Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng rõ ràng bệnh vẩy nến đã gây nên ảnh hưởng xấu đến vẻ đẹp thẩm mỹ và gây cảm giác khó chịu cho người mắc bệnh. Với những bệnh nhân bị vẩy nến, thông thường bệnh thường bắt đầu bằng hiện tượng các tế bào da chết cứ dày lên, tiếp sau là bong vẩy trên những vùng cơ thể.
Theo thời gian các đốm vẩy ngày càng xuất hiện nhiều trên da. Vì thế bệnh còn có tên gọi khác là bệnh vẩy cá. Thường thì các vẩy bong ra tập trung nhiều ở khu vực da đầu, đầu gối, khuỷu tay, phần trên của thân.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vẩy nến lan xuống cả ở móng tay và móng chân. Ở những vị trí này, các vẩy trở nên dày hơn, sần sùi và không màu và có khi chỉ phát triển ở một vùng, nhưng cũng có thể lan rộng ra khắp toàn thân người bệnh.
Tắm biển/ tắm nước muối là một trong những cách điều trị bệnh vẩy nến hiệu quả. (Ảnh minh họa) |
Những bí mật nên biết về bệnh vẩy nến
Được xếp vào danh mục những chứng bệnh mãn tính cho nên mọi nỗ lực chữa trị cho bệnh nhân bị vẩy nến hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc khống chế và kiểm soát bệnh. Chứng bệnh này thường không “phân biệt” bất cứ đối tượng và độ tuổi nào, vì vậy nên dù bạn là nam giới, nữ giới, ít tuổi hay cao tuổi đều có thể mắc bệnh. Điều cần chú ý là bệnh vẩy nến chỉ thường “gõ cửa” tìm đến khi hệ miễn dịch cơ thể bạn đang suy giảm hay các tế bào da phát triển bất bình thường.
Có từ 2-3 % dân số trên toàn thế giới bị bệnh vẩy nến tấn công. |
Do là bệnh mãn tính nên việc điều trị vẩy nến đòi hỏi sự kiên trì cao độ và bài bản ở cả người bệnh và thầy thuốc chữa trị. Khi có nghi ngờ mắc bệnh, điều bạn nên làm đầu tiên là hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu thay vì nghe lời mách bảo chữa trị bằng các phương thuốc dân gian chỉ tổ làm cho bệnh dễ bị nhiễm trùng biến chứng.
Sau khi thăm khám, bác sĩ da liễu sẽ kê cho bạn những loại thuốc giúp giảm triệu chứng ngứa, bong vẩy, mẩn đỏ… Thuốc đặc trị cân nhắc cho các trường hợp nặng: biến chứng khớp, vảy nến mủ, đỏ da toàn thân...
Có thể kể đến như thuốc ức chế sự hình thành quá trình miễn dịch (Cyclosporin...); thuốc ức chế sự tân sinh (Methotrexate...); thuốc chứa chất vitamin A axit (Tigason, Soriatane)... dùng cho trường hợp vảy nến kháng trị hoặc vảy nến mủ. Tuy khá hiệu quả nhưng những loại thuốc này lại thường gây tác dụng phụ, nghiêm trọng nhất là gây quái thai nếu người dùng đang mang thai.
Ngoài thuốc uống, các bác sĩ chuyên khoa có thể kê toa cho bạn thuốc dạng mỡ hay tinh dầu để thoa lên vùng da nhiễm bệnh. Tuy đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng nó sẽ nhanh chóng giúp bạn dễ chịu khi làm mềm vùng da bị vẩy nến. Khi chọn thuốc mỡ thoa bạn nên chọn loại có chứa vitamin D3, hắc ín, fluocinonide, corticosteroids và retinoids để có thể mang đi những tế bào da khô và làm giảm viêm nhiễm.
Đối với những bệnh nhân bị vẩy nến dai dẳng hoặc người có diện tích da bệnh rộng (hơn 40% diện tích cơ thể) các bác sĩ có thể chỉ định cho điều trị bằng phương pháp quang và quang hóa. Bệnh nhân sẽ được chiếu tia cực tím A sau khi uống psoralen (gọi là PUVA liệu pháp) hoặc phối hợp uống chất retinoid với liệu pháp PUVA hoặc phối hợp thoa hắc ín với chiếu tia B hoặc chiếu tia cực tím B (UVB) đơn độc.
Với phương pháp trên, người có tiền căn nhạy cảm ánh sáng, đục thuỷ tinh thể, suy gan thận, có các bệnh gắn liền với nguy cơ ung thư da, có các bệnh mà phơi nắng sẽ làm nặng thêm như bệnh lupus ban đỏ, porphyrie hoặc trẻ em dưới 12 tuổi đều không được chỉ định.
Song song với việc dùng thuốc, người bệnh sẽ nhận được những tư vấn xây dựng được chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp từ các bác sĩ chữa trị. Chế độ sinh hoạt và ăn uống thường ảnh hưởng tích cực đến tình trạng bệnh. Một chế độ ăn uống giàu axit béo có nguồn gốc từ cá, dầu cá, các loại hạt sẽ có lợi trong trường hợp này. Một chế độ ăn kiêng và ăn chay khoa học cũng mang lại những hiệu quả tích cực cho bệnh nhân mắc chứng bệnh vẩy nến.
Mẹo hay mách bạn trị bệnh vẩy nến
1. Tắm nước muối/ tắm biển/tắm nắng
Tắm biển không những đem lại cho bạn cảm giác thư giãn, thoải mái mà với bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến đây còn là một cách để “vệ sinh” da hiệu quả. Nhưng nếu không có điều kiện để tắm biển thường xuyên thì bạn vẫn có thể tự vệ sinh da cho bản thân bằng cách ngâm mình trong nước ấm cùng với muối Epsom, sau đó thoa dầu ô liu lên vùng da bị vảy nến cũng đem lại hiệu quả không thua gì tắm nước biển.
Cũng là tắm nhưng phương pháp tắm không phụ thuộc vào nước như tắm nắng sớm tỏ ra khá hiệu quả đối với bệnh nhân bị vẩy nến. Không giống như nhiều người vẫn tưởng, người bị vẩy nến rất cần những buổi tắm nắng và chỉ nên tắm vào buổi sáng. Vì vào sáng sớm ánh nắng mặt trời chứa một lượng vitamin D sẽ giúp làn da người bệnh thêm khỏe khoắn để chống chọi lại căn bệnh.
2. Ăn và uống
Ngoài những biện pháp tắm như trên, để có thể kiểm soát được bệnh, người bệnh nên hạn chế thu nạp những thức ăn khó tiêu hóa, mỡ động vật, đồ ăn nhiều đường… và cần khống chế cân nặng vì tăng cân sẽ khiến cho tình trạng bệnh càng trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra phương pháp dùng mướp đắng đun sắc nước uống hàng ngày cũng là một cách hữu hiệu để bạn “kiếm soát” tình hình.
3. Thoa và đắp
Để giảm bớt cảm giác khó chịu và nhanh chóng kiểm soát được bệnh vẩy nến, ngoài những thuốc thoa do bác sĩ chỉ định dùng, người bệnh có thể thoa tinh dầu tỏi hoặc gel lô hội lên vùng da nhiễm bệnh trong vòng nữa giờ sau đó rửa sạch lại. Cách này sẽ giúp da mềm hơn và hạn chế tình trạng bong vẩy.
Phương pháp dùng lá bắp cải rửa sạch, giã lấy nước, dùng bông gạc đắp lên vùng da bị vảy nến hay dùng dấm rượu táo pha lẫn với nước, tiếp đó dùng gạc thấm hỗn hợp đắp lên vùng da bị vảy nến… cũng rất hiệu quả trong việc giảm tình trạng bong vẩy và khó chịu cho vùng da nhiễm bệnh.
Thu Hà
Chủ đề liên quan: