Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

“Đừng để quá muộn mới đi niềng răng”

“Niềng răng không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu bệnh lý răng miệng như viêm lợi, sâu răng, đau đầu, mỏi cơ hàm do sai khớp. Vì thế, đừng để quá muộn mới chăm sóc hàm răng của mình” - BS. Lê Thị Hải Châu - Tốt nghiệp chuyên ngành Răng Hàm Mặt tại học viện Y khoa Nga cho biết.

Niềng răng càng sớm càng tốt

Răng xấu, răng mọc lệch, răng hô hay bị sâu thường được hầu hết mọi người phát hiện khi còn nhỏ tuy nhiên đến khi trưởng thành, chúng ta mới quan tâm đến việc niềng răng.

Điều này không hề tốt vì theo BS. Lê Thị Hải Châu: “Việc niềng răng sớm từ khoảng 5-10 tuổi sẽ rút ngắn thời gian điều trị và hiệu quả thẩm mỹ về sau sẽ cao hơn”.

Trong giai đoạn từ 5-10 tuổi, phần xương hàm, xương khẩu cái vẫn đang phát triển, còn mềm nên việc tác động nong hay nắn hàm hay chỉnh để răng và hàm về đúng vị trí sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Chính vì quá trình thực hiện nhanh nên thời gian hoàn thành cũng sẽ được rút ngắn (kéo dài từ 6-10 tháng).

Hơn nữa, việc niềng răng ở giai đoạn này sẽ có thể được chỉ định sử dụng phương pháp niềng răng dạng tháo lắp, tiện lợi, vệ sinh và không gây quá nhiều đau đớn.

Ảnh minh họa

Hãy nhanh chóng niềng ngay khi có thể

Càng lớn, phần xương hàm của chúng ta sẽ càng cứng lại. Điều này phần nào sẽ gây khó khăn trong việc điều trị cũng như niềng răng, nẹp hàm.

Tuy nhiên, nếu đã bỏ lỡ giai đoạn “vàng” - tiền chỉnh nha trên thì hãy bắt đầu niềng răng ngay.

Giai đoạn 18-25 tuổi là thời điểm mà sức khỏe của chúng ta đang ở đỉnh cao, cùng với đó, khả năng chịu đau, phục hồi vết thương cũng tốt nhất.

Tuy nhiên, vì hàm đã có phần cứng hơn thời tiền chỉnh nha nên việc điều trị ở giai đoạn này sẽ lâu hơn (khoảng 1,5 năm) và bạn buộc phải sử dụng phương pháp niềng răng mắc cài.

Niềng răng trong giai đoạn này có thể khiến bạn cảm thấy đôi chút khó chịu và gặp cản trở trong việc ăn uống. Tuy nhiên ảnh hưởng này là không quá lớn.

Ảnh minh họa

25-30 tuổi: Vẫn có thể niềng răng nhưng sẽ rất vất vả và tốn kém

Càng lớn tuổi việc niềng răng sẽ càng khó khăn.

Độ tuổi 25 đến ngoài 30, xương hàm và nướu đã ổn định vững chắc, răng cũng là răng vĩnh viễn nên việc sắp xếp răng bị khấp khểnh, đẩy, kéo răng khít sát vào nhau, hay đưa hàm về đúng vị trí cần nhiều thời gian hơn.

Việc nong hàm ở giai đoạn này cũng khó hơn rất nhiều, vì thế hầu hết các bác sĩ sẽ chọn phương pháp nhổ răng để có chỗ trống nhằm kéo, đẩy - đưa răng về đúng vị trí.

Đây cũng là giai đoạn cơ thể bước vào giai đoạn lão hoá. Khả năng chịu đau, phục hồi vết thương cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Thời gian mà bệnh nhân đeo hàm cũng vì thế dài hơn từ 18-24 tháng hoặc lâu hơn tùy vào cấu trúc răng, xương hàm của mỗi người.

“Cái răng cái tóc là gốc con người” vì thế bạn hãy quan tâm đến hàm răng của mình khi còn nhỏ và việc niềng răng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao nhất.

Tiểu Bùi

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dung-de-qua-muon-moi-di-nieng-rang-23670/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY