Vô kinh
Cuộc thử nghiệm của các nhà khoa học thuộc ĐH. Khoa học và Công nghệ Na Uy được công bố trên tạp chí Sinh sản và Vô sinh của Hội Y học Sinh sản Mỹ đã chứng minh điều đó. Cụ thể, vào năm 2012, các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát sức khỏe và chế độ tập thể dục của hơn 3.600 phụ nữ đang cố gắng có thai.
Khảo sát cho thấy những phụ nữ có chỉ số thể hình (BMI) thấp dưới 25 nếu việc luyện tập thể thao trên 5 tiếng mỗi tuần có thể ức chế chức năng của vùng kín. Sự vận động quá mức này diễn ra trong một thời gian dài cùng với sự thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ là nguyên nhân phổ biến gây vô kinh thứ phát (hiện tượng mất kinh từ ba tháng trở lên). Từ đó mà phụ nữ sẽ ít có cơ hội mang thai hơn.
Rối loạn rụng trứng
Một lý do khác khiến bạn không nên cố gắng tập thể dục là nó sẽ gây vô sinh tiềm năng. Nghiên cứu của các nhà khoa học trường ĐH. Nam California, Mỹ phát hiện ra rằng những phụ nữ có chỉ số BMI thấp, bao gồm cả các vận động viên nữ, có thói quen tập thể dục cường độ cao có thể bị mất nhiều mỡ trong cơ thể, từ đó làm giảm nồng độ estrogen, gây ức chế sự rụng trứng và làm cho kinh nguyệt không đều.
Mặt khác, việc tập luyện này sẽ làm thay đổi nồng độ leptin, một hormone điều chỉnh sự thèm ăn và trao đổi chất, khiến cho bạn bị mất cảm giác ngon miệng, dẫn tới việc ăn không đủ, có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng thường xuyên.
Khuyết tật giai đoạn hoàng thể
Giáo sư về dịch tễ học Lauren Wise tại ĐH. Y tế cộng đồng Boston, Mỹ cho hay một hệ quả nữa của việc tập thể dục quá nhiều là khiến cho chị em bị khuyết tật giai đoạn hoàng thể.
Giai đoạn hoàng thể là giai đoạn trứng đi vào thành tử cung chuẩn bị cho sự làm tổ của phôi nếu được thụ tinh. Trong thời gian này, mức độ hormone progesterone sẽ ở mức cao, giúp trứng bám vào nội mạc tử cung.
Tuy nhiên, nếu tập thể dục quá sức, chẳng hạn như chạy bộ hơn 7 giờ mỗi tuần, sẽ khiến việc sản xuất ra hormone progesterone bị giảm, làm cho giai đoạn hoàng thể ngắn hơn bình thường, không thể cung cấp đủ thời gian cho thành tử cung phát triển đủ để cho phép trứng được thụ tinh.
Lạc nội mạc tử cung
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Mỹ phát hiện ra rằng nếu phụ nữ tham gia hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm tới 75% nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung so với người không tập thể dục.
Tuy nhiên, nếu bạn vận động quá mức trong kỳ kinh nguyệt có thể sẽ khiến nội mạc tử cung bị bong ra thành từng mảng nhỏ, chảy ngược trở lại khoang bụng, gây ra lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung khiến cho bạn bị đau bụng kinh dữ dội, về lâu dài có thể bị u nang, viêm màng dạ con, là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh vô sinh nữ.
Sa tử cung
Nhiều chị em chọn tập tạ như một phần của chương trình tập luyện giảm cân, giúp cơ bắp săn chắc nhưng họ không biết rằng việc tập luyện này có thể sẽ khiến tử cung bị sa.
Theo các bác sỹ tại bệnh viện Cleveland, Mỹ, phụ nữ thường xuyên nâng vật nặng sẽ dẫn đến sự suy yếu của các cơ nằm ở khung xương chậu. Cơ vùng chậu bị yếu đi sẽ không thể hỗ trợ cho tử cung, khiến tử cung đang ở vị trí bình thường tụt xuống âm đạo.
Vì thế, muốn cơ thể săn chắc, chị em nên chọn các bài tập đơn giản như hít đất, gập bụng, tập xà đơn hoặc nâng tạ an toàn với 12 lần nâng cho mỗi lần tập cùng các mức tạ tối đa chỉ 20kg.
Giảm lượng tinh trùng
Không chỉ với nữ giới mà cả với đàn ông, việc quá chăm tập thể dục cường độ mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội làm cha.
Theo các nghiên cứu tại ĐH. Stony Brook, Mỹ, tập thể dục quá mức cần thiết sẽ làm tăng nồng độ cortisol, một loại hormone gây căng thẳng, làm giảm nồng độ testosterone, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản nam giới.
Không chỉ thế, trong lúc vận động mạnh, nhiệt độ cơ thể tăng lên, sẽ làm khả năng di chuyển của tinh trùng cũng sẽ yếu đi.
Làm sao để tập đúng cách?
Để tránh những tác dụng ngược của việc tập thể dục, bạn nên điều chỉnh thói quen tập thể dục cho phù hợp với chỉ số BMI, giảm số lượng ngày tập mỗi tuần (4 ngày là đủ) cũng như giờ tập khoảng 30 phút mỗi ngày, tránh cố gắng quá sức và chuyển sang tập các bài tập cường độ thấp như đi bộ, aerobic, taichi, yoga, tập kegel, vừa giảm cân, vừa thúc đẩy khả năng sinh sản.
Với những người thừa cân, việc tập thể dục cần có sự hướng dẫn của bác sỹ, không nên ngay lập tức tập những môn có cường độ vận động cao.
Ngoài ra, trong quá trình luyện tập, chị em nên giữ nhịp tim dưới 140 nhịp/phút. Trong kì kinh nguyệt chỉ nên vận động nhẹ nhàng, nếu thấy các dấu hiệu đau bụng dưới, chóng mặt, thì nên ngừng ngay hoặc để cơ thể nghỉ ngơi và trở lại tập luyện khi nguyệt san kết thúc.
Với nam giới, không nên theo đuổi các bài tập nặng, quá sức, giảm tập các môn thể thao gây chèn ép lên bộ phận sinh dục để đảm bảo sức khỏe.
Kin Minh
Dịch tổng hợp
Chủ đề liên quan: