Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Dấu hiệu bệnh tật cần lưu ý từ những điều bất thường ở bàn chân

Đôi khi bàn chân bỗng trở nên nóng rát, các vết loét ở chân tự dưng mãi không lành... Đó là lúc bạn nên để ý đến các cảnh báo về bệnh tật đang tấn công cơ thể.

Cũng như bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, bàn chân của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sức khỏe tổng thể. Vì thế, khi cảm thấy có những dấu hiệu khác thường, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua bởi nhiều khi chúng đang cảnh báo với bạn những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

1. Đau khớp ngón chân cái

Khớp ngón chân cái bị đỏ, đau và sưng đột ngột là một ví dụ điển hình của bệnh gout. Tuy nhiên, các tình trạng khác cũng có thể xuất hiện theo cách này. Chúng bao gồm chứng cứng khớp Hallux, viêm khớp ngón chân cái, gãy xương, nhiễm trùng khớp hoặc thậm chí là móng chân mọc ngược.

Khớp ngón chân cái bị đỏ, đau và sưng đột ngột là một ví dụ điển hình của bệnh gout - (Ảnh: Onhealth).

Trẹo ngón chân cái, thường thấy ở các vận động viên, cũng có thể xuất hiện với đau và sưng ở khớp ngón chân cái do căng và rách các mô mềm và dây chằng.

2. Ngón tay, ngón chân dùi trống

Ngón tay và ngón chân dùi trống đề cập đến hình dạng cấu trúc của các ngón. Các móng tay hoặc chân cong và tròn ở đầu, có phần giống như một chiếc thìa úp ngược. Nguyên nhân cơ bản phổ biến nhất là bệnh phổi hoặc ung thư phổi.

Các nguyên nhân khác là dị tật tim khi sinh ra, xơ nang, bệnh celiac, bệnh gan, bệnh tuyến giáp và ung thư hạch Hodgkin. Trong một số trường hợp, ngón chân hoặc ngón tay chụm lại có thể chỉ là một đặc điểm gia đình mà không có bệnh lý có từ trước.

3. Bàn chân và mắt cá chân bị sưng

Sưng bàn chân tạm thời do đứng hoặc ngồi lâu ở một vị trí. Điều này đặc biệt phổ biến trong thai kỳ và thường lành tính. Ngược lại, bàn chân và chân phù nề dai dẳng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề tim mạch như suy tim sung huyết, lưu thông máu kém hoặc suy tĩnh mạch.

Nó cũng có thể là một vấn đề với hệ thống bạch huyết của một người (phù bạch huyết).

Các nguyên nhân khác gây sưng bàn chân và mắt cá chân là nhiễm trùng, rối loạn thận hoặc tuyến giáp, và thậm chí là cục máu đông ở chân.

4. Cảm giác nóng rát ở bàn chân

Nguyên nhân phổ biến nhất của cảm giác nóng rát ở bàn chân là do bệnh lý thần kinh ngoại biên, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân phổ biến nhất của cảm giác nóng rát ở bàn chân là do bệnh lý thần kinh ngoại biên - (Ảnh: Onhealth).

Các bệnh thần kinh khác gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên có thể do thiếu vitamin B, nghiện rượu hoặc tiếp xúc với một số hóa chất công nghiệp. Bàn chân bị nóng rát cũng có thể là triệu chứng của bệnh thận mãn tính, tuần hoàn kém, bệnh nấm da chân, viêm da tiếp xúc hoặc bệnh tuyến giáp.

5. Các vết loét trên bàn chân không lành

Các vết loét trên bàn chân không lành là nguyên nhân chính gây lo lắng. Ba nguyên nhân chính là nhiễm trùng, áp lực bất thường lặp đi lặp lại (do biến dạng xương hoặc giày không vừa vặn) và tuần hoàn kém (PAD).

Bệnh nhân tiểu đường đặc biệt dễ bị tổn thương với các vết thương không lành ở bàn chân vì khả năng hồi phục, tuần hoàn và cảm giác bị giảm sút. Bệnh nhân tiểu đường nên kiểm tra bàn chân của mình hàng ngày để tìm bất kỳ vùng áp lực hoặc dấu hiệu của vết thương đang phát triển nào.

Trong một số trường hợp, vết thương không lành là do dị vật hoặc thậm chí là một loại ung thư da. Các vết thương không lành của bàn chân cần được bác sĩ đánh giá và điều trị kịp thời.

Những vấn đề ở bàn chân đôi khi không quá nguy hiểm ngay tức thì nhưng thực sự chúng ta cũng nên lưu ý để nhận biết các dấu hiệu bệnh tật mà phòng tránh. Việc lơ là các cảnh báo của cơ thể sẽ chỉ khiến tình trạng bệnh phát triển nặng hơn mà đến lúc phát hiện ra đã là muộn.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dau-hieu-benh-tat-can-luu-y-tu-nhung-dieu-bat-thuong-o-ban-chan-30921/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY