Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đưa răng vào “khuôn khổ”

Niềng răng - Giải pháp thông dụng hiện nay để có hàm răng đẹp.

Nếu như trước đây ta thường bắt gặp những người “muôn năm cũ” với bộ răng “khểnh cả hàm” thì giờ đây hình ảnh đó trở nên hiếm gặp. Thay vào đó là nụ cười với niềng răng đủ loại. Nói thế để thấy, giờ đây việc “cái răng” được các bậc cha mẹ khá coi trọng từ khi con còn nhỏ. Thậm chí chỉ cần thấy con có nguy cơ hơi bị… tươi là đã tìm đến bác sĩ nha khoa để kiểm tra và có ngay giải pháp.

Gian nan… niềng răng

Niềng răng có thể rất đơn giản với người này nhưng lại là nỗi khó chịu của người khác. Thời gian đeo niềng răng dài hay ngăn còn tùy thuộc vào từng lứa tuổi, tình trạng răng và cả cơ địa của từng người. Nói chung, để thích nghi được với cái niềng trong một thời gian dài đâu có dễ, không ít người đã bỏ cuộc giữa chừng.

Chị Quỳnh Anh, làm việc tại một công ty tài chính chưa khi nào dám tự tin khi giao tiếp với hàm răng “nhấp nhô” nên đã quyết định đi niềng. Mang niềng răng đến cơ quan, mới đầu thấy ngại sau cũng quen. Nhưng riêng với khách hàng thì khó có thể quen bởi họ chỉ “soi” vào hàm răng của chị những khi giao dịch. Đã có nhiều pha khiến chị lúng túng và còn mất tự nhiên hơn lúc chưa niềng. Không những thế, cái niềng còn gây vướng víu, khó ăn uống, chỉ uống được sữa và ăn súp, vì chị không thể ngậm được miệng do hàm trên và dưới không khít. Chị đâm ra khó chịu, cáu kỉnh cả với khách hàng. Công việc bị ảnh hưởng lây, còn chị thì sút hai cân chỉ sau một tháng niềng răng. Suy đi tính lại, cuối cùng chị quyết định tháo niềng ra và đành chịu mất một khuản chi phí khá tốn kém. Nhưng đến giờ chị lại tiếc “giá như mình tìm hiểu kỹ và kiên trì hơn thì đã có hàm răng đẹp”. Chị đang “nung nấu” quyết tâm mang niềng trở lại để “đưa răng lợi vào khuôn khổ”.

Trường hợp của chị Đỗ Thị Hải (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) lại khác, chị kể: con trai mình 12 tuổi đang đeo niềng. Cháu bắt buộc phải đeo vì có một cái răng mọc ngầm, phải di chuyển các răng khác để lấy chỗ lôi cái răng ngầm lên. Mỗi lần dịch chuyển cháu đau vài ngày và hầu như không ăn được gì. Cháu khóc lóc phản đối suốt nhưng vì bác sĩ nói là phải làm nếu không sau này cái răng ngầm ấy sẽ phát triển và làm hỏng xương hàm. Sợ quá, nên chị bắt con không được bỏ cuộc

Những người đã niềng răng đều cho rằng: Làm niềng thì bao giờ cũng đẹp hơn, nhưng nếu thấy cần thiết thì làm, còn không thì thôi. Tốt nhất nên gặp bác sĩ tư vấn kỹ để khỏi bỡ ngỡ và nản chí khi mang niềng. Có người nhiều răng, mọc chen chúc thường phải nhổ và gọt rũa bớt. Nghe đến đó, không ít người sợ và “một đi không trở lại”.

Khi nào nên mang niềng răng?

Ở bất kỳ lứa tuổi nào có vấn đề về răng đều có thể chỉnh nha, nhưng tốt nhất vẫn là độ tuổi từ 10-14. Lúc này, xương răng, hàm, đầu đang trong quá trình phát triển hoàn chỉnh nên dễ nắn chúng thẳng hàng hơn.

Tuy nhiên, đây là lứa tuổi nhạy cảm, việc sửa đổi bề ngoài có thể gây ảnh hưởng về tinh thần, nên các bậc cha mẹ cần nói chuyện với con về vấn đề này, chuẩn bị tinh thần cho trẻ trước khi niềng răng.

Hiện nay không chỉ lứa tuổi này mang niềng răng, ngày càng nhiều người lớn mang niềng để chỉnh những khuyết điểm nhỏ mang lại nụ cười tự tin hơn.

Mang loại niềng răng nào?

Trong từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định mắc cài nào thích hợp, hoặc có thể tùy chọn mắc cài theo chất liệu khác nhau. Có 3 loại niềng phổ biến nhất: Loại có móc niềng nhỏ bằng kim loại hoặc nhựa dính liền với răng ít thấy. Loại niềng răng dính liền với phần trong của răng. Loại truyền thống là các nẹp kim loại bọc quanh răng và che hầu hết các răng. Tất cả các loại niềng răng đều dùng dây thép để dịch chuyển răng đến vị trí mong muốn.

Chăm sóc răng khi mang niềng

Khi niềng, nếu cần, bạn phải nhổ từ 1-4 chiếc răng để có chỗ cho khối răng phía trước lui về sau hoặc ngược lại. Sau khi gắn mắc cài, theo định kỳ, bác sĩ sẽ siết chỉnh răng cho bạn. Khi đó, hàm răng của bạn có thể bị ê ẩm hoặc đau một đến hai ngày rồi giảm dần và hết đau, không cần uống thuốc giảm đau hay nghỉ ngơi dài ngày. Nếu đau kéo dài bạn cần đi khám.

Ngoài ra, cần tránh các loại thức ăn có đường, giàu tinh bột vì chúng dễ sinh ra acid bám vào răng, niềng gây ra các bệnh về răng lợi cũng như làm hỏng dây thép, nẹp răng. Tránh các loại thức ăn cứng, nhai đá, tránh thở bằng miệng, mút ngón tay, cắn môi, lấy lưỡi đẩy răng, những thói quen không tốt đó có thể khiến răng trở nên yếu hơn và niềng răng dễ đứt, nhanh hỏng.

Do niềng răng có các khoảng trống nhỏ, nên sau mỗi bữa ăn, hãy đánh răng kỹ bằng kem đánh răng có chứa chất florua và bàn chải lông mịn. Súc miệng kỹ và soi răng để chắc chắn răng sạch. Cứ 6 tháng đi kiểm tra để được làm sạch răng, giúp cho lợi và răng được khỏe mạnh. Nếu răng không được làm sạch thường xuyên thì men có thể bị ố xung quanh các móc niềng nhỏ hoặc nẹp.

Mang niềng trong bao lâu?

Nếu bạn gặp sự cố về các kẽ răng hoặc khớp cắn thì việc điều trị càng phức tạp, và tuổi càng cao, thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn. Phần lớn các bệnh nhân mang niềng trong thời gian từ 1-2 năm, sau đó thì mang một cái hàm giữ răng trong vòng ít nhất là vài tháng đến hai năm (vào buổi tối và trước khi đi ngủ) nhằm cho các mô thịt chân răng kết cứng theo vị trí thích hợp. Một số bệnh nhân có thể phải mang hàm giữ răng vĩnh viễn.

Như vậy, niềng răng không đơn giản chỉ là đeo cái niềng và răng tự về vị trí mới mà đó là một quy trình chỉnh nha phức tạp đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao để sắp xếp, tái tạo hàm răng sao cho có đường lối, trật tự và khít hàm. Bỏ qua mọi khó chịu, vướng víu, kiên nhẫn “sống chung” với cái niềng là những tố chất bạn cần có để giúp nụ cười đẹp hơn và sức khỏe răng miệng tốt hơn.

Minh Quế

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dua-rang-vao-khuon-kho-22523/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY