Dưới đây là những mẹo đơn giản và thiết thực giúp bạn giảm và không còn đau họng nữa.
Giảm triệu chứng đau họng
Súc miệng:
Khi bị đau họng, bạn nên súc miệng thường xuyên bằng các loại nước phù hợp, thông dụng nhất là nước muối. Trộn 1 thìa cà phê muối vào ly nước ấm, dùng nước này để khò họng rồi nhổ ra ngoài mỗi giờ một lần hoặc lâu hơn.
Ngoài ra, bạn có thể dùng nước cốt chanh hoặc giấm để súc miệng.
Dùng viên ngậm, thuốc xịt họng:
Đến hiệu thuốc hỏi các dạng viên ngậm, thuốc xịt họng để giảm đau họng. Tuy nhiên, khi dùng thuốc, bạn nên có ý kiến tham khảo từ bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, bạn có thể dùng các loại thảo dược như chanh hoặc mật ong để ngậm.
Làm ấm cổ:
Khi bị đau họng, cần thiết nhất là phải giữ cho cổ họng được ấm. Bạn có thể choàng một chiếc khăn ấm để tránh nhiệt độ từ môi trườngbên ngoài khiến bệnh tình nặng nề hơn.
Ngoài ra, trước khi đi ngủ, bạn cũng có thể dùng một miếng gạc ấm, một chai nước nóng hoặc chiếc khăn ấm để chườm lên cổ.
Các thói quen sức khỏe khác
Nghỉ ngơi nhiều:
Khi bị đau họng, hãy cố gắng ngủ nhiều hơn 8 giờ/ngày và vào khoảng 11-13 giờ là hợp lý nhất.
Rửa tay:
Rửa tay thường xuyên sẽ tránh việc các vi khuẩn lây lan từ môi trường vào cơ thể. Đặc biệt rửa tay khi bị đau họng hoặc cảm lạnh sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn lây truyền, làm bệnh nhanh khỏi.
Uống nước:
Nước có thể giúp chất nhầy loãng ra ở cổ họng, đồng thời, chất lỏng ấm sẽ giúp làm dịu cổ họng, giảm đau rát, ngứa ngáy.
Khi bị đau họng, bạn nên uống khoảng 3 lít (13 cốc) nước mỗi ngày đối với nam và 2,2 lít (9 cốc) nước mỗi ngày đối với phụ nữ.
Trong giai đoạn này, hãy tránh uống cà phê. Uống hơn 5 ly cà phê mỗi ngày sẽ gây ra quá trình khử nước trong cơ thể.
Biện pháp giảm đau họng nhanh chóng
Bổ sung vitamin C:
Vitamin C có tác dụng như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi những tác hại do các gốc tự do gây ra. Tuy hiện nay có nhiều tranh cãi về việc vitamin C có giúp bệnh đau họng thuyên giảm hay không nhưng chắc chắn nó sẽ không làm tổn thương họng của bạn.
Thực phẩm nên và tránh:
Bạn nên ăn các thực phẩm có tác dụng chống ôxy hóa bao gồm: trà xanh, quả việt quất và nam việt quất, đậu, atisô, mận, táo và quả hồ đào… Tỏi cũng là một loại kháng sinh tự nhiên cần được bổ sung nhiều hơn.
Mặt khác, bạn nên tránh ăn các thực phẩm từ sữa như bơ hoặc kem vì chúng sẽ làm gia tăng chất nhầy. Tránh các thức ăn quá ngọt vì thực phẩm có đường có thể gây kích ứng họng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh các thức ăn và đồ uống lạnh vì sẽ khiến họng bị kích ứng và đau nặng hơn.
Thanh Vy
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: