Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Eo càng to, bệnh càng lắm

Muốn vòng đời dài ra, cần học cách giữ cho vòng bụng nhỏ lại. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia: khoảng 60% phụ nữ trên 40 tuổi bị béo phì. Nghiêm trọng hơn, nó còn là tiêm tàng vô số các căn bệnh nguy hiểm…

Ung thư buồng trứng

Theo nghiên cứu của Viện Ung thư Hoa Kỳ cho thấy có một tỷ lệ nhất định các chị em phụ nữ đang và đã mãn kinh bị mắc bệnh ung thư buồng trứng. Điều này được các chuyên gia giải thích rằng: do các mô mỡ dư thừa xung quanh ổ bụng tác động xấu tới hàm lượng hormone giới tính - “thủ phạm” giấu mặt của chứng ung thư buồng trứng.

Ngoài ra, ở cơ thể của phụ nữ tuổi trung niên, lượng men galactose-1-phosphate uridyltransferase (men giúp lactose phân hủy) hoạt động kém đi, dẫn đến tình trạng đường lactose không được hấp thu bị lên men và gây ra rối loạn vùng bụng, dẫn đến nguy cơ mắc carcinôm buồng trứng (một dạng ung thư).

Ảnh minh họa

Đái tháo đường và tăng huyết áp

Khi béo phì, lipid thừa khiến chất cetonic trong cơ thể tăng cao, tạo thành chất cetonic bệnh lý dẫn đến bệnh đái tháo đường. Béo phì cũng làm tăng cholesterol gây ra xơ động mạch, chèn ép các mạch máu, khiến mạch máu bị hẹp lại dẫn đến huyết áp tăng.

Xơ vừa động mạch

Mối quan hệ giữa béo phì và xơ vữa động mạch ở phụ nữ trung niên được giải thích do cơ chế: lượng mỡ tăng khiến các đại thực bào thâu tóm lipoproten (một loại axit béo) và biến các tế bào này thành các tế bào bột. Sự hình thành tế bào bột này là một trong những chặng đầu tiên tạo nên các mảng xơ vữa động mạch.

Đột quỵ

Theo nhận định của chuyên gia thần kinh học Amytis Towfighi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Southern California: “Tình trạng béo phì ở bụng của phụ nữ được xem là dấu hiệu của căn bệnh đột quỵ và có thể là nhân tố chính dẫn đến sự tăng mạnh căn bệnh đột quỵ của phụ nữ ở tuổi trung niên”.

Bệnh xương khớp

Béo phì còn làm cho khớp phải gánh một trọng lượng lớn hơn, khiến chúng dễ bị thoái hóa, đồng thời làm rối loạn các hoạt động chuyển hóa khác trong cơ thể.

Bí quyết “giữ” bụng

- Nên tập thể dục thể thao đều đặn (khoảng 30-40 phút mỗi ngày). Tuy nhiên, trước khi quyết định môn tập chị em nên kiểm tra sức khỏe tổng quát và xin ý kiến bác sĩ tư vấn. Thông thường đi bộ, chạy bộ chậm, đạp xe đạp, bơi lội, đánh cầu lông là những môn hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi này.

- Ăn dầu thực vật thay mỡ động vật, nhưng cũng chỉ ăn các món chiên xào hai đến ba lần trong tuần. Một thực đơn với các món hấp, luộc, kho, nướng sẽ tốt cho vóc dáng quý bà hơn.

- Sữa là nguồn thực phẩm không thể bỏ quên. Nhưng ở độ tuổi này, chị em có thể chọn loại sữa không béo, không đường, sữa đậu nành, yaourt... để phòng chống loãng xương và gãy xương.

- Không nên ăn quá muộn vào bữa tối và trước giờ đi ngủ vì khi đó thức ăn không thể tiêu hóa hết, dễ dàng tích lũy dưới dạng mỡ tập trung chủ yếu trong phần bụng, mông và đùi.

- Học cách thư giãn để thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thu Dịu

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/eo-cang-to-benh-cang-lam-21574/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY