Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Đừng biến Paracetamol thành kẻ thù

(SKGĐ) Paracetamol không cần toa, công dụng nhanh, dễ dùng nhưng đừng thấy chúng tốt mà lạm dụng.
Paracetamol - dùng nhiều sẽ nguy hiểm

TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, ngộ độc do thuốc giảm đau nói chung, đặc biệt do Paracetamol nói riêng đang có xu hướng gia tăng không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Nguyên nhân là do người bệnh có thể tự mua không cần theo đơn. Nhiều người xem thuốc này ít tác dụng phụ nên đã lạm dụng nó giảm đau một cách thái quá. Một số lại rất chủ quan không xem xét thành phần nên đã dùng cùng nhiều biệt dược có thành phần gây quá liều.

Dấu hiệu ngộ độc Paracetamol

Lúc đầu người bệnh không có triệu chứng gì, sau uống vài giờ thì xuất hiện buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi. 1-2 ngày sau có thể xuất hiện đau bụng, sờ thấy gan đau.

Khi vào cơ thể, 90% liều dùng được chuyển hoá ở gan thành các chất trung gian trong đó có độc tố N- acetyl benzoquinonimin - chất gây độc chủ yếu ở gan. Nó được thải trừ sau khi tiếp tục được chuyển hoá nhờ một chất khác trong gan là glutathione. Vì vậy, nếu uống trong phạm vi liều điều trị, hoặc người dùng không có vấn đề gì về gan thì quá trình giải độc này diễn ra suôn sẻ.

Như nếu uống quá liều, quá trình đó bị trở ngại do cơ thể không có đủ glutathione. Hậu quả là gan bị nhiễm độc. Suy gan sẽ tiến triển nặng nề trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6. Các triệu chứng gồm vàng da, hôn mê, tăng áp lực nội sọ, đông máu nội mạch rãi tác, chảy máu, tăng không khí, toan chuyển hoá, hạ đường máu, suy thận và dẫn tới tử vong. Hầu hết các bệnh nhân bị suy gan nặng (hôn mê gan) đều dẫn tới tử vong.

Để Paracetamol là bạn hiền

- Khi bạn không đau, không sốt trên 38,5 độ C thì không cần dùng thuốc có Paracetamol.

- Nếu bạn đang dùng nhiều biệt dược thì nên kiểm tra công thức thuốc, tránh trùng lặp thuốc có Paracetamol để tránh quá liều. Bạn nên nhớ hầu hết thuốc cảm cúm có thành phần này.

- Paracetamol có thể tương tác một số hóa chất gây nguy hiểm. Bởi vậy khi uống Paracetamol, không được uống các loại thức uống có ethanol (rượu, bia, kể cả rượu vang). Bạn cũng không nên uống cùng các thuốc chống co giật có chứa barbiturate, isoniazit, carbamazepin, phenyltoin.

- Những đối tượng được khuyên không dùng Paracetamol là: Người quá mẫn với paracetamol, người thiếu hụt men G6PD, người say rượu, người có bệnh tim mạch, phổi, thận, gan hoặc nhiều lần thiếu máu.

Linh An

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/dung-bien-paracetamol-thanh-ke-thu-17951/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY