Địa du còn có tên khác là ngọc trát, ngọc xị, ngọc cố, tạc táo, toan giả. Địa du là rễ khô của cây địa du (Sanguisorba officinalis L.) hoặc địa du lá dài (Sanguisorba officinalis var longifolia (Bert.), họ hoa hồng (Rosaceae).
Về thành phần hóa học,
địa du chủ yếu chứa tannin, saponosid, flavon... Theo Đông y,
địa du vị đắng, tính hơi hàn; vào các kinh can và đại tràng. Có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, giải độc, liễm sang. Chữa các chứng chảy máu: chảy máu cam, chảy máu chân răng huyết, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu, lở loét ngoài da, nhọt độc. Liều dùng: 6 - 20g. Nếu để cầm máu, nên thán sao; chữa bỏng, nên dùng sống.
Một số cách dùng địa du trị bệnh: Lương huyết, cầm máu: trị các chứng ra máu, thấp nhiệt đại tiện ra máu, phụ nữ huyết nhiệt băng huyết.
Bài 1: Thang địa du cam thảo: địa du 20g, cam thảo 6g. Sắc uống. Trị đại tiểu tiện ra máu.
Bài 2: Bột địa du: địa du 12g, rễ thiến thảo 12g, hoàng cầm 8g, hoàng liên 6g, phục linh 16g, sơn chi 8g. Sắc uống hoặc làm Thu*c bột để uống. Trị lỵ do thấp nhiệt.
Bài 3: thán
địa du 30g, hạn liên thảo 63g. Sắc nước uống. Trị băng huyết, đại tiện ra máu.
Bài 4: địa du 20g, thương truật 40g. Sắc uống khi đói. Trị đại tiện ra máu gây ngứa.
Bài 5: địa du sao 12g, bạch mao căn 40g, sinh cam thảo 8g, bách thảo sương 8g. Sắc uống trong ngày. Trị ho ra máu do lao phổi.
Thẩm thấp, chỉ đới: Bài 1: Cao địa du: địa du 120g, giấm gạo 200ml, thêm nước, sắc, bỏ bã cô đặc. Mỗi lần uống 1 - 2 thìa canh, ngày 2 lần (sáng sớm và chiều tối). Trị rong kinh, xích bạch đới không dứt làm người hao gầy, da xấu.
Bài 2: Hoàn địa du: địa du 16g, đương quy 12g, a giao 12g, hoàng liên 6g, kha tử nhục 12g, mộc hương 6g, ô mai 12g. Nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 lần hoặc sắc uống. Trị khí hư lâu ngày không hết, lỵ ra máu.
Mát huyết, trị chấn thương: Dùng khi bỏng, còn dùng khi bị côn trùng, thú cắn.
Bài 1: địa du, hoàng bá liều lượng bằng nhau sắc đặc thành cao, bôi vào chỗ bỏng.
Bài 2: nước sắc đặc
địa du, rửa 2 - 3 lần trong ngày. Dùng cho trẻ em bị chàm.
Kiêng kỵ: Người hư hàn và ứ huyết không được dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang