Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đừng để chiếc giường êm ái hàng đêm trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của mạt bụi - vi sinh vật gây viêm đường hô hấp

Nếu thường xuyên bị hắt hơi, sổ mũi, đau họng… đã điều trị mãi nhưng vẫn không thuyên giảm, thì bạn nên xem lại chiếc giường ngủ của mình. Bởi nó có thể là nơi trú ngụ của mạt bụi - một loại vi sinh vật cực nhỏ nhưng có khả năng gây dị ứng đường hô hấp dẫn tới các bệnh như hen suyễn, viêm xoang...

Hiểu thêm về mạt bụi - vi sinh vật có thể đang ẩn náu trong chiếc giường nhà bạn

Mạt bụi là một loài sinh vật cực nhỏ (chỉ có 0.3mm), thuộc họ nhện, tồn tại ở khắp mọi nơi, trong môi trường có nhiệt độ từ 25-30 độ C và độ ẩm từ 75-85%. Thức ăn của chúng là các tế bào da chết, vảy gàu và mồ hôi... của con người. Vì vậy, các chuyên gia cho biết: giường ngủ, gối mền chính là nơi trú ngụ lý tưởng của mạt bụi. Cụ thể, mỗi chiếc giường chứa ít nhất khoảng 20 triệu con mạt bụi.

Mạt bụi có tên khoa học là Acarien (Pháp) hay House dust mite (Anh), thuộc lớp nhện, ngành chân khớp. Mạt bụi có hình trứng, hơi dài, thân có lông, có 8 chân gồm nhiều đốt. Thời gian sống trung bình của chúng là 3 tháng.

Mỗi ngày, một con mạt bụi sẽ thải ra 20 hạt phân rất nhỏ khuếch tán vào không khí. Khi hít phải phân mạt bụi, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể IgE để tiêu diệt chất gây dị ứng (dị nguyên) kích thích các tế bào giải phóng histamin gây nên phản ứng dị ứng. Nhẹ thì hắt hơi, sổ mũi, ngứa… nặng thì gây hen suyễn, viêm xoang. Đặc biệt, với những người đang mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, thì bệnh có thể trầm trọng hơn dẫn đến những cơn khò khè, khó thở, kích phát cơn hen, xung huyết mũi…

Mạt bụi gây hắt hơi, sổ mũi... thậm chí hen suyễn và viêm xoang...

Mách bạn 2 bí quyết hạn chế dị ứng do mạt bụi

Các chuyên gia cho biết, rất khó làm sạch hết mạt bụi trên giường ngủ, nhưng nếu là thường xuyên giữ giường ngủ và các vật dụng trên giường ít bám bụi nhất có thể thì bạn có thể hạn chế được tối thiểu các bệnh đường hô hấp do mạt bụi gây ra. Theo đó, bạn có thể thực hiện 2 bước sau:

1. Dùng khăn ướt lau sạch giường, sau đó giặt sạch khăn và phơi ngoài nắng tránh sự lây lan của mầm bệnh. Đối với chăn, đệm, vỏ gối, mỗi tối trước khi đi ngủ có thể dùng máy hút bụi. Nếu đang có tình trạng dị ứng nghiêm trọng, hãy tránh xa khu vực đang được hút bụi và đợi khoảng hai tiếng trước khi quay trở lại trong phòng. Trong trường hợp không có máy hút bụi, có thể dùng thanh lăn bụi lăn sạch để tránh hít phải mạt bụi khi ngủ.

2. Tháo hết tất cả những vật dụng trên giường như: ga, vỏ gối, vỏ chăn, mền cho vào máy giặt để giặt bằng chế độ nước nóng. Để tiêu diệt mạt bụi, các chuyên gia khuyến cáo nhiệt độ nước giặt phải là 54-60 độ. Đối với các loại vỏ gối bằng vải dễ hư hại ở nhiệt độ cao, bạn có thể bọc chúng lại và bỏ vào ngăn đá trong 24h. Nhiệt độ lạnh sẽ giúp tiêu diệt mạt bụi.

Ngoài ra, đừng quên giữ phòng ngủ luôn thông thoáng bằng cách thường xuyên mở cửa để ánh mặt trời chiếu vào, hạn chế khả năng sinh trưởng của mạt bụi. Song, hãy giảm độ ẩm trong phòng bằng máy hút ẩm. Các chuyên gia cho biết, để hạn chế mạt bụi sinh sôi và phát triển, độ ẩm trong phòng chỉ nên ở mức 50% - Đây là mức độ lý tưởng vừa hạn chế được ẩm mốc vừa hạn chế được vi sinh vật phát triển.

Mở cửa sổ để phòng ngủ luôn được thông thoáng, hạn chế khả năng sinh trưởng của mạt bụi.

Hy vọng những thông tin trên đây bạn sẽ biết được cách phòng ngừa mạt bụi. Từ đó có cách dọn dẹp giường ngủ để bảo vệ bản thân và những thành viên trong gia đình tránh khỏi viêm mũi dị ứng hay các bệnh về đường hô hấp khác do mạt bụi gây ra.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dung-de-chiec-giuong-em-ai-hang-dem-tro-thanh-noi-tru-ngu-ly-tuong-cua-mat-bui--vi-sinh-vat-gay-viem-duong-ho-hap-29936/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY