Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Không phải cứ nôn là uống thuốc

Theo thống kê, cứ bốn trường hợp ngộ độc thuốc trẻ em thì có một do gia đình tự ý mua thuốc chống nôn cho các cháu uống và dùng tăng liều so với quy định.

Có những bệnh nhân được người nhà mang đến khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng nguy hiểm. Cháu bị sốt hai ngày, họng đỏ, nôn 5-6 lần/ngày. Mẹ cháu xót con, chợt nghĩ đến trước đây mình đã từng bị nôn và chỉ cần uống thuốc chống nôn là khỏi. Chị lập tức mua thuốc cho con uống với liều lượng nhiều hơn một chút so với chỉ định để con nhanh khỏi. Không ngờ, chỉ sau hai liều, cháu liền có biểu hiện lừ đừ, mắt nhìn lên rồi ưỡn mình, ưỡn cổ. Gia đình tức tốc đưa cháu đến viện. Các bác sĩ chẩn đoán, cháu có biểu hiện ngộ độc thuốc chống nôn. Rất may nhờ cấp cứu kịp thời nên sau khi được điều trị bằng thuốc an thần chống gồng ưỡn, cháu đã dần ổn định.

Nôn là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Trong nhiều trường hợp đó chỉ là dấu hiệu sinh lý. Cho trẻ ăn không đúng cách, ép trẻ ăn hay chế độ ăn không thích hợp đều có thể gây nôn. Thậm chí, một số trẻ có thói quen “dọa” bố mẹ (vì biết bố mẹ sợ và xót con) nên mỗi khi không vừa ý, chúng thường “ăn vạ” bằng cách nôn oẹ.

Tuy nhiên, nôn cũng có thể là triệu chứng bệnh lý của một số bệnh nguy hiểm như viêm não – màng não… Một số bệnh lý có kèm theo dấu hiệu nôn như rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy, rối loạn tâm lý, viêm họng, cảm cúm, ho có đờm... Chính vì thế, không thể cứ hễ thấy trẻ nôn là cho trẻ uống thuốc chống nôn và xem đây như là biện pháp hữu hiệu. Mới đây, một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho thấy, ngộ độc thuốc chống nôn ngày càng phổ biến, đứng đầu trong các trường hợp ngộ độc thuốc ở trẻ em.

Ảnh minh họa

Dễ gây nhầm lẫn

Các thuốc chống nôn chủ yếu có tác dụng lên ống tiêu hóa, làm tăng áp lực cơ vòng thực quản dưới và tăng hoạt động co bóp của cơ trơn. Do đó, thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp như: hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, nội soi ruột non và dự phòng gây nôn khi trị liệu ung thư, không dùng cho các trường hợp nôn thông thường.

Ngoài ra, thuốc còn gây ức chế lên trung tâm nôn trên hệ thần kinh trung ương. Đó chính là lý do mà ngộ độc thuốc có thể xuất hiện các dấu hiệu trên não bởi hàng rào mạch máu não ở trẻ em chưa hoàn chỉnh nên dễ bị ảnh hưởng. Các dấu hiệu ngộ độc thuốc xuất hiện sau khi uống từ 30 phút đến sáu giờ. Các biểu hiện thường thấy là trẻ ưỡn người, gồng người, co giật, lè lưỡi, vẹo cổ, mắt nhìn lên, đảo mắt bất thường... Những dấu hiệu này khiến bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh viêm não - màng não, xuất huyết não nếu người nhà không kể cho bác sĩ đã cho trẻ dùng thuốc chống nôn. Việc chẩn đoán nhầm sẽ dẫn đến những phức tạp, tai hại do điều trị không đúng hướng.

Khi trẻ bị nôn, trớ, việc đầu tiên là cha mẹ cần xác định được nguyên nhân do đâu? Nếu chỉ do chế độ ăn, tâm lý hay thói “mè nheo” thì chỉ cần điều chỉnh lại theo đúng nhu cầu dinh dưỡng và tâm lý của trẻ. Không phải vì những nguyên nhân trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế sớm để được bác sĩ chẩn đoán và quyết định có nên dùng thuốc hay không.

Kim Anh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/khong-phai-cu-non-la-uong-thuoc-26558/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY