Cây thảo hằng năm cao 1 - 2m, màu tím nhạt, ít phân nhánh. Lá hình bầu dục nhọn, hẹp ngang, tròn ở gốc, có mũi nhọn ở chóp, nhẵn, có răng, dài 6 - 10cm, rộng 15 - 30mm; răng nhọn; đều, 2 răng dưới có lông dài, gân gốc 3 - 5. Hoa họp 2 - 3 cái một ở nách lá. Quả hình cầu hay hình quả lê dài 12mm, rộng 10 - 11mm, có cạnh lồi, mở thành 5 mảnh van. Hạt dẹp, có góc.
Cây của Ân Độ, nhập trồng làm rau ăn và lấy sợi. Thu hái rễ và lá vào mùa hè; thu hạt vào mùa thu khi quả chín, phơi khô.
Lá đay chứa một glucosid gọi là capsulin, một hoạt chất đắng và bổ, tác dụng lên tim như digitalin của cây dương địa hoàng. hạt chứa một chất đắng là corchorin và 2 glucosid digitalin là corchoroside a và corchoroside b, tác dụng tương tự như digitalin đối với tim.
Đay có vị đắng, tính nóng có độc, có tác dụng tiêu viêm, cầm máu, giải nắng nóng. hạt đay có vị đắng, tính nóng, có độc, có tác dụng hoạt huyết, trợ tim. ở ân độ, nước hãm lá được xem như làm nhầy, lợi tiêu hoá, nhuận tràng, lợi trung tiện, kích thích, gây cảm giác ngon miệng như một chất bổ đắng.
Thường dùng 1. Đề phòng say nắng và sốt do say nắng, 2. Lỵ; 3. Ho ra máu, nôn ra máu; 4. Ngộ độc cá thối. Dùng 15 - 30g dạng Thuốc sắc. Kỵ thai. Hạt dùng khi bị sài uốn ván, vô kinh, kinh nguyệt không đều. Liều dùng 10 - 15g, dạng Thuốc sắc. Ở Ân Độ, nước hãm lá dùng trị lỵ, sốt, khó tiêu và rối loạn của gan; nước sắc rễ và quả chưa chín dùng trị ỉa chảy.
Chủ đề liên quan:
cây thuốc tiêu viêm