Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

“Cúm cà chua” đang hoành hành ở Ấn Độ - đây là bệnh gì và nguy hiểm ra sao?

Trong thời điểm đại dịch COVID-19 và đậu mùa khỉ vẫn còn nhiều căng thẳng như hiện nay, thông tin về sự xuất hiện của một căn bệnh lạ, có dấu hiệu lây lan nhanh ở trẻ em tại Ấn Độ ở mới đây - gọi là “cúm cà chua” - đã khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng.

Theo đó, căn bệnh lạ có tên “cúm cà chua” được phát hiện đầu tiên ở quận Kollam (bang Kerala, miền nam Ấn Độ) vào hồi đầu tháng 5. Tính đến ngày 26/7, ca mắc lên đến con số 82 và lan nhanh ra các bang khác như Tamil Nadu, Haryana và Odisha. Bệnh nhân chủ yếu là nhóm trẻ em, có cả dưới 5 tuổi và trên 9 tuổi.

Vào ngày 23/8, Bộ Y tế Liên minh Ấn Độ đã ban hành các hướng dẫn kiểm tra và biện pháp phòng ngừa để theo dõi sự lây lan của virus, và ngăn chặn sự lây lan ra các khu vực khác ở Ấn Độ.

Căn bệnh “cúm cà chua” là gì và có gây nguy hiểm không?

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định cụ thể nhóm virus gây ra bệnh. Một số người cho rằng bệnh giống như là hậu quả của chikungunya (một căn bệnh có các triệu chứng tương đối giống sốt xuất huyết) hoặc là sốt xuất huyết ở trẻ em hơn là một dạng bệnh nhiễm do virus. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại tin rằng nó là biến thể của bệnh tay chân miệng, do các loại virus như Coxsackievirus A-6 và A-16 gây ra.

Sở dĩ, bệnh được đặt tên là “cúm cà chua” là để xác định đặc điểm của bệnh. Khi mắc bệnh, trên da sẽ xuất hiện tình trạng phát ban với các mụn nước đỏ, to như cà chua - chủ yếu là ở miệng (lưỡi, lợi và bên trong má), lòng bàn tay, lòng bàn chân. Một số trẻ có thể bị phát ban ở mông và rụng móng tay, kèm theo đó là hiện tượng sốt, mệt mỏi và đau nhức cơ thể. 

Bệnh có thể diễn ra ở bất kỳ người nào, nhưng trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hơn nếu không may tiếp xúc với nguồn lây do hệ miễn dịch còn yếu (Ảnh: Internet)

Theo tờ The Lancet, do có đặc điểm giống với bệnh tay chân miệng nên bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nhưng nhìn chung là không gây nguy hiểm đến tính mạng. Dẫu vậy, tránh để “kịch bản cũ tái diễn” như đợt dịch Covid-19, giới y khoa vẫn yêu cầu mọi người không được lơ là và chủ quan. Ngoài ra, cần có những biện pháp đề phòng ngay từ bây giờ để siết chặt ca mắc, tránh tình trạng lây làn ra ngoài khu vực tạo nên một đợt bùng phát mới nghiêm trọng hơn.

Bệnh rất dễ lây lan ở nhóm trẻ em, nên theo như hướng dẫn được ban hành bởi Bộ Y tế Ấn Độ, người lớn - đặc biệt là các bậc phụ huynh cần có động thái nhắc nhở trẻ giữ gìn vệ sinh tay chân, không đến gần các bạn đang có dấu hiệu nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, hãy giáo dục trẻ về tình trạng và triệu chứng của bệnh để kịp thời thông báo ngay. Đối với các ca nghi nghiễm sẽ được cho cách ly từ 5 - 7 ngày ngay khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Khi trẻ không may mắc bệnh, cần phải vệ sinh đồ dùng như bình nước, quần áo, giường chiếu thường xuyên. Cho trẻ súc miệng nước muối hàng ngày và rửa sạch mụn bằng nước ấm (Ảnh: Internet)

Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp đặc trị bệnh cũng như vaccine đặc hiệu để phòng bệnh. Vì thế, các bệnh nhi khi mắc sẽ được điều trị theo từng triệu chứng, ví dụ như sốt sẽ được cho dùng paracetamol, bù nước và điện giải liên tục để hạ sốt.

Dù căn bệnh “cúm cà chua” chỉ mới phát hiện ở trong khu vực Ấn Độ và đang được kiểm soát chặt chẽ, nhưng các phụ huynh cũng không nên có thái độ lơ là trong việc giữ gìn sức khoẻ và vệ sinh cá nhân cho con để tránh nguy cơ mắc bệnh. Nhất là khi tình trạng các bệnh truyền nhiễm và hô hấp khác ở nước ta vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở hiện tại.

Xem thêm: Mâm cơm nhà thường có 5 loại thực phẩm này, bệnh tật sẽ không dám “bén mảng”

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cum-ca-chua-dang-hoanh-hanh-o-an-do--day-la-benh-gi-va-nguy-hiem-ra-sao-35849/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY