Ảnh minh họa |
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại dung dịch rửa tay khô rất tiện lợi. Rất nhiều chị em phụ nữ luôn thủ sẵn chúng trong túi xách, vì chúng giúp họ có thể sát khuẩn làm sạch tay bất cứ chỗ nào mà không cần nước và xà phòng. Giá cả của các sản phẩm này cũng không đắt, có nhiều loại chỉ vài chục nghìn đồng một chai (có thể dùng cả tháng).
Nhìn chung, các dạng sản phẩm rửa tay sát khuẩn này đều có thành phần gồm: cồn, chất diệt khuẩn triclosan, hương liệu tạo mùi thơm và vài chất có tác dụng dưỡng da.
Ngoài ra trong một số dạng các chế phẩm này được giới thiệu là có chứa các thành phần tự nhiên được chiết xuất hoàn toàn bằng thảo dược như: tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, hoa hồi là các chất đã được chứng minh là có tác dụng sát trùng, lại thêm có mùi vị dễ chịu giúp khử mùi, thơm tay.
Dung dịch rửa tay khô - không hoàn toàn sạch
GS Ron Eccles, Trung tâm Phòng cúm, Đại học Cardiff (Hoa Kỳ), Mỹ cũng khẳng định, các loại gel rửa tay chỉ có hiệu quả khi chúng chứa cồn. Cồn sẽ phá hủy lớp vỏ bọc bảo vệ virus, làm cho chúng bị tê liệt và do đó ngăn ngừa bệnh phát triển.
Tuy nhiên Theo một nghiên cứu của TS. Rachel Orscheln, chuyên gia phòng bệnh lây nhiễm, tại Trường Y thuộc Đại học Washington, (St. Louis, Hoa Kỳ): Rửa tay với các loại nước rửa tay khô chứa cồn có tác dụng diệt khuẩn cực nhanh, nhưng lại không thể diệt sạch tất cả các loại khuẩn.
Mặt khác, với các vết bẩn hữu cơ trên tay thì các loại rửa tay khô không đủ tác dụng làm sạch. Các sản phẩm này hiệu quả cao trong việc diệt khuẩn và virus, nhưng chỉ khi các vi sinh vật này tiếp xúc trực tiếp với cồn. Nếu có quá nhiều vết bẩn trên tay, thì thành phần gel kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến các vi sinh vật nằm dưới những vết bẩn đó.
Dung dịch rửa tay khô - cẩn thận nhiễm khuẩn ngược
Hầu hết các dung dịch rửa tay khô đều chứa cồn nên nếu lạm dụng, bạn có thể bị tác dụng phụ từ cồn. Khi dùng thường xuyên, cồn làm khô da, tăng độ nứt nẻ, nhất là với người có làn da nhạy cảm. Khi da khô và nứt nẻ thì virus có cơ hội xâm nhập dễ dàng hơn.
Chính vì thế, TS. Rachel Orscheln khuyến cáo, tốt nhất không nên dùng nước rửa tay khô như một thói quen trong phòng tắm, bếp hay nhà vệ sinh, mà chỉ dùng như một giải pháp thay thế trong khi không có nước sạch rửa tay.
Hiền Hậu
Chủ đề liên quan: