Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Điểm mặt 5 loại bệnh phổ biến vào mùa thu, người cao tuổi cần chú ý để tránh mắc phải

Mùa thu với đặc điểm “sáng hanh khô, tối ẩm ướt” được xem là điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn sinh sôi và gây ra bệnh. Theo đó, có 5 loại bệnh thường diễn ra phổ biến vào mùa thu, mọi người, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, cần chú ý sức khoẻ để tránh mắc phải.

1. Các bệnh lý tim mạch

Thật bất ngờ khi yếu tố thời tiết của mùa thu cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tim mạch của chúng ta, đặc biệt là với nhóm người cao tuổi. 

Theo đó, thời tiết mùa thu thường thay đổi đột ngột từ hanh khô buổi sáng thành ẩm ướt vào chiều tối (do mưa giông hoặc sương), điều này có thể khiến cơ thể không thích nghi kịp, và làm quá tải hệ thống tim mạch bằng cách tăng áp lực lên các mao mạch - gây ra tình trạng tăng/ tụt huyết áp bất thường. Chưa kể đến với đặc điểm thời tiết “khó chiều” của mùa thu, chúng ta cũng sẽ dễ bị mất nước và các chất điện giải. Và khi không được bổ sung liên tục cũng sẽ ảnh hưởng tới huyết áp và nhịp tim chúng ta.

Trong khi đó, người cao tuổi luôn là nhóm người dễ mắc bệnh tim mạch nhất do sự lão hoá các chức năng trong cơ thể. Nếu không chú ý để tránh mắc bệnh thì sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng sức khoẻ. Nhẹ thì bủn rủn tay chân, tim đập nhanh, mệt mỏi,... do tình trạng mất nước và tăng/ tụt huyết áp đột ngột. Nặng thì có thể dẫn đến đau tim, truỵ tim mạch hoặc đột quỵ. 

2. Các bệnh truyền nhiễm

Bệnh truyền nhiễm là dạng bệnh lây lan giữa người và người (cách thức lây phổ biến nhất là qua đường hô hấp) mà tác nhân gây ra thường là các virus/ vi khuẩn ở trong không khí. Chẳng hạn như: sốt, cúm mùa, cảm lạnh, viêm họng, sổ mũi,... Đây được xem là những bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra vào mùa thu. Bệnh có khả nặnng tạo thành dịch lớn nếu không có sự kiểm soát kịp thời và đúng đăng.

Khi mắc bệnh, biểu hiện đầu thường thấy là nhức đầu, đau mình mẩy, sốt, ho và mệt mỏi. Bệnh gây ảnh hưởng lên đường hô hấp trên và dưới, thông thường bệnh diễn biến tự khỏi. Song, đối với nhóm đối tượng nguy cơ như người cao tuổi (khi hệ miễn dịch và đề kháng dần suy yếu do lão hoá) thì cần chăm sóc và giám sát kỹ lưỡng hơn, do có thể mắc nhiều biến chứng nặng, nguy hiểm nhất là viêm phổi do vi khuẩn và suy đa tạng.

Vì vậy, một trong những cách giúp phòng ngừa hiệu quả các căn bệnh truyền nhiễm trên chính là tiêm vaccine. Nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho các thành viên trong gia đình theo đúng lịch nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Đối với nhóm người cao tuổi, việc tiêm phòng đầy đủ là rất quan trọng. Việc tiêm nhắc hoặc tiêm đủ liều, đúng lịch sẽ giúp hệ miễn dịch người cao tuổi tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm (Ảnh: Internet)

3. Các bệnh dị ứng do thời tiết thất thường

Tiết trời hanh khô vào ban ngày nhưng ẩm ướt vào chiều tối trong mùa thu được xem là điều kiện lý tưởng nhất cho các vi khuẩn, virus trong không khí được sinh sôi và phát triển. Đồng thời cũng làm tăng sự xuất hiện của các dị nguyên có thể gây dị ứng như: phấn hoa, bụi bẩn, lông súc vật, khói,… Khi các dị nguyên và vi khuẩn/ virus bám lên da và xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra các bệnh dị ứng như: viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc,... Các y, bác sĩ thường gọi chung cho tình trạng này là dị ứng thời tiết, tức là thời tiết thay đột ngột đổi khiến cơ thể nhạy cảm hơn, làm chúng ta dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với các dị nguyên hơn bình thường.

Dị ứng thời tiết có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng, nhưng dễ gặp hơn ở người cao tuổi. Bệnh thường có những triệu chứng điển hình như: phát ban, nổi mề đay khắp người, ngứa nặng khi tiếp xúc đột ngột với thời tiết nóng hoặc lạnh,.... 

Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều có mức độ nhẹ, nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ khiến cơ thể luôn bị mệt mỏi, uể oải - tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn với người già vì họ là những đối tượng thường bị mất ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, dị ứng thời tiết có thể tự thuyên giảm nhưng nếu đề kháng kém, bệnh cũng có khả năng tiến triển mãn tính, dai dẳng ngay cả khi điều trị tích cực. 

4. Rối loạn tiêu hoá

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh phổ biến mà người cao tuổi dễ mắc nhất trong mùa thu. Nghe có vẻ không liên quan nhưng thời tiết cũng có thể tác động đến sức đề kháng, cũng như quá trình trao đổi chất trong cơ thể của chúng ta. Thời tiết thất thường khiến các chức năng này hoạt động kém hơn, mà trong khi đó, tình trạng lão hoá vốn đã làm cho sức đề kháng cũng như việc tiêu hoá, hấp thu chất của người cao tuổi bị suy giảm đi phần nào.

Ngoài ra, thời tiết thất thường cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và yếu tố vệ sinh của thực phẩm. Điều này cũng có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm, xuất hiện tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải ở người cao tuổi.

Người cao tuổi thường rất dễ gặp vấn đề về đường tiêu hóa. Vì vậy, cần chủ động bảo vệ sức khoẻ của mình, ăn uống lành mạnh để tránh mắc bệnh. Do nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiết niệu, nội tiết, tim mạch rất cao (Ảnh: Internet)

5. Các bệnh xương khớp

Lão hoá ở người cao tuổi khiến hệ thống xương khớp không còn được linh hoạt như trước, một số người còn có thể mắc bệnh xương khớp, phổ biến nhất là loãng xương và thoái hoá khớp - làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sinh hoạt. Khi gặp thời tiết thất thường, “trái gió trở trời” thì nguy cơ mắc bệnh hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh ở người già cũng sẽ tăng cao hơn.

Loãng xương ở người già rất nguy hiểm, vì chỉ cần một lực tác động mạnh như: ngã, gập chân, trượt chân,... thì sẽ xuất hiện nguy cơ gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay. Trong khi đó, người già thường đi đứng chậm chập, vụng về và dễ vấp ngã hơn. Trong khi đó, thoái hóa khớp có thể dẫn đến sụn khớp bị phá hủy hoàn toàn và đầu xương bị tổn hại nghiêm trọng, người bệnh đứng trước nguy cơ phải thay khớp nhân tạo để có thể duy trì khả năng vận động. Có rất nhiều bệnh lý cơ xương khớp mà hậu quả nặng nề nhất là gây tàn phế cho người bệnh.

Để hạn chế đau nhức xương khớp trong mùa thu, người cao tuổi nên chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin D và canxi để tăng cường sức khoẻ xương khớp. Ngoài ra, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết đột ngột thay đổi, và hãy điều chỉnh mức độ tập luyện sao cho phù hợp thể trạng của bản thân (Ảnh: Internet)

So với người trẻ, hệ miễn dịch và đề kháng của người cao tuổi có phần kém hơn, vì thế khi bước vào mùa thu với thời tiết hay thay đổi đột ngột, họ rất dễ mắc bệnh - cụ thể là với 5 bệnh kể trên. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, người cao tuổi cần chủ động bảo vệ sức khoẻ của mình bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động thường xuyên để nâng cao sức khoẻ. Đồng thời nên thăm khám định kỳ để nắm bắt chính xác tình trạng sức khoẻ của mình.

Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/diem-mat-5-loai-benh-pho-bien-vao-mua-thu-nguoi-cao-tuoi-can-chu-y-de-tranh-mac-phai-36075/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY