Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hãy trò chuyện với con về giới tính

Đừng nghĩ rằng đây là “vẽ đường cho hươu chạy”, bạn nhé!

Thấy con xem ảnh “nóng”: Cần lùi một bước

Nếu tình cờ nhìn thấy con bạn - một đứa trẻ mới học tiểu học thôi đang tò mò với đống ảnh “nóng” mà đám bạn cùng lớp hay các anh chị cùng xóm đưa cho, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Chắc chắn rằng không ít người sẽ “nhảy chồm chồm” lên mà quát tháo con là hư hỏng. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng đến đòn roi, vũ lực để dằn mặt, để chúng không dám tái phạm lần tiếp theo.

Ảnh minh họa

Sự thật là, sau những phản ứng dữ dội đó, đúng là cha mẹ không nhìn thấy con lại gần thứ văn hóa phản cảm ấy. Họ yên tâm thở phào là mình đã ngăn cản kịp thời việc con cái bị tiêm nhiễm những thói xấu. Thế nhưng, trẻ con đâu có dễ bỏ cuộc như vậy. Chúng luôn tò mò, thích khám phá những cái mới. Đặc biệt, với những thứ người lớn ngăn cấm mà không nêu rõ lý do tại sao, chúng càng muốn khám phá đến cùng.

Vì thế, đừng vội mừng khi thấy con đã ngoan ngoãn nghe lời, bởi thực sự, phía sau cái vẻ ngoài có vẻ dường như đã đầu-hàng-không-điều-kiện ấy lại là những cơn sóng ngầm. Chúng âm thầm chống lại bạn, chống lại mệnh lệnh phải rời ra những tấm ảnh, những thước phim nóng bỏng kia. Có thể trách chúng là hư đốn được không? Chắc chắn là không rồi vì tò mò vốn là bản năng của con người. Ngay cả bạn cũng vậy, bạn có dám chắc rằng nếu ai đó nói với bạn rằng: không nên làm một việc gì đó, bạn sẽ răm rắp làm theo mà không cần biết nguyên nhân tại sao?

Vậy trong trường hợp này bạn phải “xử” chúng như thế nào? Theo bà Lê Thị Bình, cố vấn về giới của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cách tốt nhất là nên “lùi một bước”. Phản ứng nhất thời không thể cứu vớt được tình hình mà chỉ làm nó xấu đi trông thấy. Thế nên, lúc này hãy nén cơn giận, chờ lúc bình tâm nhất mới nói chuyện với con. Ngay bây giờ chỉ nên tịch thu tất cả các phim ảnh nhạy cảm đó, như một lời cảnh cáo rằng: “Bố/mẹ đã biết việc các con đang làm và bố mẹ không hài lòng về việc này”.

Thế rồi sau đó, bạn định “xử” chúng thế nào? Theo bà Bình, trước khi nghĩ đến việc “xử” con, bạn hãy “xử” mình trước. Có phải bạn chưa từng trò chuyện với con về giới tính, chưa từng nói cho chúng biết những gì là nhạy cảm, những gì là nên, là cấm? Thậm chí, việc được sinh ra như thế nào cũng luôn là bí mật? Trẻ con vốn tò mò mà lại không được định hướng rõ ràng, được cung cấp thông tin đúng đắn từ bố mẹ, đương nhiên chúng sẽ tìm đến bạn bè để giải đáp các thắc mắc trong lòng. Và thông tin từ bạn bè thì không phải lúc nào cũng tốt, cũng chuẩn. Thế nên, việc “chú hươu non” của bạn “chạy” lầm đường, lạc lối là chuyện đương nhiên. Và người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về việc này chắc chắn là bạn rồi.

Thêm kiến thức, giảm hậu quả

Theo bà Bình, ở mỗi gia đình khác nhau, mỗi môi trường sống khác nhau, thời điểm nói với con về giới tính là khác nhau. Sẽ không có một chuẩn chung cụ thể nào, song lúc nào bạn cũng cần ghi nhớ 4 từ vàng là “càng sớm càng tốt”. Đừng sợ như thế là “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi thực tế, dù bạn không vẽ thì nó vẫn cứ chạy, và sẽ chạy theo hướng bạn không mong đợi.

Cũng đừng sợ con nhỏ quá sẽ không hiểu hết vấn đề bởi thực tế đã chứng minh, ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ đã có nhu cầu tìm hiểu về cơ thể, tìm hiểu về sự khác biệt giữa bạn nam và bạn nữ. Đó là lý do tại sao, thỉnh thoảng bạn vẫn nghe thấy chúng ngây thơ tò mò: “Sao bạn kia lại tè đứng, còn con lại phải ngồi tè?”, “Làm thế nào mẹ có thể tạo ra một em bé?”...

Ảnh minh họa

Thực tế, trò chuyện với con về giới tính không hề đơn giản bởi ai cũng thấy e ngại với những vấn đề nhạy cảm. Làm thế nào để có thể bắt đầu một cách tự nhiên, thoải mái nhất? Bàn về vấn đề này, bà Binh cho rằng: đầu tiên, hãy nói với con về cơ thể chúng.

Chẳng hạn, trên cơ thể chúng, đâu là bộ phận cần phải giấu kín, không thể cho người khác nhìn hay sờ mó? Tại sao lại như vậy? Sự khác biệt giữa cơ thể bạn trai và cơ thể bạn gái là gì? Ngoài ra, bạn cũng có thể nói cho con tên chính xác của những bộ phận trên cơ thể. Đừng cố tìm một mỹ từ thay cho chúng bởi việc đó có thể khiến con nghĩ rằng cái đó là xấu, là không đáng trân trọng.

Sau khi con đã hiểu hơn về cơ thể mình và cũng đã trưởng thành hơn, đừng bao giờ từ chối trả lời những câu hỏi kiểu như: Con được sinh ra từ đâu? Tại sao người ta lại có thai? Nếu gặp khó khăn trong việc diễn đạt các vấn đề này, bạn có thể mở cho chúng xem những phim hoạt hình về giới tính. Có rất nhiều tài liệu của nước ngoài minh họa những quan tâm của trẻ con dưới hình thức vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Khi đứa trẻ bắt đầu có sự quan tâm đặc biệt đến bạn khác, bạn nên trò chuyện cởi mở với con về tình yêu, về những gì có thể làm khi hai người đều đang ở độ tuổi này cũng như những gì nên tránh, tại sao cần phải tránh. Sẽ không là quá sớm nếu như con biết rằng những hành động vượt qua giới hạn của tình yêu học trò như quan hệ tình dục sớm sẽ có thể mang thai ngoài ý muốn, cũng như mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Sự thực là, báo chí đã phản ánh rất nhiều những trường hợp những đứa trẻ dù mới chỉ đang ở độ tuổi cuối tiểu học đã yêu, quan hệ tình dục và gánh chịu những hậu quả nặng nề. Đừng sợ con biết sớm sẽ thử sớm, mà đơn giản là, biết trước để phòng tránh những nguy cơ luôn rình rập xung quanh, cũng như hiểu rõ những hậu quả có thể xảy ra với mình.

Cung cấp cho con những kiến thức căn bản về vấn đề giới tính rõ ràng không có hại mà ngược lại chính là cách để chúng có những hiểu biết đúng đắn, từ đó có sự phát triển lành mạnh, không ảnh hưởng bởi những thông tin xấu. Bởi thế, tại sao không thể trò chuyện với con về giới tính từ ngay hôm nay?

An Châu

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/hay-tro-chuyen-voi-con-ve-gioi-tinh-21655/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY