Thuốc giảm đau = cứu cánh?
Ngày trước, cứ mỗi lần vợ “đến tháng” là nhà anh Thắng (Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) lại được phen nháo nhào. Số là, chị Thuận, vợ anh chẳng hiểu vì lý do gì mà thường xuyên bị đau bụng đến xa xẩm mặt mày vào những ngày “đèn đỏ”. Có những hôm, chị còn không đi làm được, chỉ nằm rên hừ hừ, mồ hôi vã như tắm. Thương vợ, anh hỏi han đủ kiểu, ấy vậy mà chẳng được một lời cám ơn, chị còn gắt um cả nhà.
Rồi những ngày đau khổ như thế cũng qua đi nhờ một liều thuốc duy nhất. Giờ đây, mỗi lần đau bụng, chị Thuận chỉ cần uống 2 viên là tươi tỉnh hẳn, cửa nhà vì thế mà không còn náo loạn. Tính đến nay, chị đã trung thành với loại thuốc đó được gần 5 năm rồi.
Ảnh minh họa |
Khác với chị Thuận, là người có tiền sử đau bụng kinh ngay từ thủa mới dậy thì nên chị Tuyết (Q.5, TP. Hồ Chí Minh) tỏ ra rất có kinh nghiệm. Chị kể: “Ngày đó, tôi đau bụng tưởng chết đi sống lại. Có lần, đang làm bài kiểm tra mà đành bỏ giở vào phòng y tế trường nằm vì chân tay run lẩy bẩy, người lạnh toát. Những lần ấy, nói thật là tôi vật vờ như một cái xác, chả thiết ăn uống, vui chơi gì, mặt lúc nào cũng tái mét. Rồi có lúc đau quá còn cứ trách mẹ sao lại sinh mình ra làm phận con gái. Nghe lời nhiều người, tôi cũng từng uống nước gừng ấm, nhưng chỉ thấy đỡ đau tí thôi chứ về cơ bản là không ăn thua gì. Sau đó, được người bán thuốc mách, tôi toàn dùng giảm đau mỗi khi “đến tháng”. Giờ thì thấy nhẹ tênh, nhưng chỉ băn khoăn là uống nhiều thuốc như thế thì nó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không”.
Hãy thử các liệu pháp tự nhiên
Theo thống kê, khoảng 50% phụ nữ có dấu hiệu đau bụng khi hành kinh, trong đó 15% số người đau đến mức không thể hoạt động như bình thường. Những lúc này, hầu hết chị em đều lựa chọn giải pháp là uống thuốc giảm đau để không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, chuyên gia sản khoa, giảng viên quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, việc lạm dụng thuốc giảm đau là không nên. Bởi lẽ, nguyên nhân gây ra đau bụng kinh có rất nhiều. Nó có thể là do trong quá trình đẩy máu kinh ra ngoài, tử cung co bóp quá mức cần thiết, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung (lớp niêm mạc bong ra trong thời kỳ kinh nguyệt không được đẩy ra ngoài mà lại đi lạc vào tử cung, buồng trứng...).
Chính vì vậy, khi có dấu hiệu đau bụng, cách tốt nhất là đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất. Nếu đơn giản chỉ là đau do tử cung co bóp, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo đơn được kê.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, loại thuốc này có tác dụng phụ trên gan và gây viêm loét dạ dày nếu lạm dụng, do đó, chỉ nên dùng trong trường hợp thực sự cần thiết, đau đến mức không thể chịu được.
Còn với nguyên nhân là do lạc nội mạc tử cung thì đó lại là vấn đề vô cùng nan giải. Nếu khối nội mạc đó to, thậm chí, bạn còn phải mổ để lấy ra, còn nếu chỉ là những mảnh nhỏ thì cần sử dụng thuốc để teo bớt. Trong trường hợp này, tự ý dùng thuốc giảm đau thì sẽ làm mất dấu hiệu của bệnh. Và khi không được chữa trị kịp thời, nó chính là nguyên nhân dẫn đến vô sinh.
Theo các chuyên gia, trước khi tìm đến sự hỗ trợ của thuốc giảm đau, bạn có thể thử các liệu pháp tự nhiên như: chườm nước ấm vào ổ bụng hoặc massagea tại chỗ. Việc này giúp các mạch máu được lưu thông tới vùng chậu tốt hơn, hạn chế được sự co thắt của cơ tử cung, từ đó giảm cường độ đau. Bên cạnh đó, tập thể dục nhẹ nhàng hay yoga sẽ giúp các cơ vùng chậu mềm, giãn tốt, khiến bạn thấy dễ chịu hơn.
Ảnh minh họa |
Thực phẩm giúp giảm đau bụng kinh
1. Dứa (thơm)
Một ly nước ép dứa mỗi ngày sẽ giúp bạn bổ sung bromelain, chất có tác dụng làm giảm các cơn co thắt, giảm đau nhanh chóng. Ngon, bổ, rẻ đúng không nào?
2. Chuối
Chuối là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng với lượng B6 dồi dào giúp giảm co thắt. Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều kali làm giảm khả năng giữ nước nên hạn chế được hiện tượng đầy hơi khi hành kinh.
3. Sôcôla
Sôcôla có chứa nhiều caffein nên sẽ giúp giảm đau và bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, bạn đừng dùng loại có nhiều đường và sữa vì chúng có thể làm trầm trọng thêm cơn đau của bạn. Sôcôla đen chính là sự lựa chọn thích hợp trong trường hợp này.
4. Trà thảo mộc
Các loại trà thảo dược như trà xanh, trà bạc hà thậm chí trà mùi tây giúp máu kinh nguyệt ra dễ dàng hơn. Đồng thời, chúng còn có khả năng làm giảm bớt đau bụng kinh và tránh hiện tượng đầy hơi.
Bảo An
Theo Chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: