Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hơn 3 triệu người Việt mắc phải căn bệnh gây tàn phế, làm sao để hạn chế nguy cơ?

Theo thống kê từ nhiều tổ chức y tế lớn, trên thế giới hiện đang có 200 triệu người mắc phải căn bệnh này, riêng Việt Nam đã có hơn 3,6 triệu người. Được đánh giá là rất nguy hiểm vì có thể gây tàn phế, căn bệnh này là gì và chúng ta cần tránh như thế nào

Căn bệnh diễn tiến thầm lặng, có thể gây tàn phế

Nhiều người cho rằng đây là một căn bệnh lạ, ai ngờ nó lại rất quen đối với người Việt chúng ta. Đó chính là loãng xương.

Theo Hội Loãng xương TP.HCM ước tính, khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang mắc bệnh loãng xương, tuy nhiên con số thật có thể cao hơn rất nhiều vì còn nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, loãng xương trở thành một vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu vì ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Tình trạng loãng xương được xem là kết quả của tình trạng rối loạn chuyển hoá của bộ xương (do sự mất cân bằng giữa việc tạo xương và huỷ xương trong cơ thể), gây tổn thương sức mạnh của xương và dẫn đến gãy xương.

Căn bệnh này được các bác sĩ gọi tên là “sát thủ thầm lặng” vì diễn biến âm thầm, nặng dần và phức tạp theo từng giai đoạn. Không chỉ hành hạ cơ thể bằng đau đớn kéo dài, thay đổi hình thể, giảm chức năng xương, gây tàn phế do teo cơ tứ chi mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh khác, thậm chí gây tử vong tử vong.

Người mắc bệnh loãng xương thường không có triệu chứng gì rõ ràng nên không biết mình bị bệnh cho đến khi gãy xương (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân gây nên tình trạng loãng xương được chia làm hai nhóm: nguyên phát và thứ phát.

Trong đó, loãng xương nguyên phát là những yếu tố không thay đổi được như: di truyền, tiền sử gãy xương sau tuổi 30 hoặc giới tính.

Loãng xương thứ phát gồm các nguyên nhân khác như: bệnh lý (cường giáp, cường cận giáp, suy thận,…), dùng thuốc điều trị bệnh (corticoid), lối sống kém lành mạnh (dinh dưỡng sai cách, luyện tập sai cách, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, hay té ngã)...

Cần làm gì để tránh nguy cơ mắc bệnh?

1. Dinh dưỡng hợp lý, từ bỏ các quan niệm sai lầm trong ăn

Trong dinh dưỡng, rất nhiều người hiểu lầm rằng chúng ta chỉ cần ăn thật nhiều các thực phẩm có chứa vitamin D hoặc canxi là có thể giúp cho xương chắc khoẻ. Các nhà nghiên cứu cho biết, chính những suy nghĩ như vậy mới là yếu tố khiến sức khoẻ xương khớp của ta ngày càng yếu đi. Vì vậy, để hạn chế tình trạng loãng xương, mỗi người cần phải bỏ ngay những quan niệm sai lầm cũng như thói quen xấu trong ăn uống như sau:

- Nghĩ rằng cứ bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi là xương sẽ chắc khoẻ: Đương nhiên, việc ăn các thực phẩm có chứa nguồn canxi dồi dào sẽ giúp xương chắc khoẻ là hoàn toàn đúng. Nhưng, bổ sung “thật nhiều” thì phản tác dụng, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật do hiện tượng thừa canxi gây ra.

Cụ thể, việc bị thừa canxi sẽ khiến các khớp, xương dễ bị giòn và gãy (lượng canxi tăng trong cơ thể sẽ liên kết với phosphat để hình thành apatit - chất rắn nhất khiến cho xương trở nên cứng, giòn và dễ gãy). Khiến nguy cơ mắc các bệnh lý về xương như vôi hoá xương, đau xương khớp, đặc biệt là loãng xương tăng cao hơn.

Chỉ nên bổ sung canxi theo hàm lượng đã được định sẵn. Đối với trẻ nhỏ từ 0 - 1 tuổi, chỉ nên nạp từ 400 - 600mg/ ngày. Trẻ từ 1 - 11 tuổi thì nên nạp từ 600 - 800mg/ ngày. Trẻ từ 12 đến độ tuổi trưởng thành nên từ 800 - 1200mg/ ngày.

- Tiêu thụ quá nhiều caffeine: Một nghiên cứu được công bố trên BMC Musculoskeletal Disorders cho thấy tiêu thụ caffeine góp phần gây ra mật độ xương thấp ở phụ nữ sau mãn kinh. Trên thực tế, tiêu thụ 100mg caffeine bạn có thể bị mất khoảng 6mg canxi. Trong khi đó, vì tính chất công việc, dân văn phòng lại thường xuyên tiêu thụ caffeine vượt qua mức quy định. Đẩy tỷ lệ loãng xương/ yếu xương ở nhóm đối tượng này tăng cao hơn. Hơn nữa, nếu kết hợp với thực phẩm có đường, caffeine có thể còn có tác động đến sức khỏe xương của phụ nữ sau mãn kinh cao hơn.

Vì vậy, để tuân theo một chế độ ăn uống ngăn ngừa loãng xương, hãy uống cà phê và trà không có caffeine, hạn chế tiêu thụ thực phẩm có đường.

2. Tránh vận động quá mức

Vận động hoặc tập thể dục - thể thao vốn dĩ rất được khuyến khích nhờ vào những lợi ích nó mang lại, đặc biệt là cho hệ thống xương khớp của con người. Cụ thể, rèn luyện thể lực giúp tăng cường cơ và xương trên cánh tay cũng như trên xương sống, cũng như thúc đẩy cơ thể tái tạo xương chắc khỏe, làm chậm quá trình loãng xương.

Bạn nên tập thể dục thường xuyên lúc còn trẻ để ngăn ngừa bệnh loãng xương khi về già. Các bài tập chịu sức nặng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội,... cũng là sự lựa chọn tuyệt vời.

Tuy nhiên, việc vận động cần phải hợp lý, nếu “nhiều” ở mức quá mức hoặc vận động mạnh, nặng liên tục có thể sẽ gây ra nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Các chuyên gia thể hình khuyến cáo, một người trưởng thành chỉ nên dành tối đa 5 giờ để tập luyện ở cường độ trung bình hoặc 2,5 giờ ở cường độ cao mỗi tuần. Việc vận động quá sức đôi khi không giúp xương khỏe lên mà ngược lại là yếu đi (Ảnh: Internet)

3. Kiểm tra sức khoẻ xương định kỳ

Khi tình trạng loãng xương không còn là bệnh của người gìa mà ngay cả nhóm trẻ cũng có thể mắc phải, thì việc kiểm tra sức khoẻ của xương định kỳ là điều rất quan trọng. Các chuyên gia sức khoẻ đưa ra khuyến cáo, mỗi cá nhân - đặc biệt là những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ như người già, người có tiền sử bị gãy xương, chấn thương, đối tượng đang dùng các loại thuốc có chứa corticoids,... cần kiểm tra sức khoẻ xương định kỳ ít nhất 1 lần/ năm, hoặc đo mật độ xương càng sớm càng tốt để tầm soát và đánh giá loãng xương. Nếu được chẩn đoán loãng xương thì cũng có thể kịp thời điều trị và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Nhiều người nghĩ rằng loãng xương không phải là một căn bệnh nguy hiểm, chỉ vì nó không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào mà bỏ qua việc điều trị ngay từ sớm. Chỉ đến khi bước đến giai đoạn nặng nề, bệnh mới gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì thế, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh loãng xương, mọi người nên tuân thủ một chế độ dinh dưỡng và vận động lành mạnh, hạn chế tình trạng thừa cân - béo phì và bỏ ngay thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Bên cạnh đó là chủ động tầm soát bệnh định kỳ nhằm kịp thời ngăn chặn mọi nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm: Cánh tay và đùi của những người thiếu ngủ thường béo hơn, đặc biệt là ở phụ nữ

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/hon-3-trieu-nguoi-viet-mac-phai-can-benh-gay-tan-phe-lam-sao-de-han-che-nguy-co-35715/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY