Chữa thì không có, buông lại có
Vợ chồng chị Trần Thị Hương, đã ngoài 30, cưới nhau 5 năm vẫn chưa có mụn con. Anh chị đã nhiều vào Nam ra Bắc mong gặp thầy gặp thuốc nhưng không có kết quả. Nhiều lần chị đã xin nghỉ làm dài ngày chỉ để ở nhà lên kế hoạch “gặp chồng”. Chị thì phải dùng biện pháp kích trứng, còn anh lại có số lượng tinh trùng thấp.
Phải nói rằng hoàn cảnh của anh chị là “khó cả đôi” nên vợ chồng rất cảm thông với nhau. Nhưng âm thầm trong đầu mỗi người luôn bị áp lực tâm lý, bồn chồn, mong mỏi. Anh chị áp lực đến nỗi phải chuyển nơi ở chỗ làm để không ở gần bố mẹ nữa. Chị bảo “Phải đi xa, chứ ngày nào cũng nhìn thấy bố mẹ chồng, mình sốt ruột lắm, áp lực lắm”.
Ảnh minh họa |
Đến một ngày, chị quá mệt mỏi liền bảo chồng: “Hay chúng ta chia tay đi, em không muốn tiếp tục đến viện nữa”. Anh buồn lắm nhưng nhất quyết “Nếu lần này không được nữa thì chúng mình xin con nuôi, không cần cố”. Anh chị cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm với bố mẹ. Ông bà im lặng không nói gì. Được nửa tháng sau, ông bà chủ động gọi cho anh chị và bảo: “Ừ, nhà mình cũng đông cháu, nhiều con, anh chị có thể đón một đứa lên ở cùng. Vợ chồng ở với nhau cả đời chứ con cái lớn lên lại đi hết thôi”. Thế là chị gần như rũ bỏ được một phần mệt mỏi.
Anh chị thoải mái đi làm rồi lên lịch hưởng thụ riêng chứ không nặng nề tích cóp chữa bệnh, để dành cho con nữa. Niềm vui hiện rõ lên khuôn mặt anh chị. Chị tích cực lắc vòng, leo núi, đi chơi với đồng nghiệp và lại hăng say làm việc.
Một ngày, đồng nghiệp bảo: Dạo này nhìn Hương có vẻ tăng cân nhỉ, da dẻ lại đẹp hơn chứ, hay có bầu. Chị cười: Gớm chữa 5 năm rồi chả được, giờ buông lỏng thuốc men hơn thì làm sao có được. Kỳ kinh thì trễ rồi nhưng từ trước đến nay mình vẫn liên tục thế đấy. Mọi người bảo chị test thử, chị bảo: 5 năm ấy cả trăm lần thử rồi, có lần nào được đâu. Nhưng thế nào nhen nhúm trong lòng chị lại là một niềm tin, vậy là chị lén đi thử. Chiếc que thử hiện lên 2 vạch hồng, nước mắt chị tuôn rơi, chị đến ngay phòng khám kiểm tra. Kết quả chị đã có thai.
Bữa tiệc liên hoan của gia đình chị diễn ra ngay sau đó. 8 tháng sau một bé trai khỏe mạnh chào đời.
Quá trình điều trị vô sinh thường kéo dài nên không thể vội vàng
GS.TS Nguyễn Đức Vy, Nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam cho biết, quá trình điều trị vô sinh thường kéo dài, thông thường một chu kỳ điều trị có thể lên đến vài năm. Chi phí cho một lần điều trị lại khá tốn kém, nhiều người mất cả gia tài nhưng không phải ai cũng có may mắn sinh được đứa con theo ước nguyện.
Điều khó khăn nhất trong điều trị vô sinh là tâm lý của cả bệnh nhân và bác sĩ. Người đi chữa vô sinh thường rất sốt ruột. Họ cứ nghe ai nói chỗ này chỗ kia có bác sĩ, thầy lang mát tay là tìm đến, nếu vài tháng không có kết quả là bỏ đi tìm thầy thuốc khác.
Khi đến bác sĩ mới họ hoàn toàn xóa sạch mọi liên quan với bác sĩ cũ mà không hiểu điều trị vô sinh đòi hỏi người bác sĩ phải trao đổi cụ thể, chuyên sâu cho từng người bệnh, không chỉ về bệnh lý mà còn cả tâm lý. Hơn nữa, đặc điểm của chữa vô sinh không phải ngày một ngày hai là có kết quả mà nhiều khi cần quá trình kiên trì lâu dài.
Nhiều thầy nhiều thuốc gây nhiễu
Việc sốt ruột của nhiều cặp vợ chồng đã khiến họ điều trị một lúc nhiều thầy, nhiều thuốc cả Đông và Tây y. Nhiều người vì sợ bác sĩ tự ái nên đã nói dối, không dám thú nhận đã và đang dùng thuốc của người khác. Các loại thuốc này chưa phát huy tác dụng thì lại gặp thuốc kia, thế rồi chẳng thuốc nào kịp phát huy hết tác dụng.
Điều đáng ngại hơn là mỗi chuyên gia có thể đưa ra một phác đồ, một cách chữa chạy khác nhau. Chính vì thế có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm bởi sự tương tác thuốc. Do đó để điều trị vô sinh, bạn cần kiên trì một thầy một thuốc. Khi đến với thầy thuốc mới cần cho họ biết tiền sử điều trị của mình.
Đặc biệt, yếu tố tâm lý rất quan trọng trong điều trị vô sinh. Ở một phụ nữ bình thường nếu stress diễn ra thường xuyên cũng rất khó thụ thai, còn ở phụ nữ có "vấn đề về sinh nở" lại càng khó khăn hơn nếu họ không tự vượt qua được những áp lực từ bản thân, gia đình, xã hội…thì khó mà có kết quả được.
Để giải tỏa được sự sốt ruột, bạn phải giải tỏa cho chính mình trước. Hãy xem như con là phúc trời cho và đừng quá quan trọng suy nghĩ không con tức là không hạnh phúc. Hãy tháo bỏ những suy nghĩ này bằng việc tập trung cho cả những việc khác.
Bạn có biết? - Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam vào khoảng 10-15% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ. - Vợ chống chung sống với nhau liên tục 1 năm trở lên mà chưa có thai cần đi khám để tìm nguyên nhân. Cả hai vợ chồng cùng đi khám thì kết quả điều trị mới cao. - Điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thường cho kết quả cao (30-35% có thể thụ thai) nhưng để sinh nở “mẹ tròn con vuông” chỉ khoảng 20-25%. |
Thúy Nga
Chủ đề liên quan: