 4g. Đem sao vàng hạ thổ và chia đều thành nhiều gói, mỗi gói 10g. Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần dùng 1 gói pha với nước đun sôi uống.
- Bài thuốc chữa chứng sỏi bàng quang: Dùng chuối hột còn xanh đem thái mỏng, sau đó sấy khô, sao vàng hạ thổ trong vài ngày. Mỗi ngày dùng 50 – 100g dược liệu sắc với 400ml nước, chia đều thành 2 lần uống khi no và dùng hết trong ngày.
- Bài thốc xổ giun: Khi bụng đói, ăn quả chuối hột đã chín sẽ lấy giun tự chui ra ở hậu môn.
- Bài thuốc trị hắc lào: Cắt đôi quả chuối còn xanh ở trên cây, sau đó hứng lấy nhựa và bôi trực tiếp lên vùng da bị hắc lào.
- Bài thuốc trị viêm loét dạ dày: Dùng quả phơi/ sấy khô, nghiền mịn và hòa với nước uống hằng ngày để trị viêm loét dạ dày.
Tránh dùng chuối hột rừng còn xanh vì có thể gây táo bón nặng do chứa nhiều chất tannin. Ở một số người có hệ tiêu hóa kém, chuối hột rừng non còn có thể gây ngộ độc.
6. Bài thuốc chữa bệnh từ củ chuối hột
- Bài thuốc trị ho ra máu: Dùng củ chuối hột, thài lài tía, rễ cỏ tranh và tầm gửi cây dâu mỗi thứ 12g. Đem các vị thái nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml thì chia làm 2 lần uống hết trong ngày.
- Bài thuốc chữa chứng kiết lỵ ra máu: Chuẩn bị củ sả, vỏ cây táo hoặc tầm gửi cây táo, củ chuối hột mỗi thứ 4g. Đem dược liệu sao vàng và sắc uống đều đặn ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc trị sốt cao, mê sảng, háo khát do cảm nóng: Dùng củ chuối hột tươi rửa sạch, làm sạch vỏ ngoài và rửa sạch. Sau đó cắt thành từng miếng vừa phải, giã nát và ép lấy nước uống.
- Bài thuốc trị chứng khó ngủ, trằn trọc, tim hồi hộp, hay mơ: Chuẩn bị 1 quả tim heo (200 – 300g) và củ chuối hột 20g. Đem hầm cho chín nhừ, ăn cái và uống hết nước.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Sử dụng củ chuối tươi, rửa sạch và giã nát lấy nước uống. Dùng đều đặn và thường xuyên giúp ổn định đường huyết cho bệnh nhân bị tiểu đường type 2.
- Bài thuốc an thai: Chuẩn bị rễ cây móc và củ chuối từng mỗi thứ 10 – 12g, sắc uống cho phụ nữ bị động thai, thai không yên.
- Bài thuốc giải độc, kích thích tiêu hóa: Dùng củ chuối thái mỏng và sấy khô, mỗi lần dùng 1 ít hãm với nước sôi uống để tiêu khát, kích thích tiêu hóa và giải độc.
- Món ăn từ củ chuối: Dùng củ chuối um với lươn đồng và cá lóc để bồi bổ sức khỏe, kích thích vị giác và tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.
Một số lưu ý khi dùng chuối hột rừng
Chuối hột rừng là vị thuốc nam được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên trước khi dùng các bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần chọn mua chuối hột rừng có chất lượng, nguồn gốc – xuất xứ rõ ràng. Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều địa chỉ kinh doanh chuối hột không đảm bảo và có chất lượng kém.
- Tránh dùng quả chuối hột còn xanh vì có thể gây ngộ độc và táo bón.
- Nếu không tìm mua được chuối hột rừng, có thể dùng chuối hột thông thường để thay thế.
- Không sử dụng rượu chuối hột cho người có vấn đề về gan, huyết áp không ổn định,…
Chuối hột rừng có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên trước khi sử dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn đọc nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về liều lượng và một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng.