Vợ xấu hổ và chán nản vì chồng thất nghiệp
“Anh ở nhà đi, em và con về quê. Nếu ai hỏi em sẽ bảo anh đi công tác, chứ không lẽ nói là anh bị đuổi việc vì cãi sếp?”
Chị Cúc lớn tiếng với chồng, một tay lôi con nhanh chóng lên xe để về quê ăn giỗ. Chồng chị nghỉ làm một tuần nay thôi mà chị cảm giác như trời đã sập đến đầu. Trong thâm tâm chị luôn tự hào về anh, chồng chị là một người thông minh giỏi giang, khi chị theo anh về làm vợ, bao nhiêu cô gái ngưỡng mộ, nhiều người còn nói chị có phước vì chồng vừa tài vừa đẹp trai.
Nhưng bây giờ ai đến mà chứng kiến nỗi khổ của chị, ai hiểu được cảnh chồng thất nghiệp và suốt ngày chơi điện tử không thì tụ tập bạn bè, cái trụ cột của chị đã gãy rồi. Cúc có cảm giác lẫn lộn giữa thông cảm và giận dữ đối với lão chồng bị thất nghiệp của mình, muốn nhẹ nhàng với chồng lắm, nhưng chị lại buông ra những lời khó nghe.
Suốt chặng đường 100km về quê, chị không còn tâm trí đâu nghĩ đến chuyện đám giỗ và niềm vui gặp mặt họ hàng vì những hình ảnh về ông chồng thất nghiệp làm chị khó chịu. Trong lòng chị xen lẫn cảm giác vừa bực bội vừa hả hê khi bỏ anh một mình cho đáng đời. Đây là tình huống mà chị chưa bao giờ tưởng tượng ra lại rơi vào mình. Anh Nam chồng chị đột ngột xin nghỉ việc, chị hỏi mãi anh chỉ nói là không thích công việc đó nữa, đây là việc của anh em không phải lo. Chị không tài nào hiểu nổi chồng mình nghĩ gì giữa thời buổi kinh tế khó khăn, mà nói bỏ là bỏ, không màng đến vợ lo lắng thế nào khi con chuẩn bị vào lớp một.
Đã vậy, khi chị đi làm bảo anh đón con thì lúc được lúc không, cơm thì nấu cho vợ được 1-2 ngày rồi thôi vì hàng xóm khích bác khiến anh cả tối lì lì ngồi xem tivi, không nói với vợ một lời. Có bữa chị không về thì hai cha con cứ mì tôm ăn liền mà chiến. Tệ nhất là phải dọn một bãi chiến trường do bạn bè anh đến tụ tập rồi lại kéo nhau đi xem bóng đá, để con ngủ một mình giữa sàn nhà. Chị vừa mệt vừa xót con, lại giận chồng, ngồi khóc nức nở, cảm giác hai vai nặng nề, tâm trạng căng thẳng không lối thoát.
Rạng sáng anh mò về trong tình trạng say khướt, đi liêu xiêu. Chị không chịu nổi nữa vừa khóc vừa la: “Đã không uống được lại còn thế này. Muộn rồi, anh về làm gì, mai về cho sớm, không đi đâu cho em nào hầu hạ lại về hành vợ con”. Anh bủn rủn chân tay, sợ những âm thanh của vợ, nhưng anh không làm gì được nữa. Hôm sau khi anh tỉnh dậy thì vợ con đã đi hết, bụng đói meo, anh cảm thấy mình là người vô dụng quá.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng: Một khi người đàn ông rơi vào cảnh túng quẫn và không có khả năng kiếm tiền, anh ta sẽ căng thẳng tột độ, buồn chán kéo dài. Nó còn kéo theo một loạt tính xấu khác như: cáu kỉnh, bê tha, mất phương hướng, sa ngã và quá nhạy cảm. Chứng kiến cảnh chồng mình như vậy, đa phần chị em sẽ nảy sinh cảm xúc giận dữ, coi thường, phẫn uất.
Thậm chí, khi sự nản lòng lên tới cực điểm, cô vợ sẵn sàng “ném” vào ông xã những lời miệt thị khủng khiếp. Tất nhiên, tình cảm vợ chồng sứt mẻ là điều đã được cảnh báo. Theo đó, mối quan hệ gia đình mà bạn mất bao năm gìn giữ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Ảnh minh họa |
Đừng làm giọt nước tràn ly
Tối đó, mẹ chị lo lắng có điều chẳng lành khi thấy con gái có vẻ mệt mỏi ít nói và sự vắng mặt của cậu con rể yêu quý. Cúc không đợi mẹ hỏi, chị kể luôn những ấm ức trong lòng, khi lấy anh, trong mắt chị anh quá tuyệt vời nên Cúc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là trụ cột kinh tế trong nhà.
Mẹ chị nhẹ nhàng giải thích: “Có một điều mẹ chưa nói khi con chuẩn bị cưới đó là, con rất hạnh phúc khi lấy được người yêu con, điều kiện gì cũng tốt, nhưng một lúc nào đó, nếu họ thất nghiệp, mất địa vị xã hội hay ốm đau, con có cùng họ chịu khổ được không hay lại hối hận. Bởi vì cuộc sống gia đình không chỉ có màu hồng như tình yêu, nó có cả 7 màu. Nếu con trả lời được câu hỏi đó thì con mới thực sự yêu người ta, nếu không khi lấy nhau rồi con sẽ làm khổ họ”.
Nghe mẹ nói xong Cúc chợt nhớ ra bố chị cũng từng mất việc mấy lần, nhưng mẹ luôn an ủi, động viên bố ở nhà chăm sóc gia đình và làm thêm những việc khác, không ngờ sau này bố chị chuyển từ một công nhân cơ khí sang làm một thợ tạo dáng cây cảnh. Cúc lặng người đi, cảm thấy thương chồng vô cùng, đáng lẽ chị là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần anh vượt qua giai đoạn khó khăn này thì chị lại khiến anh chán nản hơn.
Hơn lúc nào hết, khi thất nghiệp, tính tự ái khiến đàn ông rất dễ bị tổn thương. Nếu vợ không quan tâm và ủng hộ trong thời điểm này, ông xã dễ chán ghét gia đình. Tình trạng thất nghiệp cũng thúc đẩy người đàn ông đến ngoại tình như để vớt vát lại vị thế của họ giống như mọi lý do khác gộp vào.
Khi cảm giác không còn giữ được thể diện với vợ, người chồng mất việc luôn có xu hướng tìm nguồn vui, niềm an ủi hoặc tán tụng, dù là giả tạo ở nơi khác. Theo các nhà xã hội học, thất nghiệp là một trong những sự kiện gây stress hàng đầu trong cuộc sống. Nó không chỉ khiến người đàn ông bị choáng, bị sốc mà còn ảnh hưởng xấu đến vợ con họ nữa.
Đứng trước thất bại, đàn ông không chia sẻ cảm xúc trong lòng với mọi người xung quanh như phụ nữ. Lý do là xã hội vô tình đặt gánh nặng kinh tế lên vai người đàn ông, họ được biết đến với vai trò “đạo diễn chính”, là trụ cột trong nhà, và khi bị thất nghiệp, đồng nghĩa với việc họ thiếu tiền, mất vị trí và sa sút lòng tự tin.
Nếu một người vợ yêu thương chồng, khi hiểu được tâm lý này ở người đàn ông, họ sẽ hiểu, khi khó khăn người chồng cần nhất ở vợ là thái độ cảm thông, yêu thương, bởi khi kết hôn, bạn không vì danh vọng, tiền tài của người ấy mà bởi bạn yêu chính con người họ. Đó là cội rễ của tình cảm vợ chồng, là mấu chốt quyết định thái độ và cách hành xử của bạn với bạn đời khi họ thất bại trong cuộc sống.
Chuẩn bị tâm lý khi chồng thất nghiệp - Coi sự thất nghiệp là một tình huống tạm thời, là tai nạn chứ không phải tai họa, có thể xoay xở được. - Hãy nhớ bỏ chút tiền vào túi chồng để cứu sống lòng tự trọng của anh ấy khi khỏi phải ngửa tay xin tiền vợ tiêu vặt. - Nên tránh cảm giác dồn ép khi đề cập đến chuyện tiền bạc với chồng. - Thử coi tình huống chồng thất nghiệp là cơ hội vợ chồng gần gũi và giúp đỡ nhau. - Cùng chồng tìm một công việc mới, để anh ấy luôn cảm thấy vững tin khi có vợ bên cạnh. |
Hoàng Lan
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: