Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Khi vợ chồng “lệch pha” trình độ

Sự chênh lệch trình độ giữa vợ và chồng sẽ dẫn đến những khác biệt về nhận thức, hành vi ứng xử, giao tiếp, quan niệm sống, kỹ năng sống và nhất là cách nuôi dạy con cái.

Người cao, kẻ thấp

Câu chuyện mới đây của chị Thanh Nga (Quận 3, TP.HCM) trên một diễn đàn về việc vợ chồng chênh lệch trình độ được nhiều người đồng cảnh ngộ chia sẻ. Chị kể, chị là cô gái từ miền Tây chập chững lên Sài Gòn mưu sinh và quen anh, chàng sinh viên nghèo ở cùng dãy trọ. Khi hai vợ chồng mới lấy nhau, anh vừa học song đại học, còn chị làm công nhân, bây giờ anh là một phó giáo sư - tiến sĩ, quanh anh là những em học sinh học trên đại học, môi trường làm viêc của anh là những người có bằng cấp. Còn môi trường làm việc của chị là những người kinh doanh, buôn bán nhưng sống có tâm, có nghĩa, có tình, có đạo đức, có văn hóa, thu nhập của chị cũng chẳng kém anh, chỉ một lỗi là chị không bằng cấp.

Ảnh minh họa

Giờ chị nhận thấy giữa chị và anh ngày càng tồn tại nhiều khoảng cách. Chị nghĩ, đã là vợ chồng của nhau, mỗi người nên gạt bỏ cái tôi của mình, ai cũng có những niềm vui và đam mê riêng. Tuy nhiên, anh yêu nghề, say mê với công việc, ở cơ quan anh tự hào về những thành tựu anh đạt được, anh gặm nhấm những vinh quang, anh có vẻ đạo mạo của người có học bao nhiêu thì về nhà anh xem thường những người ít học như vợ anh bấy nhiêu. Những thành kiến, phân biệt đẳng cấp, khiến tình cảm của chị đối với anh không còn được như xưa.

Có hôm con gái bị sốt khóc suốt đêm, anh mắng chị: “Làm mẹ mà không biết nuôi con”. Anh còn hay lấy chuyện chị không thể cho con bú để dằn vặt mỗi khi có chuyện không hài lòng. “Tôi có bệnh nên không cho con bú được, tôi khổ lắm, vậy mà ảnh cứ lấy chuyện đó ra sỉ vả” - chị kể. Không dừng lại ở đó, mỗi khi chị góp ý chuyện anh hay nhậu nhẹt thì anh thô lỗ: “Cô ở trong xó bếp thì biết gì? Cái đó gọi là “giao lưu” biết chưa”. Thậm chí, có lần anh còn đánh chị.

Còn Ly, (Thủ Đức, TP.HCM) cũng đang chịu hoàn cảnh trớ trêu vì vợ chồng “lệch pha” trình độ. Tốt nghiệp đại học, tìm được một việc làm đúng khả năng chuyên môn, thu nhập khá, có nhiều "cái đuôi" săn đón nhưng Ly quen và lấy Hùng, nhân viên kỹ thuật bình thường trong một công ty xây dựng nhỏ. Với lương bổng hậu hĩ, Ly sắm sửa nhiều vật dụng cho gia đình và cũng mua không ít quần áo thời trang, nước hoa, son phấn cho mình. Còn Hùng, với đồng lương khiêm tốn, anh không mua được gì nhiều cho vợ.

Tuy vẫn rất yêu thương vợ nhưng cảm giác “ngại ngùng” bắt đầu xuất hiện trong anh. Mỗi khi cần tiền cho những khoản mua sắm lớn, anh cảm thấy rất ngại vì phải “xin” tiền vợ. Thấy vợ chi têu nhiều cho quần áo thời trang, Hùng muốn góp ý nhưng lại thôi vì cho rằng “tiền của cô ấy mà”.

Cảm giác ngại ngùng của Hùng lâu ngày biến thành sự khó chịu và thất vọng. Nhất là khi nhìn vợ vô tư mang về những món đồ điện gia dụng nào ti-vi, tủ lạnh, máy lạnh… mà không hề bàn bạc với chồng.

Tự ái của người đàn ông trỗi dậy, Hùng thường tự hỏi: “Không lẽ trong mắt cô ấy, người làm ra nhiều tiền mới là người có quyền quyết định?”. Yêu chồng, lo cho gia đình, nhưng Ly quá vô tư trước cảm xúc của người bạn đời. Hùng vốn đã ít nói, nay càng kiệm lời hơn. Anh cảm thấy ý kiến của mình không còn giá trị tham khảo nữa. Vợ anh mới chính là trụ cột trong gia đình. Còn Ly, do bị cuốn vào công việc nên cô không nhận ra khoảng cách bắt đầu xuất hiện giữa hai người.

Chỉ 10% hạnh phúc

Trong một buổi sinh hoạt về giới tính, tình yêu, hôn nhân được tổ chức tại khu nhà trọ ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, T.HCM, các bạn sinh viên và công nhân đã tranh luận rất sôi nổi về vấn đề kết hôn với người chênh trình độ. Đa số các nữ công nhân trẻ đều ao ước “được yêu và cưới mấy anh sinh viên ở cùng khu trọ”; trong khi đó, nhiều nữ sinh viên lại nói thẳng: “Không thích yêu các bạn học cùng lớp mà để sau khi ra trường, có việc làm, khi ấy sẽ có cơ hội chọn lựa người đàn ông hơn mình một cái đầu”.

Điều khá bất ngờ là không có công nhân nam nào bày tỏ ý định sẽ yêu và cưới các bạn nữ sinh viên làm vợ. Anh Nguyễn Công Minh, cán bộ quản lý một công ty ở KCX Linh Trung, Tp.HCM, đúc kết: “Đàn ông không muốn cưới vợ giỏi hơn mình nhưng cũng không muốn lấy một người vợ quá kém mình”.

Nhiều trường hợp, do ý thức rằng mình kém vợ về trình độ học vấn, khả năng kiếm tiền nhưng vì là "chồng" nên cái sĩ diện đã khiến người chồng không chấp nhận rằng mình thua kém vợ về nhiều phương diện. Mỗi lúc đuối lý, anh ta lại đem cái quyền "làm chồng" của mình ra, lấn át vợ. Để giữ hạnh phúc, người vợ chọn cách chịu đựng nhưng về lâu về dài, vì người vợ không biết phải giải tỏa những nỗi ấm ức với ai nên sinh ra trầm cảm.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, sự chênh lệch trình độ giữa vợ và chồng sẽ dẫn đến những khác biệt về nhận thức, hành vi ứng xử, giao tiếp, quan niệm sống, kỹ năng sống và nhất là trong cách nuôi dạy con cái. “Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% vợ chồng chênh lệch trình độ sống hạnh phúc. Đa số rơi vào trường hợp chồng có trình độ cao hơn vợ”.

Dù muốn hay không, bạn và người bạn đời của mình ít nhất phải ngang tầm về sự hiểu biết. Trong hôn nhân mặc dù tình yêu là yếu tố không thể thiếu, nhưng nếu có sự chênh lệch quá nhiều về học vấn cũng chính là sự chênh lệch về nhận thức và quan niệm sống. Nó sẽ làm cho người ta mệt mỏi, không thể chịu đựng nhau, tình yêu ngày càng phai nhạt đi. Đến một lúc nào đó người ta lại cất công đi tìm một nửa của mình.

Hơn nữa, khi đã là vợ chồng, các bạn sẽ còn phải gánh vác vai trò là cha mẹ của các con mình trong tương lai. Bạn khó mà dạy dỗ được một đứa con trưởng thành với nhân cách tốt dù bạn có tỏ ra là người mẹ đảm đang, hiền thục, hiểu biết, mà trong khi đó, chồng bạn lại sống bê tha và tỏ ra thiển cận, ấu trĩ trước các vấn đề trong cuộc sống và xã hội hoặc ngược lại.

Cho nên, dù rất yêu một ai đó và thực lòng muốn tiến tới hôn nhân với họ, bạn cùng đừng nên vội nhắm mắt gật bừa. Hãy bình tĩnh suy xét, tìm hiểu đối phương thật kỹ càng, để xem họ có thực sự là “một nửa” đích thực của mình, hay giữa hai người tồn tại quá nhiều điểm “lệch pha”. Vợ chồng chênh nhau chẳng khác gì đôi đũa lệch, phải cố gắng lắm mới cùng đồng hành hết một bữa ăn.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Tư vấn Gia đình Việt trên 100 cặp vợ chồng là cán bộ, công chức tại TP.HCM cho thấy 46% người được hỏi cho rằng nên xây dựng gia đình với người có trình độ tương đương với mình; trong khi có 51% cho rằng gia đình vẫn hạnh phúc khi chồng có trình độ cao hơn vợ chút ít.

Hạ Uyên

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/khi-vo-chong-lech-pha-trinh-do-21207/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY