Các thiết bị công nghệ - như điện thoại thông minh, máy tính bảng - đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống, thậm chí khiến nhiều người từ bỏ thói quen dùng viết để ghi chép thông tin cần nhớ ra giấy. Tuy vậy, các nhà khoa học Nhật Bản mới đây phát hiện việc ghi chép bằng tay giúp kích thích bộ não hoạt động nhiều hơn là nhập thông tin lưu trữ trên thiết bị kỹ thuật số.
Ghi chép bằng tay giúp ghi nhớ thông tin tốt hơn, nhờ kích thích trí não hoạt động nhiều hơn.
Trong nghiên cứu mới công bố, các chuyên gia tại Ðại học Tokyo đã cho 48 sinh viên từ 18-29 tuổi đọc một mẩu truyện hư cấu giữa hai nhân vật nói về kế hoạch tương lai gần của bản thân với các chi tiết bao gồm: 14 giờ học khác nhau, thời hạn nộp bài tập và các cuộc hẹn đã lên lịch. Kế đến, họ chia người tham gia thành 3 nhóm dựa trên giới tính, tuổi tác, kỹ năng ghi nhớ, sở thích cá nhân về việc sử dụng các phương pháp ghi chú bằng giấy hoặc thiết bị kỹ thuật số.
Mỗi nhóm sau đó được yêu cầu ghi chép lại lịch trình thực hiện kế hoạch của hai nhân vật bằng cách sử dụng viết và sổ ghi chép, máy tính bảng và bút cảm ứng stylus, điện thoại thông minh. Những người tham gia không được cho thêm thời gian để ghi nhớ thông tin sau khi hoàn thành việc ghi chép. Sau 1 tiếng nghỉ ngơi, họ được yêu cầu trả lời các câu hỏi trắc nghiệm về nội dung cuộc đối thoại của hai nhân vật. Trong lúc kiểm tra trí nhớ, các chuyên gia tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) bộ não và quan sát hoạt động não của những người tham gia. Theo họ, lưu lượng máu gia tăng tại vùng não nào thì chứng tỏ vùng não đó đang hoạt động mạnh.
Kết quả cuối cùng cho thấy, nhóm sử dụng viết và giấy đã hoàn thành nhiệm vụ ghi lại thông tin nhanh hơn 25% so với nhóm dùng máy tính bảng và nhóm dùng điện thoại, với thời gian tương ứng là chỉ 11 phút so với 14 phút và 16 phút. Không chỉ vậy, so với hai nhóm đối chứng thì nhóm dùng viết và giấy còn đạt điểm số cao hơn trong bài kiểm tra trắc nhiệm. Ðáng chú ý, ảnh chụp MRI cho thấy hoạt động não của họ trở nên tích cực hơn tại những vùng não liên quan tới ngôn ngữ và khả năng hình dung. Tương tự, vùng não quan trọng đối với trí nhớ và khả năng điều hướng - hồi hải mã - cũng hoạt động mạnh hơn.
Theo các tác giả, việc viết ra giấy dẫn đến kích hoạt hồi hải mã là bằng chứng cho thấy phương pháp tiếp thu bằng cách mô phỏng lại bằng chữ viết có thể cho phép chúng ta ghi nhớ được nhiều chi tiết không gian hơn, yếu tố giúp cho bản ghi chú viết tay trở nên dễ nhớ hơn so với phương pháp lưu trên thiết bị số. “Các thiết bị kỹ thuật số có tính năng cuộn lên cuộn xuống, sắp xếp kích cỡ văn bản và hình ảnh chuẩn hóa, giống như trên một trang web. Nhưng nếu bạn ghi nhớ một trang sách in trên giấy, bạn có thể nhắm mắt lại và hình dung dễ dàng vị trí bức ảnh ở 1/3 trang bên trái, cũng như những ghi chú bạn đã thêm ở lề dưới ”- Giáo sư thần kinh học Kuniyoshi L. Sakai, trưởng nhóm nghiên cứu, nêu ví dụ.
Mặc dù thử nghiệm chỉ được tiến hành trên người lớn, song các nhà nghiên cứu tin rằng mối liên hệ giữa việc viết ra giấy và hoạt động của não bộ sẽ còn mạnh mẽ hơn ở trẻ nhỏ, nguyên do là não bộ ở đối tượng nhỏ tuổi này vẫn đang phát triển và nhạy cảm hơn rất nhiều so với bộ não của người trưởng thành.
AN NHIÊN (Theo Study Finds, Daily Mail)