Những ngày đầu lấy chồng, chị Bích Phương, nhân viên văn phòng ở Q.4, Tp.HCM luôn dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ (DDVSPN) để giữ vệ sinh và tránh các bệnh phụ khoa. Được hơn 2 tháng thì chị bắt đầu thấy “vùng kín” ngứa ngáy, khó chịu... Tại Bệnh viện Từ Dũ, chị P. được các bác sĩ chẩn đoán bị nấm Candida albican do lạm dụng thuốc rửa dành cho phụ nữ.
Ảnh minh họa |
Dung dịch vệ sinh phụ nữ, thắc mắc biết hỏi ai?
Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, chủ đề sử dụng DDVSPN đúng cách rất nhiều lần được đưa ra thảo luận. Nickname Hothudung chia sẻ: “Em thắc mắc mọi người thường ngày có dùng DDVSPN không. Em đang dùng D.H thấy cũng rất thích. Không biết dùng lâu ngày như thế có vấn đề gì không các mẹ nhỉ?”. Thành viên có tên Libra82 cùng chung thắc mắc: “Trước đây khi chưa lấy chồng thì em không dùng vì nghĩ chưa cần thiết. Bây giờ em cũng đang muốn hỏi các mẹ xem có nên sử dụng DDVSPN không? dùng thường xuyên hay thỉnh thoảng? Em nghe nói dùng nhiều không tốt nhưng không dùng lại rất sợ bị viêm nhiễm. Mong các mẹ giải đáp giúp em”.
Còn bạn Ốc luộc thì tâm sự: “Mình không dùng nước vệ sinh, chỉ thỉnh thoảng rửa bằng nước muối thôi còn đa số mình rửa nước lã. Các mẹ đã dùng nước vệ sinh thấy có cần thiết phải vậy không, mình cũng đang thắc mắc”.
Có chị lại kể rằng chị có cảm giác mình đã bị “lệ thuộc” vào những loại thuốc rửa này, không dùng lại có cảm giác chưa sạch. Tháng nào chị cũng phải mua một hộp để dùng. Có khi còn dùng thường xuyên hơn cả sữa tắm. Theo chị này thì DDVSPN chỉ đơn giản là thảo dược, dùng nhiều cũng không ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, thành viên có tên Mẹ Nấm băn khoăn: “Dạo này em càng ngày càng bị khô rát âm đạo mỗi lúc gần chồng. Không biết có phải một phần do thói quen dùng DDVSPN ngày 3,4 lần của em hay không?”.
Không chỉ trên internet, trong cuộc khảo sát nhỏ của Sức khỏe Gia đình, rất nhiều chị em ở độ tuổi từ 25 đến 35 cũng phân vân giữa việc nên hay không nên sử dụng DDVSPN, và tần suất sử dụng như thế nào thì được coi là hợp lí.
Dung dịch vệ sinh phụ nữ, có thật 100% thảo dược?
DDVSPN mọc lên như nấm sau mưa với hàng ngàn lời quảng cáo có cánh. Nhà thuốc, cửa hàng bách hóa tổng hợp, siêu thị, chợ… đâu đâu cũng thấy bày bán. Điểm chung của những loại dung dịch này là đều khẳng định sản phẩm của mình có chiết xuất từ 100% thảo dược thiên nhiên. Các ưu điểm được đưa ra như làm sạch nhẹ nhàng, phù hợp với sinh lý vùng kín, không làm ảnh hưởng và không làm thay đổi PH sinh lý âm đạo. Khử mùi hôi, giúp da và niêm mạc vùng kín luôn mềm mại và tươi nhuận, tạo cảm giác tự tin và hấp dẫn… khiến chị em như bị thôi miên.
Thế nhưng, theo bác sĩ sản phụ khoa Nguyễn Thị Mộng Loan, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, trong bất kì DDVSPN nào cũng có các hóa chất nên nếu dùng thường xuyên và liên tục nhiều lần trong ngày sẽ dẫn đến sự mất cân bằng độ pH tự nhiên trong âm đạo. Khi đó, những vi trùng có lợi sẽ bị diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho những vi trùng gây bệnh phát triển, người phụ nữ rất dễ mắc bệnh nấm Candida albican, viêm âm đạo do dị ứng, viêm âm đạo do tiếp xúc... Vì vậy, loại dung dịch đặc trưng này chỉ được khuyến khích sử dụng khi “đến tháng” và vệ sinh trước/sau khi quan hệ tình dục. Tuyệt đối không dùng thuốc rửa phụ khoa để vệ sinh các vùng khác trên cơ thể.
Bác sĩ Loan khuyên, mỗi lần vệ sinh “vùng kín” chỉ cần rửa bằng nước sạch hoặc xà bông diệt khuẩn có độ axit thấp là được. Nước đã đủ làm sạch mà không làm thay đổi môi trường vùng kín. Tuy nhiên, việc thụt rửa âm đạo bằng vòi xịt cũng không được khuyến khích cho dù đó là xịt nước sạch. Thụt rửa trong tình trạng viêm nhiễm âm hộ, âm đạo có thể gây nhiễm trùng ngược lan rộng, khiến tình trạng viêm nhiễm đang ở tại chỗ sẽ lây lan rộng, bệnh tình trầm trọng và khó chữa hơn.
Dung dịch vệ sinh phụ nữ - không thay thế thuốc chữa bệnh
Bác sĩ Loan nhấn mạnh, DDVSPN là loại nước rửa chuyên dùng cho vùng kín chứ không phải là một loại thuốc để điều trị bệnh vùng kín.
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 24 triệu phụ nữ độ tuổi từ 15-55. Theo một số thống kê về y tế có tới 70% số phụ nữ trên mắc bệnh phụ khoa. Số ca mắc bệnh phụ khoa hàng năm tăng từ 15-27%, phổ biến là các bệnh nhiễm nấm, nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung và cổ tử cung… |
Bộ phận sinh dục nữ có cấu tạo, vị trí và chức năng sinh lý đặc biệt, hơn nữa bài tiết của phân, nước tiểu hàng ngày khiến cho âm hộ luôn ẩm ướt, giảm sự tự tin hấp dẫn của phụ nữ, đồng thời tạo điều kiện cho vi trùng gây hại xâm nhập làm mất cân bằng sinh lý tự nhiên ở môi trường âm đạo, gây bệnh viêm nhiễm...
Trên thực tế, nhiều phụ nữ khi thấy ngứa ngáy hoặc có các triệu chứng viêm nhiễm vì e ngại hoặc không có thời gian nên sử dụng DDVSPN như một loại thuốc chữa bệnh thay thế. Bác sĩ Loan khuyến cáo, khi có triệu chứng ngứa, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc rửa nhưng sau vài ngày không thấy đỡ thì nên đến bệnh viện khám. Khi dùng những loại DDVS trên 2 tuần sẽ làm mất cân bằng môi trường âm đạo.
Những trường hợp ngứa do dị ứng, do mặc quần chật... chỉ cần khắc phục những điều này sẽ hết ngứa, còn khi đã bị viêm nhiễm thật sự thì sử dụng những loại nước rửa này cũng không có tác dụng gì. Ngay cả những người bị viêm nhiễm, được bác sĩ kê toa cho sử dụng thì thuốc rửa cũng chỉ có vai trò hỗ trợ rất ít là làm dịu những triệu chứng khó chịu ở người bệnh, còn các loại thuốc uống và thuốc đặt mới có tác dụng chính trong việc điều trị bệnh.
Bệnh phụ khoa nếu không được phòng và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng, gây vô sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, tình yêu và chất lượng cuộc sống. Tốt nhất chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời chẩn bệnh và điều trị đúng cách.
Hạ Uyên
Chủ đề liên quan: