Kinh tế xã hội hôm nay

Chuyên gia: Chủng virus ở Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh, nhưng độc lực không đổi

Bác sĩ Nguyễn Văn Kính phân tích, mặc dù chủng virus mới ở Đà Nẵng lây lan nhanh, nhưng Việt Nam truy vết hết từ F0 đến F3, nguy cơ lây lan cộng đồng có thể khống chế được.

Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết trong quá trình lây lan trên toàn thế giới, chủng virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến chủng, bản chất virus luôn đột biến. Hiện tại gần 99 chủng đã được ghi nhận, Việt Nam mới có 6 chủng.

"Quan trọng các chủng mới được xác định có tốc độ lây lan rất nhanh, nhưng độc lực của nó so với các chủng ban đầu là không đổi. Do đó, tuy có rất nhiều người nhiễm, nhưng chỉ 5% trở nặng và nguy kịch", bác sĩ Kính nói và phân tích, mặc dù chủng mới ở Đà Nẵng lây lan nhanh, nhưng Việt Nam truy vết hết từ F0 đến F3, nguy cơ lây lan cộng đồng có thể khống chế được.

"Bên cạnh truy vết thì vùng nhiều bệnh nhân, chúng ta có thể phong tỏa tạm thời quy mô nhỏ, trong địa bàn gần đó phải giãn cách xã hội. Bên cạnh đó cần tuân thủ biện pháp đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người", ông Kính cho biết.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn.

Với diễn biến Covid-19 tái bùng phát, bác sĩ Kính cho rằng việc cân đối giữa kinh tế và dịch bệnh là điều quan trọng. Nếu thiên về kinh tế, mở cửa sớm thì dịch bệnh tràn vào, không kiểm soát được. Ngược lại nếu cố gắng kiểm soát dịch, thì phải tiếp tục phong tỏa, giãn cách, như vậy kinh tế không phát triển được.

"Chúng ta đã đạt được thắng lợi bước đầu là 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng điều này cũng làm chúng ta ngủ quên trong chiến thắng, quên mất đeo khẩu trang ở chỗ đông người, tụ tập. Đà nẵng lại mở cửa cho khách du lịch từ rất sớm nên chỉ có nửa tháng đã có 80.000 người đến, đó là mừng cho phát triển kinh tế nhưng không lợi cho ngăn chặn lây lan dịch bệnh".

Việt Nam ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng nằm trong dự tính của Ban chỉ đạo Quốc gia vì tình hình dịch xung quanh các nước đang rất phức tạp và có thể sẽ xâm nhập vào Việt Nam. Bác sĩ Kính khuyến cáo "không nên quá sợ hãi và cần bình tĩnh chiến đấu". Việt Nam đã có kinh nghiệm của giai đoạn 1, truy vết và phong tỏa từng vùng một, ổn định nhân dân.

Về các ca bệnh nhân nặng, bác sĩ Kính cho biết, có 5-10% các ca mắc Covid-19 diễn biến nặng. Tổ công tác đặc biệt gồm các giáo sư đầu ngành đã cùng phân tích, gỡ rối và vượt qua từng thách thức như bệnh nhân 91. Tuy nhiên khả năng hồi phục đến đâu phụ thuộc vào đáp ứng của từng bệnh nhân.

"Chúng ta không thể nói Việt Nam có thể cứu được hết bệnh nhân, nhưng so với trên thế giới, tình hình hiện nay đã tốt lắm rồi", ông nói.

Tính đến sáng 29/7, Việt Nam ghi nhận thêm 8 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng, nâng tổng số lên 446. Năm ngày qua, riêng Đà Nẵng ghi nhận 26 ca nhiễm, Quảng Ngãi 1 ca, Quảng Nam 3 ca, đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Copy link

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/chuyen-gia-chung-virus-o-da-nang-co-toc-do-lay-lan-nhanh-nhung-doc-luc-khong-doi-20200729104504143.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY