Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Con có khỏe mạnh, thông minh hay không là do cách chăm sóc ngay từ trong bào thai

Trong Bách khoa thư bệnh học của NXB Giáo dục - Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Nhạn có những chia sẻ vô cùng cần thiết và quan trọng dưới đây về cách chăm sóc để bé khỏe mạnh và thông minh ngay từ khi trong bào thai của mẹ.

Nhiều người cho rằng đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn do gene quyết định, nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Quá trình lớn lên và phát triển giai đoạn đứa trẻ còn trong bào thai cho đến 5 tuổi là thời kì phát triển có ý nghĩa quyết định quan trọng hơn cả. Đó là giai đoạn thai nhi được hình thành, biệt hóa, phát triển các cơ quan chức năng, quyết định chất lượng cuộc sống lâu dài sau này. Đòi hỏi các bà mẹ phải nắm rõ cách chăm sóc trẻ ngay từ trong bào thai.

Trước khi đề cập đến vấn đề chăm sóc trẻ như thế nào trong thời kì này, chúng ta cần nắm được những đặc điểm sinh lí và phát triển của trẻ từ thời kì bào thai cho đến lúc lớn lên được 5 tuổi. Cơ thể của trẻ nhỏ có những đặc trưng khác với người lớn, không thể xem trẻ như một người người lớn thu nhỏ lại được.

Căn cứ vào những đặc điểm sinh lí và phát triển của trẻ ở từng giai đoạn, người ta chia ra làm 5 thời kì tuổi trẻ là:

Thời kì thai nhi: Là thời kì phát triển bào thai trong tử cung. Thời kì này giới hạn từ lúc trứng được thụ thai đến khi trẻ ra đời, trung bình là 270-280 ngày.

Thời kì chu sinh: Thời kì này được tính bằng khi tuổi thai được 28 tuần cho đến 7 ngày đầu (tuần lễ thứ nhất) sau khi sinh ra.

Thời kì sơ sinh: Thời kì sơ sinh được giới hạn từ lúc cắt rốn cho đến hết 4 tuần đầu tiên.

Thời kì bú mẹ: Được tính từ thời kì sơ sinh cho đến hết năm đầu.

Thời kì răng sữa: Là thời kì từ lúc đứa trẻ được 1 năm cho đến 7 tuổi.

Trong giai đoạn này thường được chia ra làm 2 lứa tuổi:

- Tuổi vườn trẻ (1-3 ruổi), tuổi mẫu giáo (4-6 tuổi.

Ảnh minh họa thời kỳ mang thai của mẹ

I. Đặc điểm sinh lí và bệnh lí ở các thời kì phát triển của trẻ

1. Đặc điểm sinh lí và bệnh lí của thời kì phát triển trong tử cung (thời kì thai nhi và chu sinh)

Đặc điểm sinh lí của thời kì này (từ khi thụ thai đến 270-280 ngày) là sự hình thành và phát triển thai nhi. Sự phát triển thai nhi lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ, trong đó chia ra:

- 3 tháng đầu là thời kì thai nhi hình thành

- 6 tháng sau là giai đoạn thai nhi phát triển, lớn lên rất nhanh và hoàn thiện dần các cơ quan chức năng của cơ thể như bộ máy hô hấp, tuần hoàn, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh, não bộ, hệ nội tiết...

Đặc điểm bệnh lí

Bệnh lí ở thời kì này là sự xảy ra rối loạn hay trở ngại của quá trình hình thành và phát triển thai nhi.

Có nhiều yếu tố ở phía người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi như là:

- Tuổi của mẹ khi bắt đầu có thai

- Số lần sinh nở

- Khoảng cách giữa các lần sinh nở

- Dinh dưỡng của mẹ trong khi mang thai.

- Điều kiện lao động và môi trường sống

- Tình trạng tinh thần, sức khỏe và bệnh tật của mẹ

- Sức khỏe và bệnh tật của bố

- Những yếu tố di truyền, gia đình, nòi giống

2. Đặc điểm sinh lí và bệnh lí của thời kì sơ sinh

Đặc điểm sinh lí của trẻ ở thời kì này là sự thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung. Ngay khi mới lọt lòng, cùng với tiếng khóc chào đời

Đặc điểm bệnh lí ở thời kì này: Do cơ thể còn non yếu, hệ thống miễn dịch chưa được hình thành, trẻ dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường khá nặng dẫn tới tử vong.

Một số bệnh lí ở thời kì này trẻ dễ mắc phải:

- Bệnh nhiễm khuẩn ở rốn, đường hô hấp, da và hệ tiêu hóa. Bệnh này dễ lan rộng thành nhiễm khuẩn máu toàn thân.

- Bệnh lí do sự rối loạn hình thành và phát triển thai nhi: các trường hợp quái thai, các dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, không có hậu môn, tắc ruột phân su, tim bẩm sinh, đẻ non và các dị tật khác của hệ thống thần kinh, các bệnh thuộc hệ nội tiết, chuyển hóa, di truyền.

- Một số bệnh lí khác xảy ra trong quá trình đẻ, như chấn thương, ngạt, gãy xương, chảy máu não, màng não…

3. Đặc điểm sinh lí và bệnh lí của thời kì bú mẹ

Đặc điểm sinh lí

Thời kì bú mẹ là thời kì trẻ được nuôi bằng sữa mẹ trong năm đầu sau khi sinh. Đặc điểm sinh lí thời kì này là cơ thể của trẻ lớn rất nhanh, đến cuối năm đầu trọng lượng cơ thể của trẻ đã tăng gấp 3 lần so với lúc mới sinh, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ rất cao, mỗi ngày trẻ cần từ 120-130 Kcal cho 1kg trọng lượng cơ thể.

Hoạt động thần kinh cao cấp hình thành, trẻ phát triển tinh thần, vận động.

Đặc điểm bệnh lí của thời kì bú mẹ là sự mâu thuẫn giữa nhu cầu dinh dưỡng cao trong khi chức năng của hệ thống tiêu hóa còn yếu chưa được phát triển hoàn thiện, nên trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy, còi xương và suy dinh dưỡng.

Do hệ thống miễn dịch còn yếu, trẻ dưới 6 tháng tuổi nhờ có sự thừa hưởng của miễn dịch thụ động - kháng thể từ mẹ truyền sang cho con, nên trẻ ít bị mắc các bệnh lây, truyền nhiễm. Song từ 6 tháng trở lên, hệ thống miễn dịch chủ động còn yếu, hệ thống miễn dịch thụ động giảm dần, do đó trẻ dễ mắc các bệnh lây như sởi, ho gà, lao, bạch hầu, viêm đường hô hấp...

4. Đặc điểm sinh lí và bệnh lí của thời răng sữa

Thời kì răng sữa bắt đầu từ lúc trẻ được 1 tuổi cho đến khi lên 6 tuổi. Thời kì này còn được chia ra làm 2 lứa tuổi: tuổi vườn trẻ (1-3 tuổi) và tuổi mẫu giáo (4-6 tuổi). Đặc điểm sinh lí ở thời kì này là trẻ lớn chậm hơn so với thời kì bú mẹ. Chức năng các cơ quan nội tạng được trưởng thành và hoàn thiện dần. Chức năng vận động cũng được trưởng thành và phát triển nhanh chóng, từ biết đi đến biết chạy nhảy, làm được những động tác khéo léo hơn như mặc quần áo, cài cúc, đội mũ, đi giày, đi dép và phức tạp hơn về năng khiếu như như phát triển trí tuệ, tập viết, tập vẽ, múa hát…

Hệ thống thần kinh trung ương phát triển mạnh nhất là lời nói, ngôn ngữ, tiếp thu giáo dục, trẻ bắt đầu đi học lúc 6 tuổi.

Ảnh minh họa

II. Chăm sóc trẻ từ thời kì bào thai đến 5 tuổi

1. Chăm sóc trước sinh

Xuất phát từ những nghiên cứu thực tiễn về lí thuyết cũng như thực nghiệm, thế giới ngày nay đánh giá cao vai trò của việc chăm sóc trước sinh (chăm sóc từ trong bào thai).

Người ta thấy có những yếu tố ở thời kì trước sinh đặc biệt quyết định đến sức khỏe cơ bản của trẻ như:

Yếu tố tuổi tác của mẹ khi bắt đầu có con: Người phụ nữ chỉ nên bắt đầu có con khi cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh. Chiều cao con người lớn lên với tốc độ nhanh nhất là trong quá trình phát triển ở bào thai và 3 năm đầu. Chiều cao của đứa trẻ phụ thuộc nhiều vào chiều cao của mẹ.

Cơ thể phụ nữ sau 30 tuổi đã bắt đầu có hiện tượng thoái hóa, nhất là sau 35 tuổi. Nếu lúc này sinh con, đứa trẻ dễ bị rối loạn gen, điển hình là trẻ bị hội cứng Down, kèm theo các dị tật bẩm sinh và chậm phát triển thể chất, tinh thần. Do đó tuổi sinh sản ở phụ nữ tốt nhất là từ 25-30 tuổi.

Yếu tố dinh dưỡng của mẹ trong thời kì có thai và cho con bú: Yếu tố dinh dưỡng của mẹ sẽ quyết định sự phát triển sức khỏe cho con. Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ trong quá trình mang thai và cho con bú phải hơn lúc bình thường.

Người mẹ phải cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như: đạm, vitamin A, vitamin C, đặc biệt là canxi.

Người ta đã thấy trong quá trình mang thai, nếu mẹ ăn nhiều chất bột, con đẻ ra cũng nặng cân, nhưng chiều cao sẽ không được cải thiện hơn chiều cao bố mẹ. Chất đạm mẹ ăn trong khi có thai chẳng những quyết định sự phát triển chiều cao trẻ nhỏ mà còn quyết định cả trí lực và tinh thần củ trẻ về lâu dài về sau. Cần chống các tập tục ăn kiêng kem khi có thai. Mẹ ăn kiêng khem sẽ dẫn tới bệnh thiếu sinh tố B1, bệnh quáng gà vì thiếu sinh tố A, dự trữ ít vitamin A ở gan trẻ từ thai sẽ dễ sinh ra mù lòa sau này.

Yếu tố sức khỏe của mẹ khi có thai và nuôi con: Trong 3 tháng đầu khi phôi thai ở thời kì biệt hóa, nếu mẹ bị nhiễm một số bệnh cấp tính như cúm, sốt cảm, cũng có thể xảy ra tai biến với thai, ví dụ sẽ bị các dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, tật tim bẩm sinh. Vì vậy, khi vừa tắt kinh, người mẹ cần đi khám ngay để dự phòng tiên lượng các trường hợp có thể đẻ ra đứa trẻ không bình thường.

Từ tháng 4 trở đi, nếu mẹ mắc các bệnh mãn tính như viêm thận, viêm gan, thấp tim, ho lao, sốt rét, thiếu máu thì đều có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thai. Do đó cần có lời khuyên cho bà mẹ là chỉ nên có con khi sức khỏe tốt, tốt nhất là 2 vợ chồng đều khỏe mạnh. Sau mỗi lần sinh, người mẹ phải mất 3 năm mới phục hồi được sức khỏe, nếu đẻ dày hơn, thai sẽ kém phát triển.

Lao động và môi trường sống đối với phụ nữ có thai và cho con bú: Cường độ lao động nặng nhọc của nguời phụ nữ khi mang thai sẽ tiêu hao mất nhiều năng lượng cần được dự trữ cho thai. Người ta đã quan sát được sự tăng cân của người mẹ khi có thai ở các nước có nền kinh tế khác nhau và thấy rõ ảnh hưởng của nó đến độ cân nặng của trẻ lúc mới sinh.

Trong 9 tháng mang thai, mức cân nặng của người mẹ ít nhất phải tăng được 12,5kg, trong đó 7,5kg là bào thai, rau thai, nước ối, 5kg là số dư của mỡ dự trữ tăng lên trong quá trình mang thai, sẽ là nguồn năng lượng dành để tiết sữa, nuôi con sau khi sinh. Ở những nước nghèo, phụ nữ có thai chỉ tăng từ 6-7kg, nên sau đó thường không có sữa để nuôi con. Mức cân nặng củ người mẹ trước khi có thai dưới 40kg được coi là thuộc diện sức khỏe yếu.

Những phụ nữ có thai phải lao động nựng nhọc cho đến ngày sinh, môi trường làm việc không an toàn như tiếp xúc với phân bón, thuốc trừ sâu, chất hóa học dioxin, cùng những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá… sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi.

Một số kháng sinh như Tetracyline có tác dụng gây ra quái thai, hủy hoại mầm thai, prednisolone là một loại corticoide cấm không được sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú vì sẽ làm trẻ bị loãng xương, chậm lớn.

Khi có thai, người mẹ cần nhiều không khí và ánh sáng. Những nơi làm việc ồn ào, bụi bặm, thiếu ánh sáng, thiếu không khí sẽ làm thai phát triển chậm.

Sức khỏe cơ bản của một đứa trẻ khi sinh ra phải đạt 3 tiêu chuẩn: cân nặng lúc mới đẻ 3kg, chiều cao 50cm, sức khỏe tốt, không có các bệnh tật bẩm sinh.

Lưu ý:

Chăm sóc trước sinh chủ yếu là quản lí thai ở người mẹ. Công việc này ở các nước phát triển được thực hiện rất chu đáo và hiện đại: người mẹ được thăm khám sau khi tắt kinh để xác định có thai hay không.

Khi thai được 2 tháng, có thể được xét nghiệm nước ối để chẩn đoán các bệnh di truyền.

Khi thai được 4 tháng có thể được chẩn đoán bằng siêu âm để biết thai phát triển bình thường hay có dị tật.

Khi có nghi ngờ, bào thai có thể được làm sinh thiết.

Những thai bệnh lí có thể tiến hành điều trị ngay trong tử cung, như thay máu, điều trị kháng sinh nếu trẻ bị giang mai bẩm sinh.

2. Chăm sóc chu sinh

Chăm sóc chu sinh hay còn gọi là chu sản được bắt đầu từ khi thai được 28 tuần cho đến khi sinh được 1 tuần.

Như vậy nội dung việc chăm sóc chu sinh gồm có những việc cần làm khi trẻ còn trong bụng mẹ từ 10-12 tuần cho đến khi sinh, chăm sóc cho cả mẹ và thai nhi để sẵn sàng vượt cạn và cách chăm sóc thai nhi 1 tuần đầu khi mới sinh.

Thời gian khi thai được 28 tuần cho đến khi sinh là từ 10-12 tuần, tức là 3 tháng cuối thai kỳ. Thời gian này thường là mẹ sẽ hết nghén, ăn được nên thai nhi phát triển khá nhanh, mỗi tháng mẹ có thể tăng đến 2kg. Nếu mẹ không bị mắc các bệnh mạn tính về tim mạch, gan thận, đái tháo đường, thì thai có thể được phát triển an toàn.

Thời kì này nên khuyến khích mẹ ăn tốt, ăn đủ chất, nhất là đạm như tôm, cua, thịt, cá, trứng và các loại đậu đỗ. Các chất khoáng cần thiết như kali, canxi… rất cần cho trẻ phát triển xương và cơ bản chất sắt, dồng là nhu cầu để tạo máu cho trẻ, thường có nhiều trong rau quả.

Đến tháng thứ 8 của thai kì, mẹ phải đi tiêm chủng phòng uốn ván cho mẹ và con lúc sinh.

3. Chăm sóc trẻ sơ sinh

Sơ sinh là thời kì sau chu sinh cho đến 28 ngày tuổi. Thời kì này các biến cố nghiêm trọng của thời kì chu sinh giảm dần. Trẻ có thể về nhà với mẹ không cần thiết phải nằm lại bệnh viện hay các nhà hộ sinh.

Tuy nhiên trạng thái sinh lí trẻ lúc này còn yếu, nhất là các bộ máy hô hấp, tiêu hóa, chức năng thận, da. Trẻ dễ bị các vi khuẩn tấn công đường thở, đường ruột, ngoài da.

Trẻ cần được giữ da sạch sẽ, tắm nước ấm hàng ngày. Mặc áo bằng vải mềm, may rộng rãi và thay giặt hàng ngày. Thay băng rốn, giữ rốn khô thường xuyên.

Cho con bú khi vú mẹ chưa cương sữa còn có tác dụng làm thông các tia sữa, không bị tắc sữa gây apxe. Cho trẻ bú sớm để có phản xạ của oxytoxin, làm tử cung co bóp tốt, cầm máu tốt. Như vậy bữa ăn của trẻ ở thời kì này chỉ là sữa mẹ. Nếu trẻ bú khỏe, mẹ ăn được, ngủ được, thoải mái tinh thần, lượng sẽ ngày một nhiều lên, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Trong tháng đầu, nếu mẹ đủ sữa, trẻ có thể lên khoảng 1kg.

Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ không bị tiêu chảy, viêm phổi hay bị các bệnh nhiễm khuẩn khác. Trong thời kì này, cần thận trọng khi sử dụng kháng sinh, vì chức năng thận của trẻ chưa phát triển tốt.

Cần lưu ý, trước khi rời khỏi phòng hộ sinh, trẻ cần được tiêm BCG phòng lao cho trẻ. Vì trong 6 tháng đầu, mặc dù trẻ được hưởng các nguồn miễn dịch từ mẹ, nhưng nếu trẻ gặp phải người bệnh lao thì vẫn dễ bị lây. Trường hợp ngay sau sinh chưa tiêm chủng lao thì khi đầy tháng nên cho trẻ đến trạm y tế gần nhất để tiêm phòng BCG.

Nếu sau khi tiêm phòng trẻ bị sưng chỗ viêm và nổi hạch ở nách thì cần đưa trẻ đi khám để điều trị, không nên chọc hút hạch ở nách. Các trường hợp người mẹ đẻ khó, phải can thiệp khi sinh, trẻ sinh ra không khóc ngay cần chú ý theo dõi. Nếu thấy trẻ bú kém, ngủ nhiều, li bì, sốt, hạ thân nhiệt hoặc tím tái, khó thở… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám ngay.

4. Chăm sóc trẻ thời kì nhũ nhi (1 tháng - 1 tuổi)

Tuối nhũ nhi là từ 1 tháng đến 1 năm. Thời kì này nhu cầu sinh lí phát triển của trẻ rất cao nhưng các bộ máy cơ thể, chức năng sinh lí vẫn chưa hoàn thiện tốt.

Trẻ dễ bị tiêu chảy vào thời kì đầu, dễ bị viêm đường hô hấp khi bắt đầu phải tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài.

Một số bệnh thường gặp ở độ tuổi này:

- Tan máu do thiếu vitamin K, vào thời điểm 4-45 ngày tuổi, thiếu máu khi giảm bú mẹ và cho ăn sam lúc 5-6 tháng tuổi.

- Nếu trẻ không được tiêm chủng thì từ tháng thứ 2-3 trẻ dễ bị ho gà.

- Từ tháng thứ 6 trở đi dễ bị bệnh bạch hầu, bại liệt, sởi.

- Tiêu chảy và viêm phổi là 2 bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất, có thể từ 3-7 lần trong 1 năm.

- Nếu chế độ ăn uống thiếu chất, thiếu sữa mẹ, nếu trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn, thì hậu quả là trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng.

Cho đến khi tròn 4 tháng tuổi, trẻ chỉ cần bú sữa mẹ, nếu sữa mẹ đủ trẻ có thể tăng cân nặng gấp đôi so với lúc mới sinh. Khi không có sữa mẹ, có thể nuôi trẻ bằng sữa dê, sữa bò, sữa cừu hoặc sữa đậu nành.

Các loại bột ngũ cốc không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng lúc này của trẻ, nhất là bột gạo, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng nặng. Các loại sữa nói ở trên, tốt nhất là sữa tươi hoặc sữa bột. Sữa đặc có đường không phải thức ăn thích hợp cho trẻ.

Mặc dù mẹ có nhiều sữa, khi trẻ đã được 5 tháng, cần cho trẻ ăn sam. Đây là một hình thức tập cho trẻ ăn bưa ăn của người lớn dần dần.

Phòng bệnh cho trẻ ở thời gian này:

- Tiêm chủng phòng lao khi trẻ được 1 tháng tuổi

- Tiêm phòng bại liệt, bạch hầu khi trẻ được 2 tháng tuổi

- Tiêm phòng uốn ván, ho gà, bại liệt, bạch hầu vào tháng thứ 3, tháng thứ 4

- Tiêm phòng sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi.

Cần tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian thì mới có tác dụng. Nếu tiêm chưa đủ mũi thì cần đi tiêm thêm, bất cứ lúc nào. Nếu tiêm phòng lao và sởi chậm trẻ sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

5. Chăm sóc trẻ từ 1-5 tuổi

Lứa tuổi từ 1-5 thường được chia làm 2 thời kì:

- Từ 1-3 tuổi (tuổi vườn trẻ)

- Từ 4-5 tuổi (tuổi mẫu giáo)

Chăm sóc trẻ từ 1-3 tuổi:

Độ tuổi trẻ bắt đầu cai sữa và ăn bữa ăn giống với người lớn. Đây là lứa tuổi có tỉ lệ suy dinh dưỡng rất cao ở nhiều nước.

Nhằm đề phòng suy dinh dưỡng cho trẻ, nên cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất là 18-24 tháng. Theo dõi sự phát triển cân nặng của trẻ thường xuyên để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.

3 năm đầu là lúc trẻ lớn nhanh, hoàn thiện các bộ máy trong cơ thể, tăng trưởng 50% chiều cao vĩnh viễn, phát triển hoàn thiện tế bào thần kinh trung ương.

Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm phổi nhiều lần, mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng. Đây cũng là lứa tuổi có nhiều nguy cơ dễ tử vong do các bệnh suy dinh dưỡng và nhiễm khuẩn, nhất là viêm phổi, tiêu chảy, sởi...

Phòng bệnh cho trẻ trong thời gian này:

Ở lứa tuổi này trẻ còn dễ mắc bệnh còi xương, trẻ sẽ chậm lớn, chậm biết đi, mọc răng lâu, nếu nặng hơn trẻ dẽ dễ bị chân vòng kiềng, hình chữ X, ngực dô ức gà. Để phòng bệnh này, mỗi ngày cần cho trẻ ra chơi ngoài trời khoảng 30 phút, không mặc quần áo che kín người.

Ánh sáng mặt trời phải trực tiếp tác dụng lên da của trẻ mới chuyển hóa được thành sinh tố D cho cơ thể. Mỗi ngày có thể cho trẻ uống 1 viên vitamin D liều dưới 500 đơn vị, liều này có thể dùng hàng ngày nhưng không được tự ý tăng liều cao hơn.

Trẻ dưới 3 tuổi cũng dễ bị khô mắt do thiếu vitamin A, nếu thiếu vitamin A cấp tính sẽ dễ gây mù lòa vĩnh viễn không thể chữa khỏi.

Để phòng bệnh, nên cho trẻ bú sữa mẹ, ăn sam có trứng, rau màu xanh thẫm, bữa ăn đủ lượng dầu mỡ. Như vậy trẻ sẽ không bao giờ thiếu vitamin A.

Chăm sóc trẻ từ 4-5 tuổi:

Ở tuổi từ 3-5, trẻ hay tìm hiểu sự vật xung quanh, bắt chước người lớn, thích hoạt động độc lập. Nên trả lời rõ ràng các câu hỏi, không nói ngọng vì trẻ dễ bắt chước theo. Khuyến khích trẻ tự rửa mặt, lau mặt, lau tay, cởi đồ, mặc đồ... Không nên làm thay trẻ khi trẻ thích làm mà chỉ nên để ý và hướng dẫn trẻ.

Những bệnh hường gặp ở trẻ từ 4-5 tuổi:

- Suy dinh dưỡng do thiếu protein và năng lượng

- Tiêu chảy cấp hoặc kéo dài do thức ăn không phù hợp, không hấp thụ được hoặc do nhiễm khuẩn virut, điều kiện vệ sinh...

- Viêm đường hô hấp trên hay dưới do trẻ bị lạnh, yếu vì khả năng tự miễn dịch còn kém, dễ bị nhiễm khuẩn, virut lây lan từ trẻ khác hoặc người lớn...

- Bệnh giun sán, bệnh ngoài da, bệnh tai-mũi-họng, răng miệng, những bệnh này chiếm tới 90% ở trẻ nhỏ.

Thu Hương

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/con-co-khoe-manh-thong-minh-hay-khong-la-do-cach-cham-soc-ngay-tu-trong-bao-thai-26895/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY