Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hoa không chỉ làm đẹp

(SKGĐ) Nhiều loại hoa còn là dược liệu quý và được lưu tên trong cả truyền thuyết lẫn y văn hiện đại.

 

Tiếng thơm trong y học cổ truyền

Từ nhiều nghìn năm trước, con người đã biết dùng hoa làm thuốc để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Theo truyền thuyết, Thần Nông sống ở vào thời kỳ cổ đại của Trung Quốc đã dùng hàng trăm cỏ cây hoa lá để trị trăm bệnh. Sách Thần Nông bản thảo từ hơn 2000 năm trước cũng khuyên rằng phấn hoa bồ hoàng có thể bồi bổ cơ thể. Hay sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, danh y nổi tiếng của Trung Hoa thời nhà Minh, cũng đã ghi nhận chừng 100 loại hoa làm thuốc.

Danh y Hoa Đà thời Tam quốc đã chọn vài loại hoa có mùi thơm cùng với xạ hương, đàn hương, đinh hương... cho vào những túi vải xinh xắn rồi treo lên tường nhà để phòng chống các chứng bệnh như phế lao, tả...  Người dân Ấn Độ lại dùng hoa sen, loại hoa phổ biến ở đất nước này để trị các vết nám, tàn nhang, mụn nhọt… Kinh nghiệm dân gian của nhiều người dân châu Mỹ thì để chống lạnh, ngừa cảm cúm, trị ho do thời tiết, bạn chỉ cần dùng trà hoa ti gôn.

Ở Việt Nam, các sách thuốc của lương y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều có ghi lại khá việc dùng hoa làm thuốc chữa bệnh. Hải Thượng Lãn Ông đã từng dùng hoa cúc để chữa bệnh giúp làm nhẹ đầu, sáng mắt, làm cho xanh tóc, thêm tuổi thọ, hoặc hoa giẻ để chữa tê thấp, đau nhức gan xương... Còn trong Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh ghi rằng hoa đào phơi khô, tán bột để uống mỗi ngày có thể giúp da trắng mịn.

Ghi danh trong y văn hiện đại

Đến đầu thế kỷ 20, phương pháp trị liệu bằng hoa đã chính thức được nhắc đến trong y văn, thông qua công trình nghiên cứu của TS. Edward Bach, một nhà vật lý kiêm sinh vật học người Anh. Bach đã đưa ra 38 cách trị liệu bằng hoa, chủ yếu nhắm đến các bệnh về thần kinh và tinh thần (giận dữ, trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, cảm giác có lỗi, cảm giác tự ti, phẫn uất..).

Theo sau nghiên cứu của tiến sỹ Bach, hàng nghìn loài hoa đã được các nhà khoa học  đưa vào tầm ngắm phục vụ cho mục đích chữa bệnh. Ở Nhật, một số nhà tư bản đã cho phun hương hoa hồng và hoa tử lan trong công xưởng để kích thích sự hăng hái của công nhân, nâng cao năng suất lao động. Một số nước như Azerbaidzan, Tadzhikistan... còn xây dựng cả các bệnh viện hoa; trong đó, bệnh nhân được điều trị bằng cách vừa thản hồn trong tiếng nhạc, vừa tận hưởng hương thơm và màu sắc quyến rũ của các loài hoa, chẳng hạn như hoa màu tím khiến phụ nữ có thai trở nên điềm tĩnh, hoa màu hồng làm bệnh nên ăn ngon miệng hơn, hoa màu đỏ sẫm có thể làm tăng huyết áp...

Vì sao hoa chữa khỏi bệnh?

Theo y học cổ truyền, mỗi loại hoa đều có tính, vị khác nhau và có khả năng đi vào các đường kinh không giống nhau thì sẽ tạo nên công dụng trị liệu với từng bệnh khác nhau.. Chẳng hạn, Đông y thường sử dụng hồng đỏ và trắng để làm thuốc. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên chủ tịch hội Đông y Việt Nam, cho hay hoa hồng chữa được bệnh là do chúng có tính mát, không độc, có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ giúp huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới. Hoa hồng trắng đem chưng cách thủy cùng với quả quất và mật ong dùng chữa ho ở trẻ em rất công hiệu. Hoa mào gà đỏ vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lương huyết, chỉ huyết, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như lỵ trực khuẩn hoặc amip, trĩ xuất huyết, nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu mũi, rong huyết.

Còn theo y học hiện đại, công dụng chữa bệnh của hoa nằm ở màu sắc, mùi hương và các thành phần dinh dưỡng trong cánh, nhụy, phấn hoa. Trong hương hoa có chất cồn, xeton và este. Những chất này có chức năng điều hòa trung khu thần kinh và hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Bởi thế hoa có thể giúp người ta thư giãn, xua đi bệnh tật. Phấn hoa có nhiều hợp chất thiên nhiên, giàu protein, lipid, vitamin, khoáng chất nên chúng có giá trị bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược, các rối loạn tiêu hóa…

Lưu ý khi dùng hoa chữa bệnh

- Những người tỳ vị hư yếu (hay lạnh, kém ăn, đại tiện lỏng) hoặc có thai không được dùng các bài thuốc từ hoa đắng lạnh như hoa hồng, nhài, hòe.

- Người suy nhược, già yếu, phụ nữ có thai, tiêu chảy không nên dùng hoa đại do các thành phần trong cây vì chúng có tác dụng tẩy xổ khá mạnh.

- Không ăn chung hoặc xào nấu thiên lý với các thức ăn giàu chất sắt như gan, tiết, thịt nạc, lợn, rau muống... vì sẽ làm giảm tác dụng trị bệnh.

- Vì hoa cúc kỵ lửa nên không được sao, tẩm qua lửa. Người bị dương hư không được dùng.

- Phụ nữ có thai không được dùng, vì hoa đào gây hưng phấn, kích thích tử cung dẫn tới nguy cơ sảy thai.

SKGĐ

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/hoa-khong-chi-lam-dep-5116/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY