Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Khi tức giận nên kìm nén hay bộc lộ?

Các cụ vẫn bảo một sự nhịn chín sự lành, nhưng nhiều khi sự nhịn lại sinh ra lắm cái họa, nhất là khi bạn cố nhịn… tức giận.

“Xả” hay “giữ”

Các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm nhỏ về những thay đổi trong cơ thể khi tức giận với hơi thở cùng một ống thủy tinh đựng nước đá ở nhiệt độ 0 độ C. Kết quả cho thấy, hơi thở của những người khi thần kinh bình thường là trong suốt, không màu và không tạp chất, nhưng khi tức giận, hơi nước thở ra xuất hiện chất kết tủa màu tím. Vậy thực tế, tức giận có thể gây ra cho chúng ta những gì?

Tức giận sẽ phá hoại nhịp điệu hưng phấn và ức chế hoạt động bình thường của đại não, làm tế bào não nhanh chóng bị lão hóa. Khi tức giận, tim sẽ bị thiếu máu và cơ tim thiếu ôxy (do một lượng máu lớn bị dồn lên não và mặt).

Tức giận kéo dài làm rối loạn nhịp tim, đe dọa đến tính mạng. Nó cũng làm cho acid mỡ tự do trong gan gia tăng; làm viêm nhiễm nang lông, gây ra các bệnh về da. Tức giận không tha hệ miễn dịch. Nó làm đại não sản sinh một loại protein áp lực gây rối loạn hoạt động của tế bào miễn dịch.

Tức giận quả thật mang lại cho chúng ta bao nhiêu phiền toái. Nhưng liệu kìm nén tức giận có giúp ta giải quyết vấn đề?

Một sự nhịn chín sự… chẳng lành

Vì một chữ “lành”, đôi khi thay vì bộc lộ hay xả hết cơn giận trong người thì bạn lại tìm cách kìm chế nó và yên chí rằng “mình đang làm đúng”. Nhưng thực tế, khi cố gắng kìm nén cơn giận nghĩa là bạn đã vô tình nuôi dưỡng nó, tạo ra uất khí và sự tăng tiết những hóa chất có hại làm gia tăng nguy cơ bệnh tật.

1. Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim:

Công trình nghiên cứu kéo dài 10 năm trên 2.755 người đàn ông khỏe mạnh, độ tuổi trung bình 41 tuổi của Viện Nghiên Cứu Stress ở Stockholm, Thụy Điển cho biết: Những người kìm nén cơn giận sẽ có thể làm gia tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra những cơn đau tim hoặc đột quỵ. Sau 10 năm, 47 người trong số này đã chết vì bệnh tim.

Qua những dữ liệu về sức khỏe, đặc biệt là thái độ của họ trong các mối bất đồng với cấp trên hoặc đồng sự cho thấy, những người có xu hướng kìm nén cơn tức giận (im lặng hoặc bỏ đi) có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp hai lần so với người phản kháng trực tiếp.

2. Rút ngắn tuổi thọ:

Trong mối quan hệ gia đình, kìm nén cơn giận cũng không được đánh giá là một phương pháp tốt, trái lại nó còn có thể “cắt xén” tuổi thọ của bạn. Theo GS. Ernest Harburg (Đại học Michigan, Mỹ), “chôn chặt sự tức giận trong lòng, nghiền ngẫm nó mà không cố gắng để giải quyết vấn đề sẽ đẩy chính bạn vào khủng hoảng”.

Ông và các đồng sự đã theo dõi 192 cặp vợ chồng có tuổi từ 35 đến 69 trong 17 năm. Dựa trên phản ứng tức giận của những người tham gia với các tình huống giả định, Harburg chia các cặp vợ chồng thành 4 nhóm: cả hai vợ chồng cũng bộc lộ sự giận dữ; người vợ bộc lộ cáu giận; người chồng bộc lộ cáu giận, người kia kìm nén; và cả hai người cùng chôn chặt nỗi bất bình của mình.

Họ phát hiện, có 26 cặp vợ chồng mà cả hai người đều kìm nén tức giận trong lòng. Và 25% số họ (một hoặc cả hai vợ chồng) chết trong giai đoạn nghiên cứu. Tỷ lệ này là 12% ở các cặp còn lại. Kết quả này vẫn đúng ngay cả khi tính đến các yếu tố sức khỏe khác như tuổi tác, hút thuốc, cân nặng, huyết áp...

3. Rối loạn tuần hoàn máu, cao huyết áp và ung thư:

Tức giận, sợ hãi, và buồn chán là những cảm giác tự nhiên mà ai cũng từng phải trải qua. Nhưng khi những cảm xúc này bị kìm nén, chúng có thể tạo ra chấn động tâm sinh lý gây rối loạn tuần hoàn máu.

Các nhà khoa học khẳng định việc kìm nén hay nuốt nước mắt vào trong vì giận dữ hay bất cứ lý do gì đều có thể gây hại. Và họ cũng đã đưa ra những bằng chứng để chỉ ra mối quan hệ giữa sự ức chế tình cảm với chứng bệnh huyết áp cao, bệnh tim và ung thư.

“Xả” bực bội theo cách thông minh

Rõ ràng, kìm nén cơn giận chả khác nào tự làm hại mình nhưng “làm ầm lên” cho hả dạ sẽ đẩy bạn đến nhiều rắc rối khác: làm xấu đi các mối quan hệ, bị đuổi việc, mất đi các cơ hội thăng tiến, làm ăn… Cách an toàn để xả cơn giận là giải phóng nó ra khỏi cơ thể mà cách tốt nhất là vận động với cường độ mạnh.

Một số người khi tức giận, theo bản năng họ chạy thật nhanh và họ đã không còn cảm nhận nỗi tức giận ấy sau đó. Bởi lẽ khi chạy với tốc độ cao, tim sẽ tăng nhịp đập, tăng lưu lượng máu, sự hấp thu khí ôxy tăng và làm giảm mọi áp lực, căng thẳng hiện tại. Bạn chỉ nên chạy với tốc độ cao trong khoảng 15-20 phút và tạm ngừng một phút nếu bạn thấy mệt quá. Chạy tốc độ cao cũng được xem là một bài tập hàng ngày để giảm căng thẳng.

Tập trung vào những hơi thở sâu cũng là cách để đẩy lùi cơn tức giận. Hít vào đến bụng dưới, thở ra chậm và dài hơn khi hít vào. Trong khi thở ra từ từ buông lỏng toàn thân nhất là phần vai và hai cánh tay. Ngoài ra, chỉ vài phút với bài tập thở này có thể giúp điều hoà thần kinh giao cảm và cân bằng năng lượng...

Nếu thấy tức giận vượt ngoài tầm kiểm soát, hãy thay đổi hoàn cảnh bằng cách đi ra ngoài và ở một mình, hoặc đi bộ để thư giãn. Các chuyên gia tâm lý khuyên bạn hãy tạo cho mình cơ hội để thể hiện sự tức giận một cách an toàn, mà không làm tổn thương bất cứ ai.

Tốt nhất bạn nên vào phòng riêng để “xả” cơn giận dữ của mình. Một số người chọn cách đấm đá vào… gối, viết ra giấy, la hét hoặc ném các đồ vật, một số khác lại tìm đến âm nhạc. Đừng bao giờ quên bạn không được làm đau mình trong quá trình giải tỏa tức giận và cũng đừng bắt người khác phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực từ bạn.

Bước cuối cùng trong việc giải tỏa tức giận là tập tha thứ cho những sai trái của người khác với bạn và cũng là để tha thứ cho chính mình, đó là lời khuyên từ các chuyên gia.

Gia Nhi

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/khi-tuc-gian-nen-kim-nen-hay-boc-lo-22200/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY