Trong đó phương pháp “Không còn tiếng khóc” được Elizabeth Pantley giới thiệu trong cuốn sách của cô mang tên “Giải pháp rèn ngủ không còn tiếng khóc” được áp dụng rất hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Đối tượng áp dụng
Phương pháp này có thể áp dụng cho trẻ từ ngày đầu mới sinh với cả giấc đêm và giấc ngày.
Trường hợp áp dụng
- Bé không dễ ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, đột nhiên tỉnh giấc dù mới chỉ ngủ sau 10 phút đến nửa tiếng.
- Bé ngủ ngày quá ngắn hoặc thức dậy đêm nhiều lần.
Cách thức thực hiện
Bước 1:
Cho bé tập làm quen với việc đi ngủ mà không cần phải mút ti bằng cách cho bé ăn no, để bé mút ti đến khi bé có vẻ buồn ngủ nhưng không để bé mút đến khi ngủ hẳn.
Bước 2:
- Theo dõi và ghi lại nhật ký ngủ của bé. Đảm bảo bé đã sinh hoạt theo một trình tự ổn định từ giấc ngủ ngày đến giấc ngủ đêm.
- Cho bé ngủ ngày đủ, thời gian cuối cùng của giấc ngủ ngày không được quá muộn.
- Giảm thiểu các kích thích và các hoạt động mạnh trước khi đi ngủ (cả giấc đêm và giấc ngày).
Bước 3:
-Tạo giấc ngủ thoải mái cho bé, có thể cho bé ngủ ở nôi, ghế rung hoặc xe đẩy nằm (giấc ngày). Đặc biệt luôn giữ cho cơ thể bé sạch sẽ bằng cách thay bỉm thường xuyên.
- Phòng ngủ đảm bảo yên tĩnh và tối.
Bước 4:
- Âm thanh và mùi hương có tác dụng đem đến cho bé một giấc ngủ ngon êm ái. Do vậy, mẹ có thể cho bé nghe tiếng tim đập như tiếng bé được nghe trong bụng mẹ hoặc bật nhạc nhẹ và đắp chăn, quấn bé bằng khăn quấn có mùi hương của mẹ.
-Với bé trên 6 tháng tuổi, có thể cho bé ôm gối ôm hoặc thú bông mềm mại để tạo cảm giác trấn an khi ngủ.
Bước 5:
- Cố gắng đặt bé vào giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Nếu bé buồn ngủ muộn, hãy dần dịch chuyển giờ sớm hơn mỗi ngày 5 phút.
- Tạo ra một từ khóa báo hiệu cho bé biết đã đến giờ đi ngủ, ví dụ như: “ngủ đi con”, “đến giờ ngủ rồi”, “đi ngủ thôi”, “suỵt, chúc ngủ ngon” hay một điệu hát ru, có thể kết hợp cùng âm thanh của thiên nhiên như: tiếng nước chảy, sóng biển, mưa rơi... hoặc nhạc nhẹ. Mẹ hãy tập cho bé quen dần với những từ khóa trên như một dấu hiệu thông báo cần phải đi ngủ.
Bước 6:
- Nếu đặt bé vào giường ngủ mà bé quấy khóc thì hãy bế bé dậy ngay.
- Khi bế bé, nên đung đưa nhẹ nhàng, đợi bé im lặng và lại đặt bé xuống. Khi đặt bé xuống, giữ cho tay mẹ vòng quanh người con trong vài phút.
- Một khi bé đã có vẻ nằm yên, nhẹ nhàng trượt tay ra khỏi lưng bé. Nếu bé vẫn khó chịu, lại đặt tay vòng quanh người bé, thì thầm từ khóa, rồi đu đưa, vỗ lưng hoặc chạm nhẹ bé cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ.
Bước 7:
- Sau một thời gian (có thể là vài ngày, có thể là 1tuần, 1 tháng), bé sẽ bắt đầu quen với lộ trình mà mẹ đã tập trong thời gian qua.
- Lúc này, khi đặt bé xuống, nếu bé khó chịu, cố gắng không bế bé lên hay đu đưa nữa, chỉ vòng tay quanh người bé, có thể vỗ nhẹ, thì thầm từ khóa và đợi bé chìm vào giấc ngủ thì bỏ tay ra.
Bước 8:
Bắt đầu giảm bớt sự trợ giúp. Nếu bé khó chịu, đứng cách chỗ bé ngủ một khoảng và sử dụng từ khóa cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Dần dần giãn dần khoảng cách ra đến tận cửa phòng.
Như vậy các bước này được thực hiên một cách từ từ theo lộ trình nhất định và ngày càng giảm sự trợ giúp của mẹ cho đến khi bé tự lập đi vào giấc ngủ mà “Không còn tiếng khóc” đúng với tên gọi “No Cry”
Khi thực hiện phương pháp này, các mẹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu, điều quan trọng là phải thực hiện đúng lộ trình và cần kiên nhẫn.
Tiểu Bùi
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: