Hỗ trợ người dân nhóm yếu thế tiếp cập pháp luật |
Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, người dân ngày càng quan tâm đến việc tiếp cận thông tin, pháp luật để phục vụ nhu cầu của bản thân và xã hội, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc hằng ngày.
Một bộ phận người dân đã có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, tra cứu, vận dụng, sử dụng pháp luật; mức độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân ngày càng được nâng cao. đặc biệt, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nhiệm vụ và công việc.
Tuy nhiên người dân, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin pháp luật cũng như việc sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, tự bảo vệ quyền của mình. Một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin, vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cung cấp thông tin.
Vì vậy, bộ tư pháp đang nghiên cứu xây dựng đề án “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về tuyên truyền đang được các bộ, ngành thực hiện, hướng đến mục tiêu cao nhất trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật.
Đề án sẽ làm rõ thực trạng, văn hóa pháp lý, thói quen của người dân trong tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật, qua đó đưa ra các giải pháp hiệu quả nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng tiếp cận, sử dụng pháp luật cho người dân; rà soát, xác định mục tiêu cụ thể, trong đó có những mục tiêu được định lượng. có các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận thông tin cho nhóm đặc thù, yếu thế; làm tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân.
Đề án “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được đánh giá đưa ra rất đúng và kịp thời. nhiều chuyên gia đã có ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án thiết thực này.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng đồng bộ các cơ chế, biện pháp bảo đảm về tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của người dân kết hợp với nhu cầu của cộng đồng xã hội.
Đồng thời, thực hiện điều tra, khảo sát về nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân tại các địa bàn cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung, hình thức phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật phù hợp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về thực hiện, đáp ứng cung cấp, hỗ trợ thông tin, cơ chế, nguồn lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; xây dựng nội dung tăng cường năng lực, tính chủ động của người dân trong tiếp cận các thông tin, loại hình dịch vụ pháp lý.
Ngoài ra, phải tập trung tăng cường năng lực tiếp cận thông tin cho nhóm đặc thù, yếu thế; làm tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, cũng như chú trọng trong giáo dục pháp luật cho học sinh trong nhà trường...