Tám xong, đi xin lỗi!?
Đây là câu chuyện dở khóc, dở cười của chị Hoàng Thị Thanh, hiện đang là công chức một cơ quan nhà nước ở quận 7, Tp.HCM. Phòng chị chỉ toàn chị em phụ nữ nên lúc nào cũng như cái chợ và tám chuyện đã trở thành “đặc sản”.
“Đặc sản” đang sản xuất đều đều thì tháng trước phòng chị xuất hiện Hà, một nhân viên mới - cháu gái Trưởng ban của chị khiến cả phòng càng “tăng gia sản xuất” vì cô gái này nổi tiếng là tiểu thư điệu đà, lại lười biếng.
Theo lời kể của chị Thanh và đồng nghiệp thì cô tiểu thư này cậy là cháu cưng của sếp nên thường xuyên đi làm muộn. Càng được ưu ái, Hà càng bị cả phòng mang ra đàm tếu. Từ cách làm việc cho đến cách ăn nói, giao tiếp cô đều chẳng làm ai trong phòng vừa lòng, nhất là chị Thanh, người phụ trách bộ phận. Thường ngày, chị Thanh nín nhịn cô ta vì nể sợ sếp nên khi được dịp nói xấu, chị Thanh bao giờ cũng là người rôm nhất.
Thật không may, trời xui đất khiến thế nào hôm đó Hà đi làm sớm hơn thường lệ, khi chị Thanh và cả phòng đang rôm rả “cái Hà thế này, cái Hà thế nọ” thì bỗng nhiên Hà đẩy cửa xông vào mặt tối sầm lại. Cả phòng im bặt, chị Thanh đứng hình, miệng cứng đờ, không khép nổi môi. Kết quả là cả một tuần sau đó, chị Thanh phải chạy theo Hà rối rít xin lỗi, rồi dẫn cô tiểu thư đỏng đảnh này đi ăn uống, mua sắm,... vì sợ đắc tội với Trưởng ban. Đấy là chưa kể việc chị được một phen bẽ mặt trước bao nhiêu người khiến chị ấm ức từ đó đến bây giờ.
Ảnh minh họa |
“Ma cũ” tám, “ma mới” chạy mất dép!
Có lẽ đây là chuyện nhớ đời nhất của chị Hoàng Kim, biên tập viên cho một công ty Tổ chức sự kiện ở Q.3, Tp.HCM. Văn hay, chữ tốt nên trong khoản tám chuyện, chị Kim lúc nào cũng đứng nhất công ty về độ rôm. Không phủ nhận những chuyện chị Kim nói đều rất đã tai, nhưng tai bay vạ gió, đời không biết đâu chữ ngờ, vì tật lắm chuyện mà chị bị sếp lôi vào khiển trách và suýt bị trừ lương.
Số là hai tuần trước, công ty chị có tuyển một nhân viên mới - một du học sinh mới về nước tính tình rất nghiêm túc. Đặc biệt, sếp chị phải đưa ra rất nhiều ưu đãi mới thuyết phục được cô nhân viên này về làm việc. Và thật không may, cô nhân viên này lại được xếp ngồi cạnh “chiếc máy nói” Hoàng Kim.
Từ trước đến giờ, chị Kim luôn cho rằng việc tám chuyện trong công sở không phải buôn chuyện mà chỉ để cho không khí làm việc trở nên thoải mái hơn, chính vì vậy, khi có người mới, chị càng tăng công suất của miệng để giúp cô nhân viên mới này hòa nhập công ty nhanh chóng hơn. Nhưng lòng tốt của chị Kim lại bị hiểu lầm. Chỉ sau 2 hôm, cô nhân viên mới viết đơn xin thôi việc qua email và còn CC cho cả công ty. Chị Kim được phen chết đứng khi nhìn thấy lý do: “Vì công ty buôn chuyện quá nhiều trong giờ làm việc và thiếu chuyên nghiệp”. Ngay lập tức, Hoàng Kim bị sếp lôi vào phòng họp và bị “quăng quật” trong đó nửa buổi.
Sau lần đó, chị Kim vẫn chưa nuốt trôi cục tức chỉ bởi vì:“Hận vì không thể thanh minh thanh nga, mình thề từ này không bao giờ mở miệng nữa”..
Tám qua internet - nguy rập rình
Tám miệng chưa đủ, nhiều người còn sử dụng thời gian và hệ thống mạng internet nhanh hơn điện của công ty để tám. Đây là công cụ an toàn và hữu dụng nhất trong giờ làm việc. Tuy nhiên, đối với chị Định Thị Nga thì đây thực sự là một cơn ác mộng vì nó khiến chị suýt mất đi công việc của mình.
Đa số những thành phần tám chuyện đều là những người hoạt ngôn, chị Nga cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, từ khi có sếp mới nổi tiếng khó tính nhậm chức, chị Nga cùng đồng bọn phải kìm hãm những cơn ngứa miệng của mình. Cuối cùng, để thỏa mãn nhu cầu tám chuyện, họ quyết định tám trên Facebook cho đỡ... “thèm”.
Chuyện cứ thế rôm rả mà không ai biết cho đến một ngày xảy ra sự cố. Hôm đó, chị Nga đang thao thao bất tuyệt trên chat nhóm vì vừa bị sếp khiển trách trong cuộc họp thì bất ngờ, một người trong nhóm chat đưa máy tính cá nhân cho sếp mượn để xử lý một số tài liệu công việc. Khổ nỗi, anh bạn này chưa kịp nói gì với cả nhóm thì ông sếp đã nhảy vào... giành máy. Kết quả là từng dòng tin nhắn với nội dung đưa chuyện về sếp của cả đám cứ lần lượt nhảy lên góc màn hình, trước mặt nhân vật chính đang được nói tới.
Bao nhiêu sự thật được phô bày khiến sếp giận tím mặt, kêu cả đám vào phòng họp... tra tấn. Chị Nga bị nặng nhất vì sở hữu tin nhắn nhiều nhất, kết quả là một phen bẽ mặt trong cuộc họp và rơi vào tầm soi của sếp cho đến tận bây giờ.
Bạn có biết? Cách đây trên 200 năm, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng thế giới Andersen đã viết rất hóm về căn bệnh "buôn dưa lê": Buổi sáng, chị gà mái vừa nhảy khỏi chuồng thì bị mất một cái lông cánh. Chuyện rụng lông với lũ gà thì cũng bình thường thôi. Thế mà chị ngan vẫn rỉ tai chị vịt. Rồi chị vịt lại thì thào với chị ngỗng. Cứ thầm thầm thì thì như vậy đến lúc câu chuyện trở lại tai chị gà mái (nhân vật chính) thì đã thành một chuyện tày trời. Và chính chị gà mái này đã quả quyết: "Kinh lắm nhá. Có một mụ gà mái vì giai đã tự vặt lông mình, vặt đến mức trụi thùi lụi, chẳng còn một cái lông nào...". |
An Châu
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: