Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Để sỏi tiết niệu không gây họa

(SKGĐ) Phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao bị sỏi tiết niệu vì sự thay đổi hormone và tình trạng loãng xương.

Sỏi tiết niệu - dễ để ủ bệnh lâu

Ths, BS. Trần Anh Tuấn, Khoa Ngoại, Bệnh viện K cho biết sỏi tiết niệu thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp hay tắc nghẽn, do đó những vị trí có sỏi thường là thận, niệu quản dưới hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo.

Theo ước tính Việt Nam có 3% dân số (2,5 triệu người) mắc sỏi tiết niệu và có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh hay xảy ra ở người lớn và thường có tiền sử bệnh lâu dài qua nhiều năm.

Ở tuổi dưới 40, sỏi tiết niệu gặp ở nam nhiều hơn nữ. Nhưng phụ nữ càng lớn tuổi thì số người bị bệnh này càng cao là vì quá trình loãng xương gia tăng gây lắng đọng canxi.

Ảnh minh họa

Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn đầu, sỏi tiết niệu không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện không rõ ràng đa phần đau lưng nên dễ nhầm bệnh khác chỉ khi đau dữ dội cấp tính mới nhập viện thì hầu hết đã ở trong tình trạng bệnh rất nặng, có người mang bệnh đã 10-20 năm, không ít người đã bị các biến chứng nặng nề như thận mủ, thận câm...

Bệnh dễ gây ra tắc nghẽn đường tiểu và từ đó gây nên hiện tượng nhiễm khuẩn tiểu, tắc niệu quản gây ứ nước, thận căng to, nặng hơn gây viêm bàng quang, viêm đài bể thận...

Đặc biệt nguy hiểm là sỏi tiết niệu thường gây biến chứng đái máu đại thể, nhiễm khuẩn tiết niệu, có thể nhiễm khuẩn huyết; thận ứ nước, ứ mủ và nhất là suy thận cấp, suy thận mạn, gây biến chứng tăng huyết áp... và tử vong.

Để nhận biết sớm sỏi, bác sĩ Trần Anh Tuấn khuyên người dân nên cẩn thận với 2 biểu hiện:

- Đau cấp tính: Điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động. Vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau là đau dữ dội từng cơn đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau.

- Đau mạn tính: Bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.

Ngoài ra, có thể gặp các biểu hiện khác như đái ra máu, đái ra sỏi, đái buốt, đái dắt, sốt...

Lời khuyên để giảm bệnh sỏi tiết niệu

Để phòng tránh bệnh, Ths, BS. Trần Anh Tuấn khuyên:

- Uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao. Lượng nước có thể dao động 2-3l/ngày.

- Không bổ sung canxi tùy tiện: Các sản phẩm có canxi rất tốt cho sức khỏe. Nhưng những đối tượng có nguy cơ bị sỏi thì việc bổ sung thừa canxi càng thêm nguy.

- Không nhịn tiểu: Nhịn tiểu khiến các chất cặn bã được giữ lại trong cơ thể tạo cơ hội vón cục lại.

Hà Tường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/de-soi-tiet-nieu-khong-gay-hoa-18425/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY