Cơ chế bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa của hệ thần kinh trung ương gây rối loạn vận động. Các bệnh nhân bị mất chất dẫn truyền thần kinh quan trọng có tên là dopamine. Chất này có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu giữa các chất đen và thể vân (corpus striatum) để thực hiện nhuần nhuyễn các hoạt động có chủ ý.
Dopamine giúp làm cho các cử động của cơ thể chúng ta trở nên dễ dàng hơn, thiếu dopamine sẽ làm cho các cử động của cơ thể bị chậm lại, còn gọi là chứng chậm vận động, chứng chậm vận động là một trong các triệu chứng chính của bệnh Parkinson.
Bệnh Parkinson thường gặp ở độ tuổi 60 |
Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi trung bình trên 60, tuy nhiên hiện nay vẫn có người ở độ tuổi 35-40 mắc bệnh. Tại khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, năm 2015 có đến 1.089 người bệnh Parkinson đang theo dõi và điều trị với tổng số trên 4.000 lượt khám/năm.
Biểu hiện ban đầu của bệnh
Bệnh Parkinson hiện chưa có thuốc đặc trị, và có thể dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro. Những dấu hiệu của Parkinson rất dễ bị nhầm lẫn là dấu hiệu của tuổi già. Chính vì thế nhận biết được dấu hiệu của bệnh Parkinson sớm giúp hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
- Run tay chân: Khoảng 70% bệnh nhân mắc bệnh Parkinson thường có triệu chứng run. Bàn tay sẽ lắc nhịp nhàng, thường từ 4-6 lần/giây. Ngoài ra, chân tay cũng chậm chạp trong phối hợp hoạt động. Bất cứ những thay đổi tư thế nào như khi quay đầu, quay người lại, với, cài khuy, buộc dây giày... người bệnh thường làm với tốc độ chậm, không rõ ràng.
- Mất mùi: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất. Khứu giác suy yếu xảy ra vào giai đoạn khởi phát của bệnh Parkinson. Hiện tượng này có thể xảy ra 4 năm trước khi bệnh phát triển.
- Rối loạn giấc ngủ: Mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ, hay ngủ ban ngày. Thậm chí trong khi ngủ, những người mắc chứng Parkinson thỉnh thoảng hét lên, đấm đá, nghiến răng hay tấn công người khác trên giường đang ngủ sâu.
- Cứng cơ: Cơ bắp và các khớp có xu hướng trở nên cứng và không co giãn được. Cơ mặt bị liệt, không có cảm xúc.
- Mất đi sự cân bằng: Người bệnh thường không đứng vững. Hay khom người về phía trước.
Ngoài ra, bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng mắc Parkison như: giọng nói thay đổi, tiêu hóa thất thường đi kèm với sự thay đổi tính cách.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân của bệnh Parkinson. Nghiên cứu cho thấy, bệnh có thể do yếu tố di truyền, việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại. Điều trị bệnh Parkinson ngoài dùng thuốc còn phải kết hợp với luyện tập và vật lý trị liệu. Chính vì sự tốn kém chi phí và thời gian như vậy, nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của người thân.
Minh Thư
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học
Chủ đề liên quan: