Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Khi chị dâu em chồng cùng sinh con

Chị dâu: Rơi vào hoàn cảnh này mình càng thấy rõ sự khác biệt của phận con dâu, con đẻ.

Sao cô ấy không ở nhà chồng mà bồng con về đây, để nhà có hai “bà đẻ”, hai đứa con nít. Thật mệt với những cô nàng lấy chồng rồi cứ về nũng nịu đòi về nhà đẻ. Có cô ấy là mẹ bớt quan tâm ngay với cháu nội và gần như mặc kệ con dâu.

Mình xin phép sinh xong thì về nhà đẻ nhưng không được. Mẹ chồng cứ bảo phải qua tháng mới cho cháu về nhà ngoại. Song mẹ lại gọi sang nhà em chồng để xin cho gái về nhà đẻ. Mặc dù mẹ lấy lý do “để tiện chăm cả hai đứa” nhưng thực sự khi cô ấy về, mẹ gần như chỉ quan tâm tới cô ấy và cháu ngoại.

Mình sinh trước em chồng 5 ngày. Mẹ chồng “đón tay” cháu tại bệnh viện nhưng mọi thủ tục trước khi đi sinh, bà mặc kệ không nhắc nhở gì cả. Vậy mà mấy ngày sau, em chồng sinh, bà sốt sắng vơ vội một ít đồ của con mình mang lên viện, rồi gọi báo mình “Hai mẹ con con cố gắng chăm sóc nhau, bảo thằng Hùng (chồng mình) phụ thêm, cô nó sinh xong yếu lắm, mẹ ở lại đây với nó”.

Lúc mình sinh, mẹ bảo cô giúp việc chú ý khi nấu nước lá cho mình tắm, nhưng khi em chồng mang cháu về, chính mẹ vào bếp nấu nước lá cho con gái. Lúc con mình khóc đêm, mẹ tỏ vẻ trách “Chắc con lại quên cho nó bú rồi” nhưng cháu ngoại khóc đêm, bà chạy sang tận nơi bảo: “Để mẹ dỗ cháu cho, con ngủ đi”. Tủi thân ơi là tủi thân!

Em chồng cứ nũng nịu mẹ như kiểu nhà chỉ có cô ấy sinh con. Vài phút cô ấy lại gọi “Mẹ ơi, cháu làm sao, mẹ ơi, con…”. Khi mẹ vừa sang ôm con mình một lúc thì cô ấy lại gọi. Chỉ khi nào có chuyện gì to tát mới dám phiền mẹ, vì thỉnh thoảng mẹ lại kêu “đúng là chăm bà đẻ, mệt thật”. Cũng tại vì em chồng gọi mẹ liên tục thì làm sao mình dám làm bà vướng chân thêm nữa.

Nhìn mẹ chăm sóc em chồng, mình thấy y như cảnh cô ấy là cành vàng lá ngọc, còn mình như đứa con ở đẻ thuê hoặc trót lỡ có con với ông chủ. Giá như mình được về nhà đẻ sớm. Giá như mẹ mình có thể sang đây chăm sóc mình. Tại sao mình phải tuân thủ phong tục, sinh xong về nhà chồng, còn cô ấy thì không. Cô ấy về đây cứ như để tranh mẹ với mình.

Đã thế, cô ấy lại còn nói những lời khó nghe, như muốn đẩy mình sớm về nhà đẻ. Ví như lúc con mình khóc nhiều, cô ấy còn nựng con bảo: “Anh cu hư, khóc nhiều con nhỉ, con mẹ ngoan nào…”. Trẻ con khóc nhiều cũng lắm lý, phải đâu do mẹ vụng về. Cô ấy cũng trưng dụng cả chồng mình vào việc chăm sóc mẹ con cô ấy. Nào là “bác ơi, đi mua giúp cháu hộp sữa X, mua cả cái ti giả nữa”, lúc thì lại “anh thu hộ em đống quần áo ngoài kia cho cháu với”.

Mình nũng nịu với chồng một tí là cô ấy bảo: “Mẹ anh cu sướng ghê vì bác con còn biết chăm vợ, chứ như bố con thì thôi không nhờ được gì”. Ước gì mẹ chồng cô ấy cũng như mẹ chồng mình, bắt con dâu phải ở cữ nhà nội cả tháng mới cho về ngoại!

Em chồng: Vì không biết cách cởi mở và “trưng dụng” sự quan tâm của người thân nên chính chị ấy tủi thân.

Minh vừa bồng con xuống taxi, chị dâu đã mặt lạnh: “Mẹ con em cu về đấy, con đừng quấy bà nội nhiều nhé, bà con chăm em nữa”. Đó là ngôi nhà của mình một thời mà giờ trở về, cứ như đi xin ở nhờ chị dâu. Có lẽ chị không muốn mình nghỉ sinh ở nhà đẻ.

Nếu mình ở lại nhà chồng thì mẹ sẽ ứng xử thế nào với cả hai con cùng sinh đây? Mẹ sẽ sang chăm con gái và cháu ngoại hay ở nhà chăm con dâu và cháu nội. Nếu mẹ lo cho mình thì chắc chắn sẽ chẳng còn thời gian chăm chị ấy. Còn nếu mẹ ở nhà chăm chị, không sang chăm con gái thì mẹ lại chẳng thể yên tâm chút nào. Bởi thế mình mới xin gia đình chồng cho mang con về nhà đẻ, để mẹ trông nom cả hai con và hai cháu. Phải đâu gia đình chồng mình không muốn con dâu tuân theo phong tục, mà bởi vì bố mẹ chồng rất thông cảm với hoàn cảnh ấy nên đồng ý. Rõ ràng mình về nhà đẻ cũng có phần vì chị ấy.

Còn việc mẹ tận tâm với ai hơn, điều đó cũng rất dễ thông cảm. Mẹ chồng nàng dâu, rõ ràng khó thân thiết như mẹ con đẻ, nhất là những lúc sinh nở tế nhị thế này. Những việc chuẩn bị đi sinh, mẹ nghĩ rằng mẹ chị ấy cũng nhắc chị ấy rồi. Còn với mình, mẹ phải nhắc vì sợ mình vụng về, không biết gì, để nhà chồng “cười” cho.

Chị ấy cứ bảo mẹ quấn quýt với cháu ngoại hơn. Nhưng sự thực là cũng vì chính chị ấy không vô tư cởi mở trước nên mới đến cơ sự ấy. Mình cũng đi làm dâu nên mình hiểu điều đó. Nếu chị cứ vô tư hồn nhiên nhờ vả mẹ có lẽ chính mẹ cũng sẽ dễ gần gũi với chị hơn và giúp chị trong việc chăm sóc sau sinh tốt hơn. Tại sao chúng ta (những nàng dâu) không chịu cởi mở với mẹ chồng trước mà lại đòi hỏi ở mẹ chồng điều đó. Khi chị nhờ mà mẹ không giúp, hoặc lúc đó mình lại đòi mẹ phải ở bên cạnh, không cho sang giúp chị, thì lúc đó chị ấy hãy tủi thân.

Mình biết mẹ có thể thương mình hơn, xót con đẻ hơn. Nhưng đó cũng là một lẽ tự nhiên, là bản năng con người. Mẹ tự đun nước lá tắm cho con gái thì mẹ cũng dặn cô giúp việc rất kỹ về việc nấu nước cho con dâu. Nghĩa là, mẹ có thiên vị con gái chút ít nhưng không có nghĩa là mẹ coi thường, ghẻ lạnh với con dâu như chị ấy nghĩ.

Cũng vì mình không khéo nên không âm thầm làm những việc mà mình thấy là không làm được. Bởi thế có việc gì mình cũng dám nhờ mẹ và anh trai. Không phải vì mình đang tranh giành sự quan tâm của người thân , mà mình nghĩ đơn giản họ là người thân nên mình cứ nhờ vả khi mình sinh nở, họ còn đồng ý tức là còn nhờ được. Nếu chị ấy biết cách “trưng dụng” họ, nhìn sang thấy họ đang bận, có lẽ mình cũng sẽ bớt nhờ vả họ hơn. Mình nghĩ, nếu chị ấy đang ở nhà đẻ, có lẽ chị cũng đang nũng nịu mẹ và anh trai giống mình.

Chị ấy còn được ông chồng khéo gấp mấy lần chồng mình. Cũng vì anh trai mình khéo léo chăm sóc chị ấy, còn mình một mình với con, nên mẹ thiên vị mình hơn một tí. Cách thiên vị của mẹ cũng là để các con cùng nhận được sự chăm sóc tương đương nhau mà thôi. Vì suy diễn và quá nhạy cảm nên chính chị ấy làm tổn thương bản thân.

Như Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/khi-chi-dau-em-chong-cung-sinh-con-5740/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY