Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đột quỵ gây tử vong hàng đầu thế giới nhưng có thể ngăn ngừa bằng loại chất béo này

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng chế độ ăn với chất béo từ các nguồn thực vật thay vì từ thịt có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ.

Nghiên cứu quan sát sử dụng dữ liệu trong 27 năm từ hơn 117.000 chuyên gia y tế tại Mỹ. Các tác giả của nghiên cứu cho biết hôm 08 tháng 11 rằng những người ăn nhiều rau và chất béo không bão hòa đa trong các sản phẩm thực vật có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thấp hơn 12% so với những người ăn ít nhất.

Những người tham gia ăn nhiều chất béo động vật nhất, không bao gồm chất béo từ sữa, có nguy cơ đột quỵ cao hơn 16% so với những người ăn ít nhất.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng chế độ ăn với chất béo từ các nguồn thực vật thay vì từ thịt có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ.

Chất béo từ sữa không liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ. Những phát hiện này đang được trình bày tại phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) năm 2021.

Nhóm nghiên cứu do Fenglei Wang tại trường y Harvard's T.H. Chan School of Public Health, đã kêu gọi những thay đổi nhỏ đối với chế độ ăn uống để tạo ra tác động to lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ và khoảng 795.000 người trên khắp đất nước bị đột quỵ mỗi năm.

Khoảng 87% các ca đột quỵ xảy ra là đột quỵ do thiếu máu cục bộ khi dòng máu chảy qua động mạch cung cấp máu giàu oxy cho não bị tắc nghẽn. Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) và đột quỵ xuất huyết là các loại đột quỵ khác.

TIA, đôi khi được gọi là đột quỵ nhẹ, là dấu hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ trong tương lai và thường do cục máu đông gây ra. CDC lưu ý: “Mặc dù ngắn gọn nhưng TIA là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng sẽ không biến mất nếu không có trợ giúp y tế kịp thời”.

Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một động mạch trong não bị rò rỉ máu hoặc bị vỡ, làm tổn thương các tế bào não.\

Nên bổ sung chất béo thực vật vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Tại Mỹ, cứ 40 giây lại có một người bị đột quỵ và nguy cơ bị đột quỵ lần đầu ở người Da đen cao gần gấp đôi so với người Da trắng. Trong khi nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Cao huyết áp, hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường và cholesterol cao là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm lú lẫn đột ngột, đau đầu dữ dội, khó đi lại, khó nhìn và yếu hoặc tê ở mặt, cánh tay hoặc chân.

Cơ hội sống sót sau đột quỵ cao hơn khi tiến hành điều trị khẩn cấp nhanh chóng và mọi người nên gọi cấp cứu y tế ngay lập tức cùng hành động "F.A.S.T."

F.A.S.T là một chẩn đoán quan trọng đối với bệnh nhân đột quỵ, trong đó:

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Xem thêm:

7 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được WHO phê duyệt để sử dụng khẩn cấp

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dot-quy-gay-tu-vong-hang-dau-the-gioi-nhung-co-the-ngan-ngua-bang-loai-chat-beo-nay-32716/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY