Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Hút shisha: Thú chơi tàn độc

(SKGĐ) Không chỉ là con đường dẫn đến ma túy đá nhanh mà shisha còn tàn phá phổi gấp nhiều lần so với thuốc lá.
[caption id="attachment_3314" ] Hút shisha: Thú chơi tàn độc[/caption]

“Chết” trên sự xa hoa

Tại bệnh viện tâm thần Hải Phòng, chúng tôi tiếp xúc với gia đình anh Dương Văn Luận (An Dương, Hải Phòng) khi đang làm thủ tục ra viện cho “cậu cả” đang học lớp 12. Anh Luận cho biết, con trai anh tụ họp với đám bạn trong ngày sinh nhật, khi về nhà cứ thấy cu cậu cười cười, nói nói mất kiểm soát. Đến tối, cậu lại trốn ra ngoài đình làng ngồi thơ thẩn rồi… khóc. Người nói con anh thần kinh, người bảo ma nhập phải đi cúng. Nhưng gia đình anh đã kịp thời đưa con đến bệnh viện. Bác sỹ chẩn đoán cháu bị ảo giác do sử dụng chất gây nghiện.

Gia đình anh rất bất ngờ vì nghĩ con ngoan ngoãn, không thể sa vào thú vui trác táng. Anh Luân đã gặng hỏi bạn bè của cu cậu mới cho biết trong các buổi sinh nhật của nhóm, lần nào các cậu cũng tố chức có một bàn thuốc Arap (shisha) để vui cùng. Ban đầu chỉ hút những loại nhẹ, có hương vị trái cây thơm như:táo, bạc hà, dâu, nho… Nhưng càng về sau, để khám phá những vị mới, cả nhóm đã tăng dần lên từ rượu nặng, sau là trộn cả tài mà (một dạng ma túy nhẹ), thậm chí rất nhiều lần các cậu đã “sạc pin” (pin là tiếng lóng chỉ cần sa hay “cỏ Malay”) vào để hút.

Hiện nay, Shisha đang được bán công khai trên internet, chỉ cần search cụm thừ “mua shisha”  sẽ có khoảng 474.000 kết quả (0,14 giây) với nhiều chủng loại, hương vị của shisha. Trên các trang mua bán chỉ cần gọi điện đặt hàng là nhân viên sẽ mang tới tận nhà.

Trong các quán bar, quán nước thậm chí một số quán trà tranh cũng có phục vụ shisha, mặc dù giá thành phục vụ shisha khá cao trung bình một gói sử dụng tầm 120.000-3000.000 đồng tùy loại, hương vị, than để đốt từ 200.000 - 600.000 đồng/hộp; phụ kiện kèm theo cũng từ vài trăm đến vài triệu đồng.

[caption id="attachment_3315" ] Thú chơi tàn độc[/caption]

Nguy cơ tâm thần ảo giác

Shisha là một kiểu hút phổ biến ở các nước Ả rập. Thành phần chính của shisha vốn là những thảo mộc thơm được đốt cách nhiệt bằng than. Khi sử dụng, người ta bỏ thuốc vào chén, trên có phủ giấy bạc hoặc lưới rồi cho than hồng lên trên để tạo khói. Khói được truyền xuống ống để đi vào nước trong bình. Người hút dùng ống để sử dụng.

Shisha đang được quảng cáo như không độc, không chất gây nghiện, rất an toàn khi sử dụng và đây là những thú chơi của những ông hoàng, bà chúa của Trung Đông… Nhưng BS. CKII Nguyễn Minh Tuấn – Phó viện trưởng viện sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết: “Việc hút shisha hiện nay rất đáng báo động. Hút shisha là một cách sử dụng các chất ma túy, các chất gây nghiện. Ví dụ hàng đá, cần sa, tài mà… là những loại ma túy dễ bị lạm dụng để sử dụng bình này”.

Những điều quảng cáo shisha sẽ không gây nghiện, không có hại và sử dụng lúc nào cũng được là không thật. Thực chất, tác hại của shisha không khác thuốc lào, thuốc lá nhưng nguy hiểm hơn ở cách sử dụng tập thể. Shisha khi được sử dụng trong môi trường hẹp với lượng khói dày đặc sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người hút thuốc thụ động. . Nếu hút shisha 2 lần/ngày và mỗi lần hút từ 45-60 phút, người dùng sẽ đưa vào cơ thể một lượng nicotine tương đương một gói thuốc lá 20 điếu.

Shisha cũng gây nghiện như thuốc lá. Tuy nhiên, việc gây nghiện của shisha khó nhận biết hơn do sử dụng nhiều hương vị khác nhau. Bác sỹ Tuấn nhấn mạnh: “Nếu sử dụng shisha liên tục trong một thời gian dài, người sử dụng sẽ sống trong ảo giác, gây rối loạn hành vi, trầm cảm, sống không thực tế. Khi gặp những khúc mắc khó giải quyết trong cuộc sống rất dễ nghĩ tới việc tự tử. Nếu phụ nữ hút shisha thì càng nguy hại đến sức khỏe và khả năng làm mẹ sau này”.

Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra các tác hại của shisha đối với sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, nếu hút shisha trong 1 giờ đồng hồ, một người sẽ đưa vào cơ thể một lượng khói gấp từ 100–200 lần so với hút một điếu thuốc lá. Lượng nicotine vào trong cơ thể do hút shisha còn cao hơn 75% do với thuốc lá. Chính vì thế nguy cơ về bệnh răng miệng và ung thư của người hút shisha cao gấp 5 lần người chưa sử dụng.

TP.HCM kiến nghị cấm buôn bán shisha

Ngày 25/7/2013, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Hứa Ngọc Thuận đã ký công văn kiến nghị Bộ Y tế về quản lý kinh doanh shisha. UBND đã kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ xem xét bổ sung shisha vào danh mục cấm kinh doanh.

Trần Nguyễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/hut-shisha-thu-choi-tan-doc-3313/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY