Ảnh minh họa |
Dễ gây nhầm lẫn
Có nhiều biểu hiện giống cảm cúm (cũng kèm ho, hắt hơi, sổ mũi) nên nhiều người tự ý mua thuốc chữa cảm cúm về uống. Điều này khiến bệnh không thuyên giảm, lại gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị.
Dấu hiệu sớm của nấm họng - miệng do nấm Candida gây nên là người bệnh thấy đau nhói ở vùng họng - miệng. Cơn đau không ảnh hưởng nhiều đến việc nuốt nhưng lại gây khó chịu như loạn cảm họng.
Khi há miệng, người bệnh sẽ nhìn thấy những đám trắng, mỏng, mềm như lớp bựa trên niêm mạc, (có thể dùng bông để gạt lớp bựa này dễ dàng); niêm mạc bị đỏ, xung huyết nhưng không có các vết trợt, loét. Khi có những triệu chứng này, người bệnh nên nghĩ đến nguy cơ bị nấm để đến bệnh viện khám, xét nghiệm chính xác.
Nếu là nấm họng thì khi soi thanh quản thấy có giả mạc trắng xốp dày, dai, bám chắc trên bề mặt dây thanh, khi bóc tách dễ gây chảy máu; hoặc giả mạc xám mủn giống như tổ chức hoại tử.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách quệt lấy dịch ở vùng họng và lấy giả mạc ở thanh quản, soi tươi tìm bào tử nấm hoặc nuôi cấy. Trong một số trường hợp, cần sinh thiết để tìm tổn thương mô bệnh học.
Là bệnh khó chữa
Candida là thủ phạm gây nên nấm họng, miệng. Loại nấm này thường kí sinh ở miệng, họng, đường tiêu hoá và thường không phát triển thành bệnh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút hoặc khi lạm dụng kháng sinh (gây mất cân bằng vi khuẩn), nấm sẽ gây bệnh. Bệnh nấm họng - thanh quản cũng có thể xuất hiện do hít phải các bào tử nấm trong không khí hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm nấm.
Cũng như các bệnh do nấm khác, nấm họng - thanh quản khó chữa vì nấm có một lớp vỏ chitin, rất khó ngấm thuốc. Vì vậy, cần điều trị dài ngày, kết hợp dùng thuốc với việc loại bỏ các yếu tố thuận lợi để bệnh phát sinh. Ngoài ra, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, điều kiện sống còn nghèo nàn, môi trường bị ô nhiễm nặng ở nước ta… là ba nhân tố thuận lợi cho bệnh phát triển.
Tùy theo mức độ bệnh, sức đề kháng của người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp và các thuốc điều trị. Dùng kháng sinh chống nấm toàn thân hoặc tại chỗ, hoặc phối hợp cả hai phương pháp (như dùng clotrimazol, nystatin, amphotericin B, fluconazol...).
Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chữa nấm họng đều gây nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể người bệnh. Vì vậy, việc sử dụng thuốc phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Bệnh phải điều trị trong thời gian dài mới có hiệu quả nên bệnh nhân bắt buộc phải tuân thủ phác đồ điều trị, không được tự ý dừng thuốc trước thời hạn.
Lưu ý: Nấm họng có thể lây truyền từ người này sang người khác nên biện pháp phòng tránh chủ yếu là: Vệ sinh họng thường xuyên bằng các dung dịch kiềm (để tránh sự thay đổi môi trường họng, thuận lợi cho sự phát triển của nấm. Đồng thời, cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống xung quanh).
Những đối tượng dễ mắc bệnh Nấm họng - Những người phải dùng răng giả, đeo hàm răng giả; người vệ sinh họng - miệng kém; bệnh nhân phải điều trị tia xạ vùng họng miệng… - Người có sức đề kháng yếu, người bị tiểu đường, thiếu máu mạn tính, bệnh nhân gầy yếu, suy kiệt sức khoẻ và những người phải điều trị cocticoid, kháng sinh phổ rộng kéo dài. - Bệnh nhân xông họng hay dùng thuốc xịt họng kéo dài đặc biệt là những thuốc có corticoid. - Đặc biệt, rất hay gặp bệnh nấm họng - miệng ở những người nhiễm HIV/AIDS. |
Minh Nguyệt
Chủ đề liên quan: