Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đừng lầm tưởng gan nhiễm mỡ là bệnh chỉ người béo mới mắc

Gan nhiễm mỡ đang là căn bệnh phổ biến với số lượng người mắc ngày càng cao. Tuy nhiên nhiều người vẫn lầm tưởng rằng căn bệnh này chỉ người béo mới mắc phải.

GAN NHIỄM MỠ LÀ BỆNH GÌ?

Gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh lý dễ gặp nhất về gan. Khi tế bào gan bị tích tụ lượng mỡ nhiều hơn bình thường, vượt quá 5% trọng lượng của gan thì được gọi là gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh nguy hiểm mà nhiều người mắc phải

Thông thường, bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không có biểu hiện triệu chứng gì khác lạ, mà thường chỉ vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe. Nhưng khi đã có triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài thì gan đã bị tổn thương nặng và rất khó điều trị.

Nhiều người lầm tưởng rằng, gan nhiễm mỡ là căn bệnh của người béo. Tuy nhiên, trên thực tế béo phì chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh này.

Có rất nhiều người dù gầy nhưng vẫn có thể mắc gan nhiễm mỡ do nhiều nguyên nhân khác gây nên.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH GAN NHIỄM MỠ

Chế độ ăn uống không hợp lý:

Chế độ ăn hàng ngày ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Những người thường xuyên ăn nhiều thịt mỡ động vật, chế độ ăn giàu chất béo, đường và ăn nhiều đồ ăn nhanh, ít rau xanh và trái cây sẽ khiến cơ thể dư thừa năng lượng.

Nguồn năng lượng dư thừa trong cơ thể không được tiêu thụ hết sẽ chuyển hóa thành mỡ, tích tụ lại trong gan, dẫn tới dư thừa mỡ ở gan, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Do di truyền:

Các nghiên cứu cho thấy rằng, nếu trong gia đình có ông, bà hoặc cha mẹ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, thì con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với những người khác.

Béo phì:

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ. Thống kê cho thấy có khoảng 80-90% bệnh nhân béo phì mắc gan nhiễm mỡ.

Bởi lượng mỡ thừa trong cơ thể không chỉ tập trung dưới da mà còn tích tụ trong các cơ quan nội tạng, trong đó có gan.

Thêm vào đó, người béo phì thường có xu hướng ăn nhiều chất béo và đường khiến gan phải hoạt động vất vả hơn, không thể chuyển hóa được hết chất béo, khiến mỡ tích tụ trong gan.

Dinh dưỡng kém, người gầy:

Không phải chỉ người béo mới mắc gan nhiễm mỡ, những người gầy hay có chế độ dinh dưỡng kém cũng có thể mắc phải căn bệnh này.

Nguyên nhân là bởi những người gầy gò, ốm yếu, suy dinh dưỡng hoặc ăn uống thiếu chất sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt một số chất quan trọng để đốt cháy và thanh lọc mỡ.

Bên cạnh đó, do cơ thể thiếu lượng đường cần thiết trong máu đủ để tạo ra năng lượng, nên nó sẽ tự điều chỉnh tăng hấp thu mỡ nhằm phân giải thành năng lượng.

Nếu những người này ít vận động thì mỡ sẽ tích tụ trong cơ thể mà không được phân giải gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.

Uống nhiều rượu, bia:

Uống quá nhiều các loại đồ uống có cồn như rượu bia, sử dụng thuốc lá và các chất kích thích là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn phải đối mặt với căn bệnh gan nhiễm mỡ.

Khi bạn dung nạp nhiều rượu bia vào cơ thể, chất cồn sẽ ngấm vào máu thông qua niêm mạc dạ dày và ruột và chuyển đến gan. Gan sẽ là bộ phận chuyển hóa lượng chất cồn này.

Nếu lượng cồn quá lớn sẽ khiến gan phải tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo, khiến mỡ bị tích tụ trong gan.

Bên cạnh đó, rượu bia còn làm giảm hoạt tính hoặc ức chế men phân giải các thành phần lipoprotein trong máu gây nên tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu khiến tình trạng gan nhiễm mỡ càng nặng hơn.

Một số bệnh lý khiến gan nhiễm mỡ:

- Tăng mỡ máu:

Những người bị tăng mỡ máu có nguy cơ cao phải đối mặt với gan nhiễm mỡ. Thông thường, trong máu luôn có một tỉ lệ mỡ nhất định do gan tổng hợp.

Tuy nhiên, khi bạn sinh hoạt không điều độ, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học sẽ khiến lượng mỡ trong máu vượt mức bình thường, gây mỡ hóa các tế bào gan.

- Bệnh tiểu đường:

Những người mắc tiểu đường type 1 ít khi bị gan nhiễm mỡ. Nhưng căn bệnh này lại gặp nhiều người ở bị tiểu đường type 2.

Do khi mắc tiểu đường, cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất béo dẫn tới tình trạng mỡ tích tụ ở gan gây ra bệnh.

Một số loại thuốc:

Việc lạm dụng một số loại thuốc kháng sinh hay thuốc giảm đau có thể gây ra các tác dụng phụ lên gan. Trong đó có thể kể đến nhóm Sulfonamides bao gồm thuốc sulfisoxazole và sulfamethoxazole dẫn đến nhiều tổn thương nguy hiểm ở gan.

Ngoài ra các loại thuốc Minocycline thường dùng để điều trị mụn trứng cá ở trẻ vị thành niên cũng có thể gây gan nhiễm mỡ.

Do nhiễm hóa chất độc hại:

Cơ thể không may bị nhiễm độc bởi các chất như phospho, chì, arsenic cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH GAN NHIỄM MỠ

Xơ gan:

Tình trạng gan nhiễm mỡ thường đi kèm với sự biến dị của các tế bào gan. Theo thời gian, sự tái tạo tế bào gan bị rối loạn và hoại tử sẽ dẫn tới tình trạng xơ gan. Nếu bạn bị xơ gan thì nguy cơ dẫn tới ung thư gan là rất cao.

Bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm

Suy giảm hệ miễn dịch và chức năng giải độc:

Gan là cơ quan có vai trò giải độc cho cơ thể. Khi bạn mắc gan nhiễm mỡ, chức năng gan sẽ suy giảm, đồng thời hệ miễn dịch của gan cũng yếu hơn, khiến việc đào thải các chất độc của trong cơ thể kém đi. Hệ lụy là hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân cũng suy giảm.

Xơ vữa động mạch và tăng huyết áp:

Khi bạn mắc gan nhiễm mỡ, các chức năng chuyển đổi của cơ thể sẽ bị rối loạn, dẫn tới chất Triglycerides trong máu cao, chỉ số lipid trong máu và độ dính của máu tăng cao, thúc đẩy hình thành xơ cứng động mạch.

Viêm túi mật do tổn thương chức năng gan:

Bệnh gan nhiễm mỡ sau thời gian dài nếu không được điều trị tích cực sẽ ảnh hưởng tới nhiều cơ quan nội tạng khác như tì, mật, ruột, dạ dày.

Trong đó cơ quan thường bị ảnh hưởng nhiều nhất là các túi mật. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 20-30% bệnh nhân gan nhiễm mỡ bị mắc thêm bệnh viêm túi mật mãn tính hoặc sỏi mật.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA GAN NHIỄM MỠ

Mệt mỏi:

Gan nhiễm mỡ khiến chức năng gan suy giảm, gây ra tình trạng mệt mỏi cho cơ thể bởi các tế bào không có đủ dinh dưỡng, trong khi đó dinh dưỡng lại ứ đọng lại ở gan khiến gan quá tải.

Do đó, người bệnh thường có biểu hiện xanh xao, tái nhợt, nhìn mệt mỏi, uể oải và yếu ớt.

Ăn uống kém:

Bệnh nhân gan nhiễm mỡ thường chia sẻ rằng họ cảm thấy ăn uống không còn ngon miệng khi mắc bệnh. Nguyên nhân là bởi lúc này chức năng chuyển hóa chất trong cơ thể suy yếu khiến việc ăn uống kém hơn.

Buồn nôn, đầy bụng:

Gan nhiễm mỡ ở thể nhẹ sẽ khiến chức năng gan suy giảm, gây triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi, đầy bụng.

Ngoài ra bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng khác như nước tiểu sậm màu, phân xám, vàng hoặc bạc màu.

Rối loạn nội tiết:

Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ nặng có thể xuất hiện những triệu chứng rối loạn nội tiết.

Ở nam giới biểu hiện triệu chứng tuyến vú phát triển, teo tinh hoàn, chức năng cương dương giảm.

Ở nữ giới có thể gặp tình trạng rong kinh, tắc kinh, không kiểm soát được cân nặng.

Đau bụng:

Đau đớn là kết quả của viêm gan hoặc căng gan. Tuy nhiên, triệu chứng này không phổ biến lắm. Thông thường, nếu trong trường hợp gan nhiễm mỡ gây đau bụng thì người bệnh sẽ bị đau tập trung ở phần trên bên phải của bụng.

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA GAN NHIỄM MỠ

Bệnh gan nhiễm mỡ được chia thành 3 cấp độ 1, 2 và 3

Gan nhiễm mỡ cấp độ 1:

Đây là mức độ nhẹ nhất của bệnh. Ở giai đoạn này chức năng gan mới suy giảm nhẹ nên cơ thể người bệnh không có các dấu hiệu triệu chứng.

Gan nhiễm mỡ cấp độ 2:

Ở cấp độ này khi siêu âm gan sẽ thấy các mô mỡ đã lan tỏa trên mô gan, cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan đã bị giảm nhiều, khó xác định. Khi bị gan nhiễm mỡ độ 2, nhiều người vẫn không phát hiện ra mình bị bệnh vì mức độ bệnh này chưa có những biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài.

Gan nhiễm mỡ cấp độ 3:

Đây là cấp độ nguy hiểm nhất của bệnh. Ở giai đoạn này gan bị tổn thương nghiêm trọng nên rất khó điều trị và phục hồi.

Điều nguy hiểm hơn là ở hầu hết các bệnh nhân, triệu chứng bệnh chỉ biểu hiện khi gan nhiễm mỡ ở cấp độ 3. Do đó bệnh được phát hiện muộn nên rất dễ dẫn tới các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.

ĐIỀU TRỊ BỆNH GAN NHIỄM MỠ

Với bệnh nhân gan nhiễm mỡ mức độ 1, các tế bào gan bị suy giảm chức năng không đáng kể. Do đó việc điều trị chủ yếu là điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường vận động để cải thiện sức khỏe của gan.

Khi bệnh tiến triển đến mức độ 2, 3 nghĩa là ga đã bị tổn thương nặng và đáng lo ngại. Lúc này bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Lưu ý rằng bệnh nhân gan nhiễm mỡ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc, kể cả thuốc mát gan hay bổ gan.

Bởi những loại thuốc bổ này vốn có tác dụng tăng cường giải độc, tăng chức năng gan. Tuy nhiên, nếu dùng sai cách có thể dẫn tới hệ lụy khó lường, khiến gan tổn thương nghiêm trọng hơn.

Khi phát hiện mắc gan nhiễm mỡ, cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị và các loại thuốc được bác sĩ kê đơn, đồng thời thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để có kết quả điều trị tốt nhất.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dung-lam-tuong-gan-nhiem-mo-la-benh-chi-nguoi-beo-moi-mac-25879/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY