Nghĩ rằng con mình phải thông minh, tài giỏi mới có thể tồn tại được trong xã hội hiện nay, vợ chồng anh Hải, chị Chi (Đống Đa, Hà Nội) đã trăn trở từ khi mang thai đứa con đầu lòng. Chị Chi lên mạng tìm thông tin về các món ăn để giúp thai nhi thông minh, đồng thời hỏi han mọi người, ai mách gì chị cũng ăn. Chẳng biết con của anh chị sau này có thông minh hay không nhưng hiện tại chị Chi có lẽ là bà bầu khổ sở nhất vì ngày nào chị cũng cố nhồi nhét hàng tá món ăn dù món đó có làm chị ngán đến tận cổ hay không. Hiện đang mang thai ở tháng thứ 6 nhưng chị đã tăng 17kg. Mới đây, bác sĩ cho biết chị bị đái tháo đường thai kỳ, vợ chồng chị mới giật mình.
Ngược lại, chị Quỳnh (Q.3, TP.HCM) lại bị nghén, không ăn được gì. Hễ cứ cho thức ăn vào miệng, chị lại nôn ra. Suốt 3 tháng đầu, chị Quỳnh sụt 5kg. Sợ đứa con đẻ ra thiếu chất, kém thông minh, chị mua một loạt thực phẩm chức năng và thuốc bổ để uống thay thế. Thành thử, đã sang tháng thứ 5 thai kỳ nhưng dinh dưỡng của bà bầu này chủ yếu đến từ thuốc và nước trái cây, rau quả...
Ảnh minh họa |
Dinh dưỡng thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ
Bàn về vấn đề dinh dưỡng của các bà bầu, TS. BS dinh dưỡng Hồ Thu Mai (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết: Trong quá trình mang thai, chế độ ăn của bà mẹ không chỉ để phục vụ bản thân mà còn để nuôi dưỡng thai nhi, đặc biệt là trong những tháng cuối. Khi có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sản phụ sẽ có sức đề kháng tốt, không đau ốm, đủ sức khỏe sinh con, mau hồi phục sau sinh, đặc biệt có nhiều sữa. Đứa bé nhờ đó không bị suy dinh dưỡng, hay chậm phát triển thể chất,tâm thần khi lớn lên.
Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo, chị em không nên vì thế mà cố nhồi nhét ăn thật nhiều để em bé to khỏe và thông minh. Thực tế, bồi dưỡng nhiều hơn so với nhu cầu, năng lượng dư thừa sẽ tích lũy trong cơ thể người mẹ, chỉ có một phần rất nhỏ chuyển sang cho con. Do đó, mẹ sẽ tăng cân, tích mỡ nhiều. Sau khi sinh, người mẹ sẽ có thân hình béo, sồ sề hơn so với những người khác.
Không chỉ vậy, khi bà bầu nạp vào cơ thể quá nhiều đồ ăn sẽ làm gia tăng các nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim, đột quỵ, vô sinh, trầm cảm và một vài dạng ung thư khác. Vấn đề giảm cân sau sinh cũng rất khó nếu các bà bầu ăn nhiều trong quá trình mang thai.
Hiện nay, tỷ lệ bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ (thường ở tháng thứ 7 mới phát hiện) là khá cao và nguyên do cũng xuất phát từ việc bồi bổ quá mức này.
Theo TS Mai, với những người có mức cân nặng bình thường trước khi mang thai, mức tăng cân tốt trong quá trình thai nghén là từ 12-18kg. Còn đối với những người phụ nữ trước mang thai đã thừa cân, béo phì, mức tăng cân sẽ thấp hơn. Ngược lại, với những người thiếu năng lượng trường diễn trước khi có thai, mức tăng cân sẽ nhiều hơn, từ 18-20kg.
Để đảm bảo dinh dưỡng, phụ nữ mang thai cần phải ăn đủ 4 nhóm chất trong các bữa ăn hàng ngày gồm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Trong đó, chất đạm sẽ tăng nhiều hơn. Nhu cầu canxi cần 1.000mg/ ngày. Trong 3 tháng cuối, nhu cầu sắt tăng gấp 3 so với bình thường.
“Trong trường hợp bà bầu thèm ăn liên tục, không kiểm soát, tốt nhất họ nên tìm sự tư vấn bởi các bác sĩ dinh dưỡng và sản khoa để có một chế độ ăn uống hợp lý chứ không phải cứ tăng nhiều là tốt. Bồi dưỡng nhưng cần bồi dưỡng đúng cách”, bác sĩ Mai khuyến cáo.
Thông minh phụ thuộc vào gene
Khi được hỏi về vấn đề mẹ bầu nên ăn gì để con thông minh, tiến sĩ Mai khẳng định dinh dưỡng không phải là yếu tố quyết định.
“Nhiều nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ sinh ra có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chỉ số IQ cao hơn so với những đứa trẻ thiếu dinh dưỡng. Tuy nhiên, dinh dưỡng không phải là yếu tố quyết định tất cả bởi trí thông minh phần lớn do gene quyết định. Do đó, việc một bà bầu ăn uống tốt chỉ giúp cho đứa trẻ có một cơ thể tốt hơn”, bác sĩ Mai nói.
Hiện rất nhiều phụ nữ tin rằng ăn trứng ngỗng sẽ giúp em bé trong bụng sinh ra thông minh hơn. Tuy nhiên, chưa có một kết luận khoa học nào khẳng định phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng thì con thông minh, hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác.
Hơn thế, hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng nhỏ hơn hàm lượng vitamin có trong trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Nếu như hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng là 0,33 mg% thì trong trứng gà là 0,70mg%.
Mặt khác, vì trứng ngỗng là thực phẩm chứa nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không có lợi cho sức khỏe phụ nữ có thai nên việc bà bầu bổ sung trứng ngỗng thường xuyên có thể bị bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao.
Ngoài ra, tiến sĩ Mai cũng lo ngại khi hiện nay nhiều bà bầu quá chú trọng vào các thực phẩm chức năng và thuốc bổ sung vi chất. Bà cho rằng những chất này đúng ra phải do các bữa ăn hàng ngày cung cấp nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Uống thuốc mà không ăn chắc chắn sẽ không hiệu quả.
Thanh Thanh
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: