Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hệ lụy đáng buồn từ việc ngáy ngủ

(SKGĐ) Nhiều cặp vợ chồng mới cưới thú nhận rằng vô cùng khó chịu khi giấc ngủ bị “hành hạ” bởi tiếng ngáy của đối phương.

Dù nó là một hiện tượng bình thường của con người nhưng lại đem đến khá nhiều phiền toái và hệ lụy đáng buồn trong đời sống hôn nhân.

Hằng năm, có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ nắm tay ra tòa ly dị cũng vì không chịu nổi những “câu hò” của bạn “đồng sàng” trong đêm khuya thanh vắng.

Nếu bạn cảm thấy luôn phải tỉnh giấc trong đêm vì tiếng ồn do chính bạn gây ra hoặc cuộc hôn nhân của bạn có nguy cơ đổ vỡ thì đã đến lúc bạn cần đi gặp bác sĩ để làm một điều gì đó.

Ảnh minh họa

“Thủ phạm” của tiếng ngáy

Ngáy được gây ra bởi rất nhiều yếu tố. Ngáy kinh niên thường rất đặc trưng ở lứa tuổi trung niên. Bởi vì khi lớn tuổi, vòm họng chúng ta càng trở nên thu hẹp hơn, sự phát triển của cơ cũng suy giảm trong đó có cơ vòm họng.

Béo phì cũng là một ‘thủ phạm” gây chứng ngáy vì sẽ thặng dư một lượng chất béo lớn làm cho vòm họng trở nên nhỏ hẹp hơn và càng bị siết chặt hơn.

Di truyền và giới tính cũng đóng một vai trò quan trọng. Bởi vì nam giới có đường không khí hẹp hơn ở nữ giới nên tỉ lệ nam giới mắc phải tật ngáy cao hơn.

Trong một thống kê này được đưa ra trong cuộc nghiên cứu với trên 2.000 người tại Úc, hơn 70% đàn ông có tật ngáy khi ngủ, trong khi ở nữ giới tỉ lệ này là 50%.

Nếu bạn mắc phải bệnh suyễn, bị dị ứng, cảm cúm, viêm xoang… bạn cũng có thể mắc phải tật ngáy do những trở ngại ở đường hô hấp gây ra.

Lối sống cũng ảnh hưởng đáng kể. Nếu bạn hút thuốc (hoặc hút thuốc thụ động) thì bạn có xác suất mắc phải tật ngáy rất cao vì khói thuốc làm giảm năng lực của cơ vòm họng. Rượu và một số dược phẩm như thuốc ngủ, thuốc kháng histamine… cũng góp phần vào cái tật “khó ưa” này.

Nhiều hệ lụy đáng buồn của việc ngủ ngáy

Những người mắc phải tật ngáy có thể bị rối loạn giấc ngủ do tiếng ồn của chính mình gây ra. Ngáy cũng tác động tiêu cực lên cuộc sống hằng ngày của người mắc phải, gây nên sự cáu kỉnh, uể oải, làm việc kém hiệu quả, có những ý nghĩ “không giống ai”. Hệ thống miễn dịch cũng bị suy giảm, tinh thần và trí tuệ bị sa sút. Nhiều trường hợp nặng có thể gây đột quỵ, tiểu đường, áp huyết cao, bệnh tim mạch.

Về mặt xã hội, tật ngáy cũng đem đến những hệ lụy nghiêm trọng vì gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác. Nhiều cặp vợ chồng phải thỏa thuận ngủ riêng với nhau. Đây cũng chính là “ngòi nổ” cho những đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Các nhà tâm lý học giải thích rằng nếu vợ chồng không ngủ chung một giường thì khó có cơ hội chia sẻ những buồn vui của cuộc sống thường nhật. Vì vậy sẽ khó mà hiểu nhau, đời sống tình dục vợ chồng do vậy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi quyết định “phòng ai người ấy ở” sẽ làm cho người mang tật ngáy càng có cảm giác bị cô lập nhiều hơn.

Cải thiện bằng dụng cụ và thói quen sinh hoạt

Hiện tại, để làm hạn chế “cái loa ban đêm” này, trên thị trường đã xuất hiện các loại dụng cụ hỗ trợ gọi là thiết bị CPAP (Continuos positive Airway Pressure). Dụng cụ này dùng bao bọc mũi và miệng nhằm kích thích đường không khí mở rộng ra. Hiện một số bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật để làm tăng kích thước của đường không khí. Trên đây là những phương pháp can thiệp trực tiếp.

Dinh dưỡng cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Một bữa ăn khỏe mạnh bao gồm carbohydrates (trái cây, rau cải, đậu, hạt…), protein (thịt nạc, cá, trứng, bơ sữa…), dầu và chất béo như bơ… sẽ gián tiếp ngăn được tật ngáy. Ngoài ra để giúp hạn chế tật ngáy, người mắc tật này cần giảm cân, không được để béo phì, bỏ hút thuốc…

Những thực phẩm nên tránh bao gồm thịt nướng, thức ăn chiên, bánh ngọt, nước uống có ga, trà, cà phê, rượu bia… Ngáy càng trở nên tồi tệ hơn nếu bữa ăn quá trễ gần giờ ngủ.

Diệu Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/he-luy-dang-buon-tu-viec-ngay-ngu-19763/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY