Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đúng sai chuyện giấc ngủ

Giấc ngủ là khoảng thời gian để mọi tế bào cơ thể được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng đã hao hụt trong suốt một ngày làm việc, nhưng ngủ bao nhiêu thì đủ, và nên đi ngủ vào lúc nào là hợp lý

Thời gian ngủ biến đổi tùy thuộc vào độ tuổi?

Đúng. Tuổi tác cũng tác động đến việc thay đổi nhu cầu ngủ. Trẻ sơ sinh có thể ngủ 16 tiếng mỗi ngày, trẻ trong độ tuổi từ 4-10 có thể ngủ từ 10-12 tiếng mỗi ngày. Với người lớn, thời gian ngủ trung bình khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày. Khi về già giấc ngủ giảm xuống chỉ còn khoảng 3-5 tiếng/ngày.

Nếu bị mất ngủ vào ban đêm ta có thể ngủ bù vào ban ngày?

Sai. Nhiều người có thói quen “thức đêm ngủ ngày”, hoặc vì một lí do nào đó khiến họ mất ngủ vào ban đêm và phải ngủ bù vào ban ngày. Thế nhưng về lâu dài, điều này tạo thành thói quen không tốt cho sức khỏe. Bởi vì vào buổi tối, lượng O2 trong không khí ít đi. Nếu làm việc về đêm, bạn sẽ nhanh chóng mệt mỏi bởi công việc đòi hỏi lượng O2 nhiều hơn khi ngủ. Bên cạnh đó, lẽ ra ban ngày là thời gian dành cho việc vận động, làm việc thì bạn lại ngủ, khiến cho sự vận động của cơ thể “ít” đi dẫn đến uể oải. Và khi ngủ nhiều vào ban ngày, ban đêm bạn sẽ bị mất ngủ.

Ảnh minh họa

Giấc ngủ nông khiến cơ thể bạn trở nên mệt mỏi?

Đúng. Diễn tiến giấc ngủ có những giai đoạn nhất định, thường người ta phân giấc ngủ làm hai giai đoạn nối tiếp nhau là giai đoạn ngủ nông và giai đoạn ngủ sâu.

Giai đoạn ngủ nông thường ngắn hơn, chiếm khoảng 1/4 giấc ngủ bình thường. Ở giai đoạn này người ngủ rất tỉnh, dễ thức giấc và hay có những giấc mơ về các sinh hoạt hàng ngày. Giai đoạn ngủ sâu chiếm khoảng 1/4 giấc ngủ bình thường. Rối loạn giấc ngủ ban đầu thường là kéo dài giai đoạn ngủ nông, làm ta có cảm giác chưa được ngủ và không khỏe khi thức dậy.

Giấc ngủ trưa càng dài càng tốt cho sức khỏe?

Sai. Các chuyên gia xem ngủ trưa là giấc ngủ “bù lỗ” cho ai phải thức khuya, cũng như giúp cơ thể tỉnh táo, làm việc hiệu quả hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, không vì thế mà kéo dài giấc ngủ trưa bao nhiêu cũng được. Với một giấc ngủ trưa thật sâu trong vòng 20 phút đã có thể giúp bạn tỉnh táo, tăng khả năng tập trung. Nếu lười một chút bạn có thể “nướng” khoảng 45-60 phút. Bởi nếu bạn ngủ vượt 60 phút thì khi tỉnh dậy sẽ dễ thấy mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo, cũng như rất dễ mất ngủ vào ban đêm.

Trẻ con không cần ngủ trưa?

Sai. Nhiều bà mẹ bất lực vì trẻ không chịu ngủ trưa, và cũng có người nhầm tưởng rằng trẻ nhỏ thì không nhất thiết phải ngủ trưa bởi chúng đâu phải làm việc nhiều như người lớn. Có phụ huynh còn tặc lưỡi “nó chơi ngày đêm sẽ ngủ ngon”. Tuy nhiên không phải vậy, với trẻ giấc ngủ trưa từ 1-2 tiếng sẽ rất tốt, nó tạo ra các kháng thể bảo vệ cơ thể và các hormon tăng trưởng. Đồng thời nếu thiếu ngủ trưa trẻ có thể khó ngủ, mơ khóc trước khi ngủ tối vì mệt mỏi do ban ngày hoạt động quá nhiều.

Nếu mất ngủ có thể dùng thuốc ngủ?

Sai. Mất ngủ do phải thức để làm việc, hoặc lo lắng, căng thẳng trong đời sống hàng ngày sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, uể oải, thậm chí dẫn đến một số bệnh nghiêm trọng liên quan đến thiếu ngủ. Bạn lo lắng về những “đêm trắng” và tìm đến “cứu cánh” của những viên thuốc ngủ. Điều đó không hề tốt cho sức khỏe, nó chỉ là biện pháp tạm thời. Vì thế, nếu phải dùng đến thuốc ngủ, bạn nên nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý.

Vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ sẽ giúp giấc ngủ ngon hơn?

Đúng. Nếu bạn luôn bị trằn trọc mỗi khi ngủ, thì việc đi bộ, tập một vài động tác nhẹ nhàng trước khi lên giường là rất tốt. Điều này giúp đầu óc thư thái sau một ngày làm việc mệt mỏi, cũng như giúp tiêu hao lượng thức ăn nạp vào cơ thể, và một giấc ngủ sâu sẽ đến với bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, tuyệt đối không vận động quá mạnh, cũng như phải thực hiện việc vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ khoảng 2-3 tiếng.

Đọc sách trước khi ngủ giúp bạn dễ ngủ hơn?

Sai. Nhiều người có thói quen mang sách lên giường để đọc hòng “dỗ” giấc ngủ. Việc này không hẳn đã đúng cho dù có một vài trường hợp vẫn ngủ quên khi trên tay vẫn cầm sách, tạp chí. Thói quen này không tốt cho sức khỏe vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến mắt (tư thế nằm đọc có thể khiến mắt bạn cận) đồng thời bắt não phải làm việc (và bỏ qua khoảnh khắc để bắt đầu một giấc ngủ ngon). Nếu bạn muốn thư giãn một chút với sách, báo thì nên đọc ở phòng làm việc, hay ghế sofa... và đọc cách thời gian đi ngủ khoảng một tiếng là hợp lý.

Hà Trang

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dung-sai-chuyen-giac-ngu-26574/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY