Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể, nếu như chúng ta không bao giờ rơi nước mắt?

Khóc được xem là một hành động rất phổ biến của cơ thể, thường xảy ra bởi nhiều lý do khác nhau. Dưới góc nhìn y khoa, việc khóc - hoặc chảy nước mắt có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta không bao giờ rơi nước mắt

Trên thực tế, đôi mắt không thể tự tạo ra nước mắt, mà được tạo bởi tuyến lệ nằm sâu bên trong, tuyến lệ sản sinh ra nước và trải rộng khắp nhãn cầu, chảy vào ống lệ thông với đôi mắt hoặc chảy xuống mũi rồi tràn ra ngoài.

Nước mắt của chúng ta có 3 loại khác nhau, bao gồm: nước mắt cơ bản (Basal) -  giúp đôi mắt ẩm ướt, nước mắt phản xạ (Reflex) - thường xuất hiện khi mắt bị tác động từ bên ngoài như khói bụi và nước mắt tâm lý (Psychic) - thường rơi dựa theo cảm xúc.

3 loại nước mắt này đều vô cùng quan trọng đối với cơ thể và sức khoẻ của chúng ta. Theo đó, nước mắt tâm lý được xem là mang đến nhiều lợi ích nhất. Không chỉ tạo ra những thay đổi về thần kinh và nội tiết, góp phần giúp cảm thấy bình tĩnh, bớt căng thẳng hơn, nó còn giúp kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, cải thiện tâm trạng. Thâm chí, các loại hoocmon có tác dụng giúp vui vẻ, xoa dịu như endorphin và oxytocin cũng sẽ được tiết ra khi chảy nước mắt tâm lý. 

Trong khi đó, rơi nước mắt cơ bản hoặc phản xạ thì sẽ giúp tạo độ ẩm cho giác mạc liên tục, hạn chế nguy cơ mắt bị khô cũng như giúp rửa sạch bụi bẩn và vi khuẩn bám vào mắt.

Một điều thú vị khác đó là khóc còn giúp chúng ta giảm cân và thải độc, nhờ vào khả năng làm giảm nồng độ cortisol - một loại hormone gây căng thẳng có liên quan đến việc tích tụ chất béo trên cơ thể và giúp loại bỏ các chất độc hại trong cơ thể (Ảnh: Internet) 

Những tác hại của việc không bao giờ rơi nước mắt

Các nhà khoa học lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khóc - hoặc rơi nước mắt bằng cách nói về những tác hại đối với sức khoẻ của việc “không thể rơi nước mắt” gây ra, cụ thể như:

- Gia tăng sự đau đớn: Có thể bao gồm đau đớn ở cả dạng thể chất và tinh thần. Ví dụ, khi cơ thể ta bị đau do va chạm, hoặc quá căng thẳng, chảy nước mắt sẽ giúp giải phóng oxytocin (hoocmon tình yêu tạo cảm giác vui vẻ) và opioid nội sinh (liều thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể) để xoa dịu đi những hiện tượng này. Do đó, nếu không thể khóc ra, sự đau đớn sẽ bị tích tụ và gia tăng nhiều hơn gây hại đến sức khoẻ.

- Tích tụ vi khuẩn: Trong nước mắt có chứa lysozyme - môt loại enzyme giúp kháng viêm, làm sạch và tiêu diệt vi khuẩn nhờ vào khả năng phá hủy màng tế bào của vi khuẩn bám trong cơ thể. Vì thế, nếu không thể khóc hay rơi nước mắt, vi khuẩn không bị tiêu diệt sẽ ngày càng tích tụ nhiều hơn, đặc biệt là ở các cơ quan đường hô hấp, gây tình trạng viêm họng, sổ mũi,...

- Hạn chế tầm nhìn: Về bản chất, nước mắt sẽ được tiết ra mỗi khi ta chớp mắt, giúp giữ ẩm cho mắt và ngăn màng nhầy không bị khô. Ngoài ra khi rơi nước mắt, tác dụng bôi trơn của nước sẽ giúp ta nhìn rõ hơn. Vì vậy, lâu ngày không rơi nước mắt kể cả dạng sinh lý hay tâm lý đều rất gây hại cho sức khoẻ của mắt nói chung và làm hạn chế tầm nhìn của chúng ta nói riêng.

Bên cạnh đó, nếu không thể khóc ngay cả khi cảm xúc đang trào dâng hoặc khi có tâm trạng, nó sẽ khiến thần kinh của chúng ta bị căng thẳng hơn, có thể kéo dài và dẫn đến việc dễ cáu gắt, mất ngủ, mắc các bệnh lý chuyển hoá như huyết áp cao, tăng cholesterol,... hoặc tim mạch và nhiều bệnh tật mãn tính khác.

Đối với sức khoẻ của mắt, việc không thể rơi nước mắt hoặc tuyến lệ không hoạt động có thể khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ như:

- Viêm kết mạc, viêm giác mạc

- Suy giảm thị lực 

- Tăng nhãn áp

- Đục thủy tinh thể

- Mù lòa. 

Không thể rơi nước mắt có thể khiến lớp màng mỏng của nhãn cầu và mí mắt (được gọi là kết mạc) sẽ khô, dày lên và nhăn nheo, tầm nhìn trở nên mờ và giác mạc sẽ hóa lỏng gây mù loà (Ảnh: Internet)

Những nguyên nhân nào khiến ta không thể rơi nước mắt?

Trên thực tế, có những người không thể khóc chỉ đơn giản là do khả năng điều tiết nước mắt của cơ thể họ đang gặp vấn đề, hoặc bởi nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như:

- Hội chứng khô mắt: Hay còn gọi với tên Dry Eye Syndrome - hội chứng này có liên quan đến việc giảm sản xuất nước mắt. Thường xảy ra ở các đối tượng như: phụ nữ mang thai hoặc có những thay đổi hormone liên quan đến thời kỳ mãn kinh, người mắc bệnh tiểu đường/ thấp khớp/ tuyến giáp, người hay sử dụng kính áp tròng, người bị viêm hoặc co thắt mí mắt.

- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ đó là làm giảm khả năng tiết nước mắt, bao gồm: thuốc tránh thai, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc kháng histamin hoặc thuốc thông mũi, thuốc huyết áp,...

- Viêm nhãn cầu: Nếu không thể chảy nước mắt khi mắt bị khô, hắt xì hoặc ngáp, rất có thể cơ thể đang mắc phải viêm nhãn cầu, chủ yếu là do thiếu vitamin A.

Nên cung cấp nhiều thực phẩm chứa vitamin A, hoặc omega-3 để cung cấp dinh dưỡng cho mắt (Ảnh: Internet)

- Kìm nén cảm xúc thành thói quen: Có một số người gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, vì vậy họ thường đối phó bằng cách kìm nén mọi cảm xúc lại. Ban đầu là do chủ ý, nhưng dần dần theo thời gian sẽ tự động trở thành một thói quen. Do đó, về mặt tâm lý họ vẫn cảm nhận được là mình đang khóc, nhưng nước mắt sẽ không chảy ra được.

Đừng kìm nén việc khóc hay rơi nước mắt, vì có lẽ nó sẽ  là một trong những cách tuyệt vời mà cơ thể chúng ta có thể làm để bộc lộ, và giải tỏa những căng thẳng mà chúng ta đang phải đối mặt. Mặt khác, hãy đi khám ngay nếu bạn không thể khóc, hoặc rơi những giọt nước mắt sinh lý dù bạn muốn và đã cố, vì nếu để lâu dần sẽ gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe. 

Xem thêm: 4 loại chảy máu bất thường ở phụ nữ, chị em nên biết rõ

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dieu-gi-se-xay-ra-voi-co-the-neu-nhu-chung-ta-khong-bao-gio-roi-nuoc-mat-35531/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY