Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hỏi-đáp: Sức khỏe tai mũi họng - amidan, chảy máu mũi...

(SKGĐ) Mấy hôm nay, thời tiết nóng - lạnh thất thường, mỗi khi hỉ mũi tôi thấy có máu. Tôi rất lo lắng không biết mình bị làm sao

1. Lưỡi gà sưng to sau cắt amidan

Hỏi: Tôi 32 tuổi. Tôi vừa cắt amidan được hơn 1 tuần nhưng lưỡi gà vẫn bị sưng rất to. Cả nhà tôi rất lo lắng sợ rằng biến chứng sẽ không nói lại được nữa. Xin bác sĩ tư vấn có phải tôi đã bị viêm nhiễm gây bất thường như vậy không? Tôi có cần kiêng khem gì trong chế độ ăn uống không? (Mai Ngân, Q.1, Tp.HCM)

Trả lời: Sau phẫu thuật cắt amidan, nếu không chỉnh hình màn hầu thì màn hầu và lưỡi gà hoàn toàn bình thường. Về chế độ ăn uống sau mổ thì nên ăn thức ăn nhuyễn, từ lỏng đến đặc dần trong 10 ngày đầu sau mổ. Với trường hợp của bạn nếu sau 1 tuần vẫn còn sưng to lưỡi gà thì nên quay lại gặp bác sĩ Tai-Mũi-Họng để được khám lại và chẩn đoán chính xác.

2. Làm gì khi hỉ mũi thấy có máu?

Hỏi: Tôi 43 tuổi, có tiền sử mắc xoang và viêm amidan nhưng chưa được chữa. Hiện công việc của tôi là thợ may nên hay hít phải bụi vải. Tôi thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối loãng. Mấy hôm nay, thời tiết nóng - lạnh thất thường, mỗi khi hỉ mũi tôi thấy có máu. Tôi rất lo lắng không biết mình bị làm sao?

Trả lời: Chảy máu mũi là 1 triệu chứng của nhiều bệnh lý tại chỗ: Chấn thương, viêm mũi xoang cấp, các u lành tính và ác tính ở hốc mũi, và các bệnh lý toàn thân: tăng huyết áp, các bệnh lý rối loạn đông cầm máu... Bạn cần đi khám bác sĩ Tai-Mũi-Họng để khám và nội soi để biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình.

3. Đốm đỏ ở lưỡi, phải làm sao?

Hỏi: Đã hơn 2 tháng nay, chị gái tôi phát hiện thấy vùng lưỡi bị đốm đỏ, kèm theo đó là mảng trắng và bợn trắng ở mặt lưỡi. Chị ấy rất lo lắng và thắc mắc không rõ có bị ung thư không? (Quỳnh Nga, Bình Dương)

Trả lời: Ung thư lưỡi phát triển thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu và giai đoạn toàn phát.

Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn này, các dấu hiệu bệnh chưa rõ ràng nên người bệnh thường bỏ qua.

Người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ở một số người, lưỡi có thể có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hoá hoặc vết loét nhỏ.

Giai đoạn toàn phát: Lúc này, người bệnh đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói. Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm trùng, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Một số biểu hiện kèm theo có thể là:

- Đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai

- Tăng tiết nước bọt.

- Nhổ ra nước bọt lẫn máu.

- Hơi thở hôi: do tổn thương hoại tử gây ra.

- Một số trường hợp gây khít hàm, cố định lưỡi gây khó nói và nuốt

Như vậy với những biểu hiện của chị bạn như bạn vừa nêu trên thì vẫn không thể loại trừ được ung thư lưỡi nên cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để có 1 chẩn đoán chính xác hơn và điều trị phù hợp.

BS. Thái Phan Hưng

Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, PKĐK Tâm Trí

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/hoi-dap-suc-khoe-tai-mui-hong--amidan-chay-mau-mui-17605/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY