Cây thuốc quanh ta hôm nay

Đẳng Sâm: Tác Dụng Và Cách Sử Dụng Để Bồi Bổ Cơ Thể

Đẳng sâm (đảng sâm) là vị thuốc có công năng và dược tính đa dạng. Tham khảo ngay bài viết để biết 37 cách dùng vị thuốc này điều trị bệnh bồi bổ sức khỏe

Đẳng sâm (đảng sâm) thường được sử dụng để điều trị suy nhược cơ thể, viêm phế quản, ho lâu ngày và các chứng bệnh do khí huyết hư suy. Nhờ có công năng, dược tính đa dạng và giá thành thấp, dược liệu này còn được dùng thay thế cho nhân sâm trong một số bài thuốc bổ khí. 

đẳng sâm có tác dụng gì

Đẳng sâm (đảng sâm) là vị thuốc quý được dùng trong nhiều bài thuốc và món ăn chữa bệnh

  • Tên gọi khác: Đảng sâm, Bạch đảng sâm, Điều đảng sâm, Đông đảng sâm
  • Tên khoa học: Codonopsis pilosula
  • Tên dược: Radix Codonopsis Pilosulae
  • Họ: Hoa chuông – Campanulaceae

Mô tả dược liệu đẳng sâm

1. Đặc điểm cây đẳng sâm

Đảng sâm là cây thân thảo, mọc leo bằng thân quấn và sống lâu năm. Thân cây màu có màu tím sẫm, phần ngọn không có lông, riêng các phần khác có lông thưa. Đẳng sâm thường mọc bò trên mặt đất hoặc mọc leo vào những cây lớn. Lá mọc cách, phiến hình tròn hoặc hình trứng, màu xanh hơi ngả vàng, mép nguyên. Mặt dưới lá có màu trắng xám, nhẵn bóng hoặc có lông rải rác.

Cách dùng đảng sâm

Hình ảnh cây đẳng sâm – Codonopsis pilosula, thuộc họ Hoa chuông

Hoa đẳng sâm mọc ở nách lá, hoa hình chuông, 5 cánh và có màu xanh nhạt. Lúc sắp rụng, hoa chuyển thành màu vàng gồm có 5 nhụy và 5 thùy. Quả hình chùy tròn, đầu ngắn và nứt ra khi chín, bên trong chứa nhiều hạt nhẵn bóng màu nâu.

Rễ của cây có hình trụ, phát triển, đường kính có thể đạt đến 1.5 – 2cm, lúc tươi có màu trắng và khi phơi khô chuyển thành màu vàng. Đây là bộ phận được sử dụng để làm thuốc.

2. Phân bố

Đẳng sâm mọc nhiều ở Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Thiểm Tây, Vân Nam, Cam Túc, Tứ Xuyên, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Thanh Hải, Ninh Hạ, Hà Nam, Hồ Bắc,…

Vào năm 1961 – 1985, dược liệu này đã được phát hiện ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ở nước ta, đẳng sâm phân bố nhiều ở Đà Nẵng, Lâm Đông, Quảng Nam, Kon Tum, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu,…

3. Bộ phận dùng

Rễ của cây đẳng sâm được sử dụng để làm thuốc.

4. Thu hái – sơ chế

Dược liệu đẳng sâm được thu hái vào màu đông cho đến mùa xuân năm sau, vào thời điểm lá cây úa vàng và bắt đầu rụng. Nên thu hoạch vào mùa lá rụng, khi cây chưa đâm chồi vì lúc này rễ củ có dược tính cao và chất lượng tốt nhất.

Rễ đẳng sâm rất dài nên cần đào sâu ít nhất 0.7m để tránh tổn thương rễ củ. Sau đó đem rửa sạch đất cát, phân loại rễ (gồm có 5 loại). Sau đó bó lại, phơi trên giàn cho đến khi rễ khô cứng, bẻ không gãy là đạt chuẩn.

5. Phân loại dược liệu đẳng sâm

Tùy theo chất lượng của dược liệu, đẳng sâm được chia thành nhiều loại như:

  • Đông đẳng sâm: Vỏ nâu xám hoặc vàng xám, thịt có màu trắng ngà, vân tròn và đường kính khoảng 10mm. Chất khô, đuôi và đầu tròn, ít nếp nhăn và không có dầu tiết. Đặc điểm của đông đẳng sâm là hầu như không bị biến chất và sâu mọt.
  • Tây đảng sâm: Dược liệu có màu xám hoặc vàng, vân tròn dạng phóng xạ, thịt bên trong có màu xám vàng và đường kính khoảng 13mm. Chất khô, đầu và đuôi tròn, không bị mốc và mối mọt.
  • Lộ đẳng sâm: Vỏ ngoài màu vàng hoặc vàng xám, thịt màu vàng hoặc nâu, không có vân, rễ dài và khô.
  • Điều đẳng sâm: Dược liệu có đường kính từ 12mm trở lên, vỏ khô màu vàng, thịt màu vàng trắng hoặc trắng đục, rễ khô và có hình trụ tròn. Điều đẳng sâm không bị biến chất và mối mọt do không có dầu tiết ra.
  • Bạch đẳng sâm: Đặc điểm của bạch đẳng sâm là hình dáng rễ không đồng đều, cứng và khô. Vỏ ngoài có màu trắng vàng hoặc vàng xám, đường kính từ 10mm trở lên.

6. Cách sơ chế

Có 2 cách sơ chế dược liệu đẳng sâm:

Hình ảnh cây đẳng sâm

Dược liệu đẳng sâm sau khi được sơ chế bằng cách bào mỏng, tẩm nước gừng và sao khô

  • Theo kinh nghiệm Trung Quốc: Thu hái về, đem phơi âm can cho vỏ dính vào thịt. Sau đó mỗi khi dùng, đem sao với cám hoặc đất hoàng thổ cho dược liệu chuyển thành màu vàng.
  • Theo kinh nghiệm Việt Nam: Đem rễ củ mới hái về rửa sạch, ủ với nước trong 1 đêm cho mềm. Sau đó bào mỏng 1 – 2 ly và tẩm nước gừng sao qua để dùng dần.

7. Thành phần hóa học

Trong đẳng sâm có nhiều thành phần hóa học, bao gồm scutellarein glucoside, alkaloid, glucose, insulin, sucrose, tangshenoside, choline, ethyl a-D-fructofuranoide,…

8. Bảo quản

Bảo quản dược liệu ở nơi kín, thoáng gió, tránh ẩm. Nếu lâu không dùng, nên sấy hơi diêm sinh để tránh bị mối mọt.

Tác dụng của đẳng sâm theo Đông y

Cách chế biến đẳng sâm

Đảng sâm có vị ngọt, tính bình, không có độc, tác dụng dưỡng huyết, ích khí, bổ trung và thanh phế

1. Tính vị – Quy kinh

  • Vị ngọt, tính bình, không có độc
  • Quy vào kinh Phế và Tỳ

2. Tác dụng của đẳng sâm theo Đông y

Theo Đông y, đẳng sâm có tác dụng sinh tân chỉ khát, ích khí, bổ trung, thanh phế và dưỡng huyết. Dược liệu này thường được dùng để chữa các chứng bệnh sau:

  • Khí huyết đều suy, tỳ vị hư yếu có các biểu hiện như thoát giang, tiêu chảy mãn tính, ăn uống kém, cơ thể suy nhược và không có sức.
  • Trị thiếu máu mãn tính, các bệnh ở tụy tạng, bệnh bạch huyết
  • Trị trường vị trung lãnh, hư lao, khí suyễn, mồ hôi tự ra
  • Băng huyết và các chứng bệnh thai sản

3. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu đẳng sâm được dùng nhiều trong các bài thuốc thang và thuốc hoàn toàn. Ngoài ra, dược liệu này còn được dùng để chế biến các món ăn, trà, rượu ngâm bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh thường gặp. Liều dùng khuyến cáo: 6 – 30g/ ngày.

Tác dụng của đẳng sâm theo y học hiện đại

Dược liệu đẳng sâm đã được nghiên cứu qua nhiều thực nghiệm lâm sàng. Hiện nay, vị thuốc này đã được khoa học công nhận một số tác dụng sau:

1. Đẳng sâm có tác dụng cải thiện sức khỏe

Theo nghiên cứu, đẳng sâm có tác dụng nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch tương tự như nhân sâm nhưng yếu hơn. Các thực nghiệm trên súc vật và chuột đều nhận thấy, dược liệu này có thể tăng khả năng thích nghi của súc vật đối với môi trường, chống mệt mỏi, điều hòa hoạt động của vỏ não,…

Hơn nữa theo kinh nghiệm từ y học cổ truyền, đẳng sâm mang lại hiệu quả trong các bài thuốc bổ khí huyết. Do đó hiện nay, thảo dược này được dùng để sản xuất nhiều sản phẩm cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị chứng suy nhược ở người cao tuổi.

2. Phòng ngừa loét niêm mạc đường tiêu hóa

Thực nghiệm trên súc vật bị gây loét bao tử với 4 loại hình (gây loét bằng axit acetic, loét do thắt môn vị, gây viêm và loét do kích thích) đều nhận thấy, đẳng sâm có khả năng bảo vệ niêm mạc và phòng ngừa tình trạng viêm loét rõ rệt.

3. Tác dụng điều hòa huyết áp

Thực nghiệm trên thỏ, chó và mèo nhận thấy, cao lỏng và chiết xuất cồn từ đẳng sâm đều có tác dụng hạ áp trong thời gian ngắn, tăng lượng máu tuần hoàn đến nội tạng, chi dưới, bão bộ và tăng cường độ co bóp của tim.

tác dụng của đẳng sâm

Điều hòa huyết áp là một trong những tác dụng của đẳng sâm đã được khoa học công nhận

Tuy nhiên, dược liệu còn có tác dụng nâng áp khi bị choáng và hạ huyết áp quá mức do mất máu. Hiệu quả nâng áp của đẳng sâm được đánh giá cao hơn so với cam thảo và nhân sâm. Vì vậy, dược liệu này có khả năng điều hòa huyết áp cả trong trường hợp cao huyết áp và huyết áp thấp.

4. Tác dụng tạo máu

Đảng sâm đã được chứng minh có hiệu quả làm tăng số lượng hồng cầu trong máu, làm giảm số lượng tế bào lâm ba và số lượng bạch cầu. Vì vậy từ lâu, vị thuốc này đã được dùng trong các trường hợp huyết hư. Hiện nay, tác dụng bổ huyết của đẳng sâm đã được nghiên cứu, chứng minh qua nhiều thực nghiệm và được ứng dụng phổ biến trên lâm sàng.

5. Một số tác dụng khác

Ngoài ra, đẳng sâm còn có một số công dụng khác như:

  • Tăng khả năng miễn dịch của cơ thể
  • Ức chế thần kinh, làm giảm cảm giác buồn ngủ
  • Giảm ho, kháng viêm
  • Kháng khuẩn (hiệu quả trên tụ cầu vàng, trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, phó trực khuẩn đại tràng,…)
  • Tăng tiết sữa mẹ

37 Cách dùng đẳng sâm bồi bổ sức khỏe, điều trị bệnh

công dụng của đẳng sâm rừng

Đẳng sâm được dùng trong bài thuốc trị tỳ vị hư yếu, ho suyễn, viêm phế quản, khí huyết hư suy,…

1. Bài thuốc trị tỳ vị hư yếu, miệng sinh nhọt

  • Chuẩn bị: Bạch thược 2.8g, phục linh 4g, cam thảo 2g, đẳng sâm 8g và chích kỳ 8g.
  • Thực hiện: Cho tất cả các vị vào ấm, đổ thêm nước vào và sắc uống.

2. Bài thuốc trị bệnh viêm phế quản mãn tính và lao phổi

  • Chuẩn bị: Hồ ma nhân, hạnh nhân và tỳ bà diệp nướng mật mỗi thứ 6g, thạch cao, đẳng sâm, mạch môn và tang diệp mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Cho thạch cao vào sắc trước để giảm độc tính, sau đó cho các vị còn lại vào sắc lấy nước uống. Chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

3. Bài thuốc trị suy nhược thần kinh

  • Chuẩn bị: Ngũ vị tử 8g, đẳng sâm và mạch môn mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

4. Bài thuốc trị chứng lở loét miệng ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Hoàng bá 20g và đẳng sâm 40g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu tán bột mịn, sau đó dùng 1 ít bột thoa lên vùng lở loét vài lần trong ngày. Thực hiện liên tục trong 3 – 5 ngày sẽ thấy vết loét liền lại.

5. Bài thuốc điều trị huyết áp thấp

  • Chuẩn bị: Đại táo 10 quả, nhục quế 10g, đẳng sâm 6g, hoàng tinh 12g và cam thảo 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

6. Bài thuốc trị chứng cao huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh tim

  • Chuẩn bị: Đương quy, sinh địa và đẳng sâm mỗi thứ 10g, vỏ con trai (dùng vỏ của loại trai cho ngọc), trắc bá tử và phục linh mỗi thứ 16g, mộc hương, táo và hoàng liên mỗi thứ 6g.
  • Thực hiện: Cho tất cả dược liệu vào ấm, đổ 800ml nước vào sắc đặc. Chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong bài. Sử dụng bài thuốc liên tục trong 2 – 2.5 tháng để nhận thấy hiệu quả rõ rệt.

7. Bài thuốc trị chứng suy nhược cơ thể, hư lao, ho lâu ngày không khỏi

  • Chuẩn bị: Cam thảo 2g, đẳng sâm 16g, ý dĩ nhân, xa tiền tử và khoản đông hoa mỗi thứ 6g, hoài sơn (củ mài) 12g.
  • Thực hiện: Sắc đặc lấy nước, chia đều thành 3 lần uống trong ngày.

8. Bài thuốc trị chứng xuất huyết tử cung

  • Chuẩn bị: Đẳng sâm 30 – 60g.
  • Thực hiện: Đem sắc đặc lấy nước, chia thành 2 lần uống trong ngày. Nên dùng liên tục trong vòng 5 ngày trong thời gian hành kinh để giảm lượng máu bài tiết.

9. Bài thuốc chữa chứng đau lưng mỏi gối, tiểu dắt, cơ thể mệt mỏi do thận hư suy

  • Chuẩn bị: Huyết giác 1.2g, đẳng sâm 16g, cáp giới 6g, tiểu hồi 6g và trần bì 0.8g, rượu 250ml.
  • Thực hiện: Ngâm rượu trong 7 – 10 ngày là dùng được. Trước khi ngủ dùng 1 ly nhỏ, dùng đều đặn cho đến khi khỏi bệnh.

10. Bài thuốc trị chứng ăn uống không ngon, đại tiện lỏng, cơ thể mệt mỏi

  • Chuẩn bị: Ba kích, đương quy và bạch truật (sao) mỗi thứ 12g, đẳng sâm 20 – 40g.
  • Thực hiện: Tán bột, trộn mật làm thành viên hoặc sắc uống. Mỗi ngày dùng từ 12 – 20g.

11. Bài thuốc trị chứng mệt tim ở người già

  • Chuẩn bị: Long nhãn, đương quy, ngưu tất và mạch môn mỗi thứ 12g, đẳng sâm 40g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang, có thể gia thêm nhân sâm 4 – 8g nếu cơ thể suy nhược nặng.

12. Bài thuốc chữa chứng trung khí suy nhược, tỳ vị bất hòa

  • Chuẩn bị: Đường và đẳng sâm.
  • Thực hiện: Đem sắc lấy nước, sau đó cô lại thành cao lỏng.

13. Bài thuốc điều trị chứng khí huyết hư suy

  • Chuẩn bị: Bạch truật, đẳng sâm, đường cát, long nhãn và chích hoàng kỳ (gia giảm dược liệu theo chứng bệnh).
  • Thực hiện: Sắc đặc lấy nước, sau đó cô thành cao và dùng uống hằng ngày để cải thiện sức khỏe.

14. Bài thuốc trị tiêu chảy, lỵ, khí hư, thoát giang

  • Chuẩn bị: Nhục khấu tương, phục linh, bạch truật và chích kỳ mỗi thứ 6g, gừng tươi 3 lát, thăng ma (nướng mật) 2.4g, sơn dược sao và đẳng sâm sao với rượu mỗi thứ 8g, chích cam thảo 2.8g.
  • Thực hiện: Cho các vị thuốc vào ấm, đổ thêm 2 lít nước sắc đặc còn 700ml nước. Chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

15. Bài thuốc bồi bổ nguyên khí, tráng gân cơ, thanh phế kim, khai thanh tâm

  • Chuẩn bị: Quế viên nhục 160g, đẳng sâm 640g và sa sâm 320g.
  • Thực hiện: Sắc đặc, sau đó cô thành cao và dùng uống mỗi ngày.

16. Bài thuốc trị chứng thiếu máu do thiếu sắt và vi chất dinh dưỡng

  • Chuẩn bị: Kê huyết đằng 40g, thục địa 24g, bạch thược 12g, đương quy 20g và đẳng sâm 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.

17. Bài thuốc bổ khí kiện tỳ, hóa đờm lý khí được dùng để trị viêm đại tràng mãn tính và rối loạn tiêu hóa kéo dài

  • Chuẩn bị: Cát cánh, sa nhân, liên nhục, ý dĩ nhân, sao biển đậu mỗi thứ 40g, chích cam thảo, sơn dược, bạch linh, đảng sâm và bạch truật mỗi thứ 80g.
  • Thực hiện: Tán bột mịn, mỗi lần dùng 8 – 12g uố với nước sôi nguội. Hoặc cũng có thể sắc lấy nước uống.

18. Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa và chứng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Hoài sơn sao, ý dĩ nhân sao, đẳng sâm sao và bạch biển đậu sao mỗi thứ 200g, nhục khấu, sa nhân và trần bì mỗi thứ 30g, liên nhục (bỏ tâm sen) và cốc nha mỗi thứ 100g.
  • Thực hiện: Đem nhục khấu, trần bì và sa nhân sắc lấy nước để riêng. Các vị khác đem tán bột mịn, trộn với nước thuốc, thêm mật đường vào làm thành cốm. Mỗi ngày cho trẻ uống 1 – 2 thìa cốm để kích thích tiêu hóa và giúp trẻ tăng cân đều đặn.

19. Bài thuốc trị chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em, trẻ ăn uống kém, chậm lớn

  • Chuẩn bị: Phục linh (tẩm sữa), bạch truật (sao vàng) mỗi thứ 8 – 12g, liên tử (bỏ vỏ ruột sao thơm) 4 – 8g, gừng nướng 3 lát, đại táo 2 quả, thục địa (nướng cho thơm) 4 – 6g, chích thảo (tẩm mật sao) 3g và đẳng sâm 8g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước cho trẻ uống trong ngày.

20. Bài thuốc trị chứng mất ngủ, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, tim hồi hộp và hay quên ở người lớn

  • Chuẩn bị: Long nhãn nhục, đẳng sâm và bạch truật mỗi thứ 12g, đại táo 2 – 3 quả, sinh khương 3 lát, chích thảo 4g, đương quy 8 – 12g, mộc hương 4g, đẳng sâm, hoàng kỳ và phục thần mỗi thứ 12g, toan táo nhân sao 12 – 20g, viễn chí 4 – 6g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Hoặc có thể tán thành bột mịn, trộn với mật làm thành hoàn, mỗi lần dùng 8 – 12g.

21. Bài thuốc trị bệnh ngoại cảm phòng hàn thấp (sốt, không có mồ hôi, đầu gáy cứng, sợ lạnh,…)

  • Chuẩn bị: Phục linh, tiền hồ, sài hồ và đẳng sâm mỗi thứ 6 – 12g, cam thảo 2 – 4g, độc hoạt và xuyên khung 4 – 8g, khương hoạt và chỉ xác mỗi thứ 4 – 6g, cát cánh 4 – 12g.
  • Thực hiện: Cho tất cả vào ấm, sau đó thêm 3 lát gừng tươi và bạc hà 4g sắc lấy nước uống. Ngày dùng từ 1 – 2 thang. Hoặc có thể dùng các vị bằng lượng nhau, tán bột làm hoàn, ngày uống 8g.

22. Bài thuốc trị chứng sa nội tạng do tỳ hư hạ hãm

  • Chuẩn bị: Thăng ma và trần bì mỗi thứ 4 – 6g, hoàng kỳ 20g, sài hồ 6 – 10g, bạch truật và đương quy mỗi thứ 12g, chích thảo 4g, đẳng sâm 12 – 16g, trần bì 4 – 6g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.

23. Bài thuốc trị chứng lý thực nhiệt kèm khí huyết hư nhược

  • Chuẩn bị: Đại táo 2 quả, cam thảo 2 – 6g, sinh khương 3 lát, đại hoàng 8 – 12g, đương quy 8 – 16g, đẳng sâm 8 – 12g, chỉ thực 8 – 16g, mang tiêu 12 – 16g, hậu phác 4 – 8g, cát cánh 4 – 8g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.

24. Bài thuốc trị viêm đại tràng mạn gây rối loạn tiêu hóa kéo dài

  • Chuẩn bị: Liên nhục, bạch biển đậu và ý dĩ mỗi thứ 10 – 12g, cát cánh và sa nhân mỗi thứ 6 – 8g, chích thảo, hoài sơn, đẳng sâm, bạch truật và bạch linh mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống nước uống, ngày dùng 1 thang.

25. Bài thuốc trị đau vùng thượng bị, buồn nôn, nôn mửa

  • Chuẩn bị: Hoàng liên (sao với nước gừng), bạch linh, đẳng sâm, chích chỉ thực, hậu phác và bạch truật (thổ sao) mỗi thứ 8 – 12g, can khương 4g, mạch nha khúc và bán hạ khúc mỗi thứ 6 – 8g.
  • Thực hiện: Tán bột, làm hoàn, mỗi lần dùng 8 – 12g uống với nước sôi nguội khi bụng đói.

26. Bài thuốc trị chứng suy nhược thần kinh thể tâm hỏa vượng

  • Chuẩn bị: Liên tử, viễn chí, toan táo nhân, hoàng kỳ, phục linh, phục thần và đẳng sâm mỗi thứ 10g, cam thảo 4g và trần bì 5g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.

27. Bài thuốc trị chứng tảo tiết, dương nuy ở nam và chứng vô sinh nữ do thận dương hư

  • Chuẩn bị: Phúc bồ tử, đẳng sâm, ba kích thiên, thần khúc và thỏ ty tử mỗi thứ 12g, sơn dược 24g.
  • Thực hiện: Tán các vị thành bột mịn, sau đó luyện với mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 12g, ngày dùng 2 – 3 lần.
Đẳng sâm có tác dụng gì

Đẳng sâm còn được dùng trong các món ăn bồi bổ sức khỏe, giảm mệt mỏi và tăng cường sinh lý

28. Sâm kỳ khiếm thực trư thận thang – Món ăn giúp trị chứng viêm thận có protein niệu

  • Chuẩn bị: Hoàng kỳ và khiếm thực mỗi thứ 30g, đẳng sâm 20g và cật lợn 1 quả.
  • Thực hiện: Bóc lớp màng bao ngoài cật lợn, sau đó rửa sạch. Cho dược liệu vào túi vải, cột chặt và cho vào nồi cùng với cật lợn. Đổ nước vào, nấu nhừ rồi nêm nếm thêm gia vị và dùng ăn trong ngày.

29. Tim lợn hầm đẳng sâm chữa chứng mệt mỏi, khó thở, suyễn, tim hồi hộp

  • Chuẩn bị: Tim lợn 200g, sơn dược 20g, đương quy 10g và đẳng sâm 30g.
  • Thực hiện: Đem bóc màng tim lợn, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Cho dược liệu vào nồi sắc lấy nước, bỏ bã và cho tim lợn vào nấu cho mềm nhừ. Khi chín, nêm thêm gia vị vừa ăn. Chia thành 2 lần ăn và dùng hết trong ngày.

30. Cháo sâm kỳ đại táo trị chứng khí hư phát nhiệt

  • Chuẩn bị: Cam thảo 12g, đẳng sâm và sinh hoàng kỳ mỗi thứ 30g, đại táo 10 quả và gạo tẻ 100g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu sắc lấy nước, sau đó cho gạo tẻ và đại táo vào nấu nhừ. Nêm thêm gia vị và chia thành 2 lần ăn trong ngày.

31. Hải sâm xào đẳng sâm kỷ tử thích hợp với người bị suy nhược, liệt dương

  • Chuẩn bị: Gừng tươi 10g, tỏi 5g, hải sâm 200g, đẳng sâm 12g, hành 15g, kỷ tử 12g và gia vị vừa đủ.
  • Thực hiện: Đem hải sâm nhúng vào nước sôi, sau đó cắt khúc và rửa sạch. Xào tái cùng với ớt, tiêu hành, gừng. Đem các vị thuốc sắc lấy nước và cho hải sâm vào om đến khi nước sền sệt là được. Nêm nếm gia vị vừa ăn và dùng món ăn khi còn nóng.

32. Trà đẳng sâm đại táo thích hợp với người bị suy nhược, thiếu máu

  • Chuẩn bị: Đại táo 20 quả và đẳng sâm 15g.
  • Thực hiện: Đại táo xé nhỏ, đẳng sâm thái mỏng, sau đó cho vào bình hãm với nước sôi trong 30 – 45 phút là dùng được. Khi dùng nên uống trà và ăn cả sâm, táo để tăng hiệu quả.

33. Rượu đẳng sâm tắc kè trị suy nhược cơ thể, tiểu dắt do thận suy

  • Chuẩn bị: Huyết giác và trần bì mỗi thứ 2g, đẳng sâm 40g, tắc kè 12g, rượu 35 độ 500ml, tiểu hồi 1g.
  • Thực hiện: Ngâm trong 30 ngày là dùng được. Mỗi lần dùng 30ml, ngày uống 1 – 2 lần.

34. Bài thuốc bổ phổi, làm dịu cơn hen và giảm đờm

  • Chuẩn bị: Tỳ bà (chích) và a giao mỗi thứ 8g, mạch môn, thạch cao, tang diệp và đẳng sâm mỗi thứ 12g, cam thảo 4g, hạnh nhân và hồ ma nhân mỗi thứ 6g.
  • Thực hiện: Đem thạch cao sắc trước, a giao để riêng, sau đó cho các vị còn lại vào sắc. Khi uống, cho a giao vào hòa và uống khi nóng.

35. Cháo đẳng sâm ý dĩ phục sinh trị sa hậu môn, trực tràng, tiêu chảy lâu ngày

  • Chuẩn bị: Ý dĩ 16g, gạo tẻ 100g, đẳng sâm 20g và phục linh 12g.
  • Thực hiện: Đem phục linh và đẳng sâm sắc lấy nước, bỏ bã, sau đó thêm gạo tẻ và ý dĩ vào nấu cháo. Khi chín, nêm thêm muối hoặc đường và ăn khi nóng.

36. Gà hầm tam thất đảng sâm trị chấn thương gây ứ huyết hoặc đau quặn bụng, liên sườn và thắt lưng do co cứng cơ

  • Chuẩn bị: Gà mái 1 con (khoảng 1kg), đẳng sâm 15g và đan sâm 30g.
  • Thực hiện: Làm sạch gà, sau đó cho 2 vị thuốc vào bụng gà và khâu lại. Sau đó đem hầm cách thủy cho chín nhừ, nêm nếm gia vị và ăn hết trong ngày.

37. Bài thuốc trị chứng cam tích ở trẻ em (do giun)

  • Chuẩn bị: Sử quân tử, sơn tra, mạch nha và thần khúc mỗi thứ 10g, chích cam thảo 3g, bạch truật (sao), kê nội kim, phục linh và đẳng sâm mỗi thứ 6g, hồ hoàng liên 5g.
  • Thực hiện: Sắc với 800ml nước đến khi còn lại 150ml. Chia nước sắc thành 3 lần và dùng hết trong ngày (sáng, trưa, tối). Nên dùng khi bụng đói để đạt hiệu quả tốt, ngày dùng 1 thang.

Một số lưu ý khi dùng dược liệu đẳng sâm

Đẳng sâm có dược tính đa dạng và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên trước khi sử dụng dược liệu này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

Đẳng sâm có tác dụng gì

Đẳng sâm có thể dùng thay thế cho nhân sâm trong các bài thuốc bổ khí với liều gấp 2 – 3 lần

  • Đẳng sâm có tác dụng tương tự nhân sâm nhưng dược tính yếu hơn và giá thành rẻ hơn rất nhiều lần. Do đó, đẳng sâm thường được dùng để thay thế cho nhân sâm trong các bài thuốc bồi bổ khí với liều lượng gấp 2 – 3 lần.
  • Lạm dụng đẳng sâm (hơn 63g) có thể gây khó chịu ở vùng tim, rối loạn nhịp tim. Tình trạng này thường sẽ tự thuyên giảm sau khi ngưng thuốc.
  • Theo kinh nghiệm từ Đông y, không nên dùng đẳng sâm với lê lô vì 2 dược liệu này kỵ nhau.
  • Không dùng đẳng sâm cho người có thực tà, khí trệ và hỏa vượng.
  • Tránh dùng chung với củ cải và uống trà đặc trong thời gian dùng bài thuốc và món ăn từ đẳng sâm.

Đẳng sâm là vị thuốc quý, có thể dùng thay thế cho nhân sâm trong một số trường hợp. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng lạm dụng dược liệu quá mức. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng ngoại ý, bạn đọc nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng các bài thuốc và món ăn từ vị thuốc này.

Mạng Y Tế
Nguồn: Tạp chí ViMed (https://vimed.org/duoc-lieu/dang-sam)
Từ khóa:

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY