Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Cỏ ngọt - người bạn đồng hành của người tiểu đường

(SKGĐ) Cỏ ngọt không có tác dụng chữa bệnh, mà chỉ là chất tạo vị ngọt-không năng lượng dùng cho người bệnh phải kiêng đường kính như bệnh nhân đái tháo đường, béo phì cần giảm cân, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp…
Cỏ ngọt hoàn toàn lành tính

Cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana (Bertoni) Hemsley), còn được gọi là cỏ đường, cỏ mật, cúc ngọt... có nguồn gốc ở thung lũng Rio Monday nằm phía Đông Bắc Panama, Nam Mỹ. Những năm 1970, cỏ ngọt được dùng chữa một số bệnh ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nước Đông Nam Á.

Từ năm 1988, cỏ ngọt được nhập vào Việt Nam và được trồng rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên… cho đến các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắk…

Theo Đông y, cỏ ngọt vị ngọt đậm, tính lành, vì vậy, nó được dùng để làm ngọt các loại thức ăn và đồ uống một cách hoàn toàn tự nhiên và không gây độc hại. Cỏ ngọt không có tác dụng chữa bệnh, mà chỉ là chất tạo vị ngọt-không năng lượng dùng cho người bệnh phải kiêng đường kính như bệnh nhân đái tháo đường, béo phì cần giảm cân, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp…

Khối lượng thân, lá và chất lượng cỏ ngọt sẽ đạt cao nhất ở thời kỳ trước khi nở hoa, nghĩa là nên thu hoạch cỏ ở giai đoạn hình thành nụ. Khi chế biến, thường người ta sẽ cắt nhỏ cỏ ngọt sau đó cho phơi, sấy khô rồi phối hợp với các loại hoa lá như: Hoa hoè, nhân trần, actisô... để pha trà hoặc sắc thuốc.

Cỏ ngọt dùng thay thế đường kính

Theo Tây y, cỏ ngọt có chứa chất Stevioside là một loại đường thiên nhiên không có nitơ, có độ ngọt gấp 150-300 lần đường kính với hàm lượng 7-10% trong hoa lá khô và 0,4% trong thân, được dùng thay thế loại đường kính cho những người mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tăng cholesterol trong máu, vì nó chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể ở mức thấp, không gây tác dụng phụ và không độc hại, rất tốt cho người cao tuổi.

- Không dùng cỏ ngọt cho người gầy ốm suy nhược, vì nó phân hủy chất bột làm cho người gầy ốm suy nhược thêm.

- Giá từ 25-30.000 đồng/1kg cỏ ngọt

Kết quả nghiên cứu từ Đại học Maringa, Brazil cho thấy, dịch chiết lá cỏ ngọt có khuynh hướng giúp đem glucose vào trong tế bào, nhờ vậy lượng đường trong máu được giảm xuống phần nào. Cỏ ngọt còn có tác dụng trợ giúp tuỵ tạng trong việc tiết chất insulin. Những người bị bệnh ĐTĐ dùng cỏ ngọt đường huyết giảm 35%.

Ngoài ra, cỏ ngọt còn dùng thay thế các loại đường từ mía và củ cải, vì chúng cung cấp năng lượng cho cơ thể ở mức thấp, không gây tác dụng phụ và không độc hại. Đường cỏ ngọt dùng để pha nước uống như nước chanh, cà phê...

Trà thảo dược hoa cúc và cỏ ngọt

Loại trà này không chỉ là thức uống giải khát, thanh nhiệt, giải độc… tốt cho người bị cao huyết áp, tiểu đường, thừa cân, mà còn giúp bạn ngủ ngon hơn.

Chuẩn bị:

- Hoa cúc khô: 10-15g

- Cỏ ngọt: 5-10g

- Nước sôi: 1-1,5lít

Pha chế:

- Rửa sạch hoa cúc với nước lạnh, ngâm trong nước ấm từ 3-5 phút.

- Cỏ ngọt rửa sạch.

- Cho cả hoa cúc và cỏ ngọt vào ấm trà, rồi rót nước sôi vào. Hãm giống như với trà xanh.

- Có thể uống nóng, uống nguội hoặc uống lạnh.

Ngân Khánh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/co-ngot--nguoi-ban-dong-hanh-cua-nguoi-tieu-duong-17759/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY